Những bức ảnh quý về Hồ Chủ tịch qua ống kính của phóng viên Tiền Phong

Những bức ảnh quý về Hồ Chủ tịch qua ống kính của phóng viên Tiền Phong
Những bức ảnh quý về Bác Hồ từ ngày Người cùng chính phủ cách mạng về tiếp quản thủ đô đến khi Người qua đời, đã được cựu phóng viên ảnh báo Tiền Phong Mai Nam lần đầu tiên giới thiệu.
Những bức ảnh quý về Hồ Chủ tịch qua ống kính của phóng viên Tiền Phong ảnh 1
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam đứng bên phải Người

Nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội, báo Hà Nội Mới kết hợp tổ chức triển lãm “Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh qua ống kính của nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam” khai mạc vào 16 h ngày 18/5 tại 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.

Với hàng trăm tấm phim tư liệu trắng đen còn lưu giữ được, nghệ sĩ Mai Nam (nguyên là phóng viên ảnh báo Tiền Phong) lần đầu tiên giới thiệu những bức ảnh của ông chụp về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày Người cùng chính phủ cách mạng về tiếp quản thủ đô cho đến ngày Người qua đời với sự ngưỡng mộ đặc biệt của tác giả.

Những bức ảnh quý về Hồ Chủ tịch qua ống kính của phóng viên Tiền Phong ảnh 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi ở bể bơi Ba Đình. Ảnh: Mai Nam

Ông kể lần đầu tiên ông trực tiếp gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh là khi ông còn ở Việt Bắc và chưa là phóng viên ảnh. Đó là một lần ông nhìn thấy có người đàn ông đi trên ngựa qua đèo, có người bảo vệ đi cạnh. Mừng quá, ông nói : “Cháu chào bác ạ”. Hồ Chủ tịch liền đưa một ngón tay lên cao, ra hiệu bí mật.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiếp quản Hà Nội thì Mai Nam đã là một phóng viên ảnh, và ông đã chụp những bức ảnh sinh động về vị lãnh tụ kính yêu của mình. Lần cuối cùng Mai Nam chụp ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh là về đám tang của Người. Trong quãng thời gian ấy, Hồ Chủ tịch là một trong những đề tài quan trọng nhất của phóng viên nhiếp ảnh nói chung và phóng viên Mai Nam nói riêng.

Có lẽ rất ít người biết được tác nghiệp của phóng viên ảnh thời gian chiến tranh là hết sức thiếu thốn và khó khăn. Có những chiếc máy ảnh mà Mai Nam sử dụng là do lưu học sinh ở Liên Xô (cũ) góp tiền mua gửi về tặng Trung ương Đoàn. Lượng phim được sử dụng hết sức hạn chế, chụp kiểu nào thì báo cáo, để quản lý. Phim lại có xuất xứ ở nhiều nước trong khối XHCN chất lượng không đồng đều nên việc in tráng đòi hỏi phải công phu và có nhiều tìm tòi. Bảo quản phim cũng rất phức tạp.

Trong một bộ phim nước ngoài giới thiệu tác nghiệp của phóng viên ảnh trong thời kỳ chiến tranh chúng tôi nhìn thấy Mai Nam đã nghĩ ra cách đốt thuốc súng để chụp ảnh trong địa đạo.

Chuyển sang thời bình, khi báo chí đổi mới và có thu nhập khá, phần lớn phóng viên đi xe máy thì Mai Nam vẫn lọc cọc với chiếc xe đạp.

Những bức ảnh tư liệu quý một thời đã được hoàn thành trong điều kiện hết sức khó khăn như vậy. Và rất nhiều bức ảnh đã trở thành một phần không thể thiếu của lịch sử dân tộc. Nghệ sĩ Mai Nam cùng rất nhiều phóng viên ảnh khác đã góp phần viết nên lịch sử bằng ảnh ấy.

Kỷ niệm với “nhân vật” của mình, ông Mai Nam kể : “Có lần Bác đang đi vào phòng họp, tôi mạnh dạn thưa với Bác : Xin Bác cho anh em nhiếp ảnh được chụp chung với Bác một bức ảnh. Bác nhìn tôi một lúc, không nói gì cả, rồi đi vào. Tôi rất lo lắng, nghĩ rằng sẽ có một bảo vệ ra phê bình. Đến lúc đại hội nghỉ, Bác thấy tôi liền bảo: Anh em nhiếp ảnh vào chụp chung với Bác. Mọi người đều mừng rỡ. Anh em bảo : Mai Nam có sáng kiến chụp chung với Bác nên ưu tiên cho đứng gần Bác. Đấy là bức ảnh mà tôi rất quý”.

Xin chúc mừng lão nghệ sĩ nhân triển lãm của ông về đề tài đặc biệt mà ông tâm đắc đã lâu : Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.  

Hai bức ảnh, một câu chuyện

Những bức ảnh quý về Hồ Chủ tịch qua ống kính của phóng viên Tiền Phong ảnh 3
Ảnh lần đầu tiên được công bố: Bác đang căn dặn em Nguyễn Thị Phương - Học sinh trường cấp II Yên Hòa - Hà Nội.

30 năm về trước khi còn là phóng viên nhiếp ảnh báo Đoàn tôi có 9 lần vinh dự được chụp ảnh Bác Hồ trong các đại hội; khi tiếp xúc với anh hùng chiến sỹ thi đua tiêu biểu thời kháng chiến chống Mỹ.

Lần cuối tôi được chụp ảnh Bác vào ngày 24/7/1969 trên lễ đài, Bác đứng cạnh Bác Tôn. Bác đội mũ dang hai tay đặt lên vai em Nguyễn Thị Phương - Học sinh trường cấp II Yên Hòa - Hà Nội lên tặng hoa. Bác căn dặn em Phương: “Cháu về cùng các bạn ở trường cố gắng làm tốt 5 điều Bác dạy”. Giọng nói của Bác lúc này đã yếu.

Những bức ảnh quý về Hồ Chủ tịch qua ống kính của phóng viên Tiền Phong ảnh 4

Ảnh đầu tiên được công bố: Chụp các chiến sỹ trẻ trong đội ngũ các nhà khoa học trẻ

38 ngày sau đó, tôi đến chụp các chiến sỹ trẻ trong đội ngũ các nhà khoa học trẻ tổ chức nhận lẵng hoa Bác tặng đúng vào ngày 2/9/1969, ngày Bác đang nằm trên giường bệnh sắp “ vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay”.

Hai tấm ảnh một câu chuyện đã gây xúc động trong lòng tôi cho đến bây giờ. Tình thương bao la của Bác; sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với thế hệ thanh thiếu niên cho đến lúc Bác ra đi.

MỚI - NÓNG