Những câu hỏi lớn chờ tư lệnh ngành môi trường

TP - Sự cố Formosa xả thải làm cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung vào tháng 4/2016 là sự cố môi trường nghiêm trọng chưa từng có ở Việt Nam. 

Bảy tháng sau sự cố, nhiều vấn đề đã được sáng tỏ, nguyên nhân được xác định, đối tượng gây ra sự cố nhận trách nhiệm và đền bù, chất lượng môi trường biển, hải sản được công bố… Tuy nhiên, có một câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ TN&MT liên quan đến sự cố này đến nay vẫn chưa được công bố?

Được biết, trước khi xảy ra sự cố, Bộ TN&MT đã tiến hành thanh tra Formosa nhưng không phát hiện ra lỗi. Sự cố xảy ra, thanh tra môi trường toàn diện thì phát hiện 53 lỗi nghiêm trọng. Vậy đơn vị nào của Tổng cục Môi trường trực tiếp giám sát Formosa, để xảy ra sự cố vừa qua, trách nhiệm thuộc về cá nhân nào, xử lý ra sao? Câu hỏi này, dư luận vẫn mong chờ.

Năm 2016 có lẽ là năm xảy ra nhiều sự cố môi trường chưa từng có, cùng với 4 tỉnh miền Trung, hiện tượng cá chết xảy ra ở nhiều nơi như Tĩnh Gia, Thanh Hóa, nơi có Dự án Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn; sự cố cá chết hàng trăm tấn ở hồ Tây… Dư luận từng ngày vẫn đang chờ thông tin chính thức.

Sau Formosa, có nhiều dự án gây tranh cãi về môi trường như dự án Nhà máy giấy Lee and Man ở Hậu Giang, dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná, Ninh Thuận hay quy hoạch 14 nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL. Theo quy định, Báo cáo đánh giá tác động môi trường là thủ tục bắt buộc để quyết định chủ trương đầu tư. Vai trò của Bộ TN&MT là hết sức quan trọng. Dư luận mong chờ một thái độ rõ ràng, khoa học, trách nhiệm của Bộ TN&MT với những dự án gây tranh cãi này.

Sau các sự cố môi trường, hàng loạt lỗ hổng trong quản lý nhà nước lộ ra, từ việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, vấn đề cấp phép xả thải, vấn đề quy chuẩn, tiêu chuẩn, thanh tra, kiểm tra… Trong số 615 cụm công nghiệp chỉ có 5% có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Hơn 4.500 làng nghề hầu hết sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Mỗi năm phát sinh hơn 630.000 tấn chất thải công nghiệp nguy hại, 17.000 tấn chất thải y tế nguy hại, sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, hơn 100 lò đốt rác thải sinh hoạt công suất nhỏ có nguy cơ phát thải dioxin, furan, gây ô nhiễm môi trường không khí. Môi trường Việt Nam, nói như Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đã đến ngưỡng chịu đựng.

Trước thực trạng môi trường đó cùng với những bất cập trong công tác quản lý môi trường hiện nay, dư luận mong chờ Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra được các giải pháp cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Trả lời Tiền Phong khi nhậm chức tháng 4/2016, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói, phương châm hành động của ông là gần dân, lắng nghe dân, hành động quyết liệt vì dân và lấy kết quả đạt được làm thước đo đánh giá công việc.

Sau hàng loạt sự cố môi trường và nhiều vấn đề môi trường cấp bách, có lẽ cử tri cả nước đang mong muốn được lắng nghe Bộ trưởng, được thấy Bộ trưởng hành động và thấy được kết quả để làm thước đo đánh giá.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.