Người chuyển giới - Gian nan làm người thường:

Những cái nhìn ngáo ộp

Chỉ trong những hoạt động của hội LGBT mang quy mô lớn một số người mới dám lộ sáng.
Chỉ trong những hoạt động của hội LGBT mang quy mô lớn một số người mới dám lộ sáng.
TP - Sau cửa ải gia đình, “những cái nhìn ngáo ộp” ở chỗ làm cũng là một nguyên nhân đẩy nhiều người  LGBT vào con đường trầm cảm, tự sát.

Trong số báo TPCN ra ngày 25/3, chuyên đề “Người chuyển giới - Gian nan làm người thường” đã đề cập hiện trạng người chuyển giới (NCG) gặp rất nhiều khó khăn khi công khai giới tính thật của mình. Ước mơ “được làm người bình thường” thường xuyên ám ảnh họ. Làm thế nào để thoát khỏi sự kỳ thị bủa vây hàng giờ, hàng phút? TPCN xin tiếp tục chủ đề nóng này.

Những người thuộc nhóm LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) không dễ tìm việc làm. May mắn có được việc làm cũng vẫn có thể bị sa thải vì lý do “là người đồng tính”.  Sau cửa ải gia đình, “những cái nhìn ngáo ộp” ở chỗ làm cũng là một nguyên nhân đẩy nhiều người  LGBT vào con đường trầm cảm, tự sát.

 90% người đồng tính bị kỳ thị ở chỗ làm việc

“Những cái nhìn ngáo ộp” - tên một hội thảo  về quyền bình đẳng của  nhóm LGBT Hà Nội tổ chức vào năm ngoái đã được cộng đồng cờ sáu màu share rộng rãi, trở thành một thuật ngữ nói về sự kỳ thị có ở khắp mọi nơi.

Mới đây, ngày 25/02/2018, cộng đồng Nữ yêu nữ Vĩnh Phúc đã tổ chức tọa đàm chia sẻ “8 tiếng an toàn hay bức bối” nói về quyền bình đẳng trong lao động với người LGBT tại các khu công nghiệp, công sở.

Những cái nhìn ngáo ộp ảnh 1 Một poster chống kỳ thị của LGBT Long An.

Hầu hết những người tham dự hội thảo đều có kinh nghiệm “bị kỳ thị”, “phân biệt đối xử” khi đi làm. Rất nhiều người trong số họ phải chuyển việc nhiều lần.

Nguyễn Thị V. (25 tuổi) kể: “Tôi từng hai lần bị đuổi việc vì lý do “là người đồng tính, ảnh hưởng đến tâm trạng khách hàng” (V làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp, đối tượng khách chủ yếu là nữ). Khi chuyển hẳn sang một việc khác thì bị giao toàn việc nặng, giống như bốc vác ở kho với lý do: “mày giống đàn ông, phải làm việc nặng”. Ở chỗ làm, tôi không có bạn. Nhiều khi đến giờ ăn, mọi người cố tình tách mình ra giống như mình có bệnh truyền nhiễm”.

Trần Văn T. (29 tuổi) cho biết: “Kinh nghiệm bị kỳ thị nhiều năm khiến tôi rút ra kết luận: không thể quá “lộ” ở chỗ làm. Sau khi chuyển việc lần thứ năm, tôi trở lại ăn mặc, đi đứng, nói năng như kiểu nam giới. Mọi người thỉnh thoảng cũng thăm dò “mày pê đê à” hoặc trêu tôi “xăng pha nhớt”. Nhưng ít nhất, như thế cũng dễ thở hơn so với khi mình mặc đồ nữ và đi đến đâu cũng bị nhìn trừng trừng kèm bình luận ác ý. Trước đó, còn từng có bà chủ cấm tôi nói ở chỗ làm vì “cứ nghe cái tiếng eo éo hoạn quan của mày là tao nổi da gà”.

Chuyện của Phạm Thanh H. (30 tuổi), tốt nghiệp Đại học KTQD: “Tôi tốt nghiệp đại học, đi làm, chưa từng nghĩ đến chuyện lấy chồng nhưng cũng chưa từng dám hy vọng có thể come out (công khai giới tính). Đến khi gặp em, yêu không dừng được nhưng cũng rất tiết chế vì ở môi trường công sở. Thế mà chúng tôi chỉ yêu nhau được ba tháng, đồng nghiệp đã viết thư nặc danh lên giám đốc, yêu cầu sa thải hai đứa vì “chướng tai gai mắt, cổ vũ lối sống bệnh hoạn”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Lan (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: “Trong một khảo sát về tình trạng phân biệt đối xử tại nơi làm việc, 90% số người được hỏi (trong số gần 500 người) nói rằng họ bị kỳ thị nặng nề tại nơi làm việc. Những hành động kỳ thị tập trung ở: lời nói, nhận xét ác ý, coi người LGBT là bệnh hoạn, đề nghị sa thải vì họ “không bình thường”… Một số người LGBT có trình độ cao thì đều thích chọn việc làm liên quan đến các môi trường nghệ thuật, sáng tạo bởi ở những chỗ như thế này, sự kỳ thị ít hơn và họ có thể thoải mái sống thật với bản chất mà không lo bị gièm pha”.

Chị Lan cũng chia sẻ thêm: “trong một nghiên cứu khác của tôi, rất nhiều người LGBT có trình độ văn hóa thấp bởi họ bị kỳ thị trong trường học từ nhỏ, dẫn đến tâm lý không muốn học, bỏ học sớm. Số người đó, khi đi làm cũng chỉ có thể đến các khu công nghiệp hoặc làm việc lao động tay chân, tiếp xúc chính với những người có trình độ tương đương và nhận thức xã hội hạn chế. Họ tiếp tục chịu sự kỳ thị ở chỗ làm, phải đổi việc, chuyển việc, chịu áp lực tâm lý liên tục. Số các ca trầm cảm, tự sát ở nhóm người này cũng cao nhất”.

Rắc rối vì giới tính không rõ ràng

Bác sĩ sản khoa Trần Thị Hoa (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) kể: “Một lần, tại phòng khám tư mà tôi làm thêm, có một người tóc ngắn, đi đứng, nói năng như con trai nhưng lại vác bụng bầu đến khám. Cả phòng khám ngớ người ra, y tá nhận phiếu còn chạy ra từ chối khám. Vừa lúc tôi đi đến, mời bệnh nhân ấy vào phòng siêu âm. Sau khám thêm mấy lần, “cậu” ấy kể, là người đồng tính, đã từng tiêm hooc môn chuyển giới nhưng về sau muốn có con quá nên dừng tiêm mấy năm. Lại làm IUI (một thủ thuật hỗ trợ sinh sản), có bầu nhưng vẻ ngoài vẫn là một người nam. Tôi cũng khuyên “cậu” theo dõi chu kỳ thai sản cẩn thận bởi những người từng dùng qua hooc môn chuyển giới, khi có thai có khả năng thai nhi bị dị tật sẽ cao hơn”.

Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), cứ bốn người LGBT thì có một người từng nghe, nhìn thấy những nhận xét, hành động tiêu cực từ các nhân viên y tế.

Nguyễn Việt Hà (Hà Nội) kể trong diễn đàn của dân LGBT: “Tôi đi cắt amidan, bà y tá cứ nhìn tôi chằm chằm như thể tôi là người ngoài trái đất. Khi làm hồ sơ nhập viện, thay vì hỏi triệu chứng, tiền sử bệnh bà ấy lại hỏi: bị thế này lâu chưa, chữa chưa, yêu nam hay nữ?”.

Cũng bởi vì “trong ngoài bất nhất”, những người LGBT có thể gặp rắc rối ở bất cứ đâu: trường học, nhà ga, sân bay, nhà vệ sinh, chỗ thử quần áo…

Những cái nhìn ngáo ộp ảnh 2 Cảnh người LGBT bị kỳ thị có thể gặp ở bất cứ đâu, trong bất cứ môi trường nào.

Một nhân viên ban cửa khẩu của Sân bay Nội Bài kể, hàng ngày anh đều gặp những người chứng minh thư là nữ nhưng hình thức là nam hoặc ngược lại. Mỗi hành khách như vậy đều chiếm dụng thời gian của nhân viên sân bay ít nhất từ năm đến hai mươi phút. Đơn giản nhất để xác định người đang làm thủ tục và người trong ảnh có phải là một không dựa vào việc đối chiếu vân tay. Trường hợp khó hơn phải đối chiếu nhân thân, kiểm tra các loại giấy tờ tùy thân khác, thậm chí phải khám kín. Sau đó phải yêu cầu họ viết cam kết, nhắc nhở những người này thay đổi, làm lại giấy tờ.

Năm ngoái, trong chương trình “Lộ sáng” do CSAGA tổ chức, câu chuyện của Phạm Thị Phương H. (Thái Bình) được coi như một điển hình của kỳ thị trường học. H gọi tuổi học trò của mình là “ký ức xám”. Những năm cấp 3 đối với H. là những ngày ác mộng khi đến trường. Ngày đầu tiên vào lớp 10, nhìn thấy một học sinh “khác thường”, cô giáo đã gọi H. lên bảng và biến H. thành trò cười cho lớp. “Đây là một bạn nữ của lớp ta. Các bạn xem đầu tóc, quần áo của bạn ấy có giống ai không? Trai không ra trai, gái không ra gái, không ra một thể thống gì cả. Bố mẹ bạn cảm thấy như thế này mà không nói gì à”?

Sau đó H bị thầy hiệu trưởng gọi lên rao giảng: “con gái phải để tóc dài, trường không chấp nhận những học sinh cá biệt như em”. Cô giáo chủ nhiệm thì nói với H: “tuổi còn trẻ, nông nổi nên mới thích con gái” sau đó bắt H nuôi tóc, gọi phụ huynh lên để nói về tóc tai ăn mặc của H. Những ngày sau đó, H. liên tục bị nhắc nhở, bị phạt đi dọn nhà vệ sinh, bố mẹ bị gọi lên trường liên tục. “Giờ em không đi học nữa và đi làm rồi. Các kiến thức về LGBT cũng rõ hơn trước. Em có thể tự tin với kiến thức về giới và dám chấp nhận cuộc sống của mình. Ngày ở trường là do em thiếu hiểu biết, không dám đứng lên đòi quyền lợi của mình mà thôi” – H. chia sẻ.

Người định kiến và người bị định kiến đều… thiệt

Th.S Lê Quang Bình (Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường - iSEE) chia sẻ: Định kiến và kỳ thị, hiểu đơn giản là thái độ tiêu cực của cá nhân, hoặc nhóm thường là đa số và nắm giữ quyền lực trong xã hội với những khác biệt của người khác, hay nhóm khác thường là thiểu số và yếu thế. Khi người ta coi mình là trung tâm vũ trụ, dùng hệ giá trị của mình để phán xét người khác, thì những khác biệt sẽ bị coi là xấu và không mong đợi.

Nếu nghiêm trọng, nó có thể dẫn đến sự áp đặt một hệ giá trị duy nhất lên tất cả mọi người. Ai không khớp với hệ giá trị “chuẩn” đó sẽ bị phân biệt đối xử, thậm chí loại bỏ. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của việc phân biệt chủng tộc trước đây, tội phạm hoá đồng tính ngày nay, hay xung đột tôn giáo ở nhiều nơi trên thế giới.

Khi xã hội kỳ thị những khác biệt, ví dụ như kỳ thị người đồng tính, thì họ phải che giấu không dám sống thật là mình. Điều này gây ra nhiều hậu quả về sức khoẻ tâm thần vì họ luôn phải sống trong vỏ bọc, lo âu đối phó với thái độ tiêu cực của xã hội. Nhiều người bị cha mẹ đánh đập, bị bắt nạt ở trường học, hoặc bị ngăn cản yêu đương.

Nếu không chịu đựng nổi, họ tìm đến rượu, chất kích thích, thậm chí tự tử. Theo một nghiên cứu của viện iSEE trong cộng đồng đồng tính nữ, tỷ lệ đã từng tự tử (nhưng không thành) cao hơn khoảng 30 lần tỷ lệ tự tử của thanh niên ở Việt Nam. Đây là tiếng chuông cảnh báo cho hậu quả nghiêm trọng của định kiến và kỳ thị.

Ngoài hậu quả tiêu cực trực tiếp lên những người thiểu số, yếu thế, định kiến và kỳ thị còn hạn chế sự sáng tạo trong xã hội. Để phát triển, chúng ta cần có những phát minh, sáng kiến và những giải pháp mới. Nếu con người sợ sự khác biệt, sợ cái mới thì sẽ không có tư duy sáng tạo.

Hơn nữa, sự đa dạng bao giờ cũng là nền tảng của sáng tạo vì những con người có niềm tin khác nhau, có nền tảng giáo dục khác nhau, kinh nghiệm sống khác nhau, thế mạnh khác nhau, sẽ bổ trợ cho nhau trong quá trình phát triển. Đây chính là hậu quả lâu dài của định kiến kỳ thị: nếu chúng ta loại bỏ cái khác biệt, cái ngoại vi, thì chúng ta khó có cái mới tốt hơn.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.