Những chàng Tài Ngào ở Thượng Lâm

HTX Thanh niên Thượng Lâm khôi phục làn điệu dân ca Tày
HTX Thanh niên Thượng Lâm khôi phục làn điệu dân ca Tày
TP - Thượng Lâm là xã vùng cao của huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, người dân thường tự hào: “Nước từ Thượng Lâm chảy đi tất cả các nơi”, và giờ đây các cụ già người Tày lại tự hào về những người đoàn viên thanh niên “biết nói, biết làm”, góp công tổ chức du lịch, thay đổi diện mạo quê nghèo.

Tiếng gọi bản sắc

Đường tới xã Thượng Lâm quanh co, núi rừng trùng điệp, từ thành phố Tuyên Quang đi vào tới nơi mất hơn 3 giờ đồng hồ, đường sá vô cùng vắng lặng và hai bên đường chỉ có núi cao vực sâu. Sau khi xây dựng thủy điện Tuyên Quang, dân cư nhiều xã đã được di dời, khu vực này biến thành rừng phòng hộ nên không còn khai thác, trồng trọt nữa.

Đoàn khách từ thành phố Hồ Chí Minh vượt qua chuyến bay dài, đi gần ngày trời xe ô tô, xe xuống đèo vào đến xã Thượng Lâm lúc 8 giờ tối. Bữa cơm với măng rừng trong ngôi nhà sàn rộng rãi làm từ năm 1968, anh Ngơi trưởng thôn Nà Lung kể: “Thôn chúng tôi xưa chỉ 28 hộ, nay 128 hộ, nhưng người ở quê thì ít, đi nơi khác làm ăn thì nhiều. Các anh chị về thăm bản chúng tôi, sẽ có các đoàn viên thanh niên hướng dẫn chu đáo, đó là nét mới ở Thượng Lâm”. 

Câu chuyện về bản sắc văn hóa lại do chính những người dân Thượng Lâm nói ra. Anh Ngơi và những người dân bản kể: “Thượng Lâm chúng tôi đa số là người Tày, nhưng giữ được bản sắc Tày không dễ. Thanh niên lớn lên đi làm xa, lấy vợ khắp các tỉnh thành rồi, vợ đâu thì thường sống và làm ăn ở đấy cả. Bản chúng tôi trước có nhiều rừng cây chò chỉ, nhưng giờ cấm rừng, không khai thác nên chẳng mấy ai đủ gỗ để làm nhà sàn. Nghề trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa làm áo chàm nay cũng chẳng còn”.

Giữa chỗ rừng núi âm u, nhưng trẻ con chơi trò chơi điện tử, vào internet tải game, bố mẹ cứ phải cấm cản. “Hầu như chẳng ai còn biết đánh cây đàn tính của người dân tộc Tày và ít người biết hát được những bài ca cổ” – Chẩu Thanh Ngà, Phó bí thư đoàn xã Thượng Lâm tâm sự.

Ước mơ xây dựng văn hóa

Chẩu Thanh Ngà tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội, khi về xã làm công tác Đoàn thanh niên, anh nói: “Em nghĩ mình học văn hóa, nhưng nguy cơ chữ thầy lại trả cho thầy, vì vậy em cùng các bạn nghĩ ra một dự án để bảo tồn, phát triển văn hóa Tày trong xã Thượng Lâm. Anh em đoàn viên thanh niên trong xã đều đồng lòng ủng hộ”.

Chẩu Văn Đệ - Bí thư Đoàn xã Thượng Lâm tâm sự với tôi: “Xã em có 1.200 đoàn viên thanh niên, nhưng đi làm ăn xa mất 800 người rồi. Đôi khi, chúng em ngồi với nhau, thấy nhớ các bạn và không biết phải làm gì để thanh niên Tày ở lại xây dựng quê hương mình? Anh em Đoàn xã thống nhất làm một đề án thu hút thanh niên làm du lịch văn hóa homestay”.

Đề án Hợp tác xã thanh niên làm du lịch homestay tại xã Thượng Lâm đã đạt giải nhất cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp của tỉnh Tuyên Quang. Đề án được tỉnh đoàn Tuyên Quang đưa đi dự thi toàn quốc, được Trung ương Đoàn trao giải ba và được Trung ương Đoàn trao gói hỗ trợ 300 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để  phát triển ý tưởng.

Ngôi nhà sàn homestay của HTX Thanh Niên Thượng Lâm cuối cùng đã thành hình. Nó được xây dựng dựa trên một ngôi nhà sàn cũ, truyền thống của bản. Khi chúng tôi tới ngôi nhà sàn, toàn bộ hoạt động của homestay Tài Ngào này đều do đoàn viên thanh niên trong xã điều hành. Ngày cuối tuần nên đích thân Bí thư Đoàn xã vào bếp nấu nướng các món đặc sản địa phương. Người “đầu bếp” đeo kính cận này nói: “Có tháng chúng tôi đón hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế. Anh em trong xã phân công nhau đón tiếp và hướng dẫn du khách”.

Đi tìm di sản đã mất

HTX Thanh Niên Thượng Lâm, ngoài nhà sàn homestay họ còn có 2 chiếc thuyền đưa đón khách du lịch trên hồ thủy điện Tuyên Quang. Người hướng dẫn viên cuối tuần không ai khác chính là phó bí thư Đoàn xã Thượng Lâm Chẩu Thanh Ngà.

Chẩu Thanh Ngà kể: “Chúng em đang sưu tầm để trưng bày bảo tàng các sinh hoạt văn hóa của người Tày ở Thượng Lâm, mở lớp dạy hát đàn tính, hát then cho thanh niên. Hiện HTX đã có một đội văn nghệ hát các bài dân ca mà hầu như mọi người đã lãng quên. Em nghĩ bản sắc văn hóa Tày ở Thượng Lâm sẽ thu hút du khách và nó giúp người Tày quê em không quên đi nguồn cội của mình”.

HTX thanh niên Thượng Lâm có 4 thành viên chủ chốt và hiện đã mở rộng hơn 20 thành viên cùng góp vốn, góp sức làm du lịch địa phương. Ngà nói: “Chúng em muốn gửi tới các bạn trẻ một thông điệp rằng chúng ta có thể tự tạo công ăn việc làm ngay tại quê hương mình bằng những gì chúng ta đang có”. 

Từ truyền thuyết Tài Ngào

Nhà sàn homestay đầu tiên của HTX Thanh Niên Thượng Lâm được đặt tên là Homestay Tài Ngào. Đoàn viên người góp tiền, người góp đất, không có thì góp bằng công sức và bàn tay.

Các thành viên của HTX kể: “Tài Ngào là một nhân vật anh hùng trong truyện kể dân gian của người Tày. Năm đó hạn hán kéo dài, Tài Ngào đắp đập ngăn sông cho nước dâng lên để lấy nước giúp dân làng. Công việc gần xong thì có một kẻ xấu tung tin mẹ chàng qua đời. Tài Ngào tưởng thật vội làm chiếc quan tài bằng đã vác về để chôn cất mẹ. Về đến nhà, thấy mẹ đang ngủ say. Tài nào tưởng mẹ đã chết liền lấy tay vuốt mắt mẹ. Nào ngờ bàn tay khổng lồ của chàng đã làm móp thái dương mẹ khiến mẹ tắt thở. Nước mắt của Tài Ngào chảy thành sông làm cuốn trôi chiếc quan tài đá và thi hài người mẹ tới chỗ Tài Ngào đang đắp đập bên bờ sông Gâm”. 

Sau khi nghỉ ngơi và tham quan làng bản, du khách được các đoàn viên của đoàn xã đưa tham quan hồ thủy điện Na Hang – Lâm Bình và được đưa đến nơi Tài Ngào từng đắp đập ngăn sông, thăm núi Cọc Vài là cọc buộc trâu của Tài Ngào khi chàng đào đá. Câu chuyện về Tài Ngào như một nguồn cảm hứng để gây dựng nên HTX thanh niên Thượng Lâm làm du lịch văn hóa. Cô Bích, du khách từ TPHCM nói: “Tôi vượt hàng ngàn cây số tới Thượng Lâm mà rất hài lòng với các bạn trẻ ở đây. Các bạn rất nhiệt tình và hiểu biết về văn hóa dân tộc”.

Khi tới xã Thượng Lâm, người ta thường nhìn thấy những sắc áo chàm hòa cùng sắc áo của đoàn viên thanh niên, người lái thuyền, người làm hướng dẫn viên, bạn nấu ăn, người dọn dẹp. Mới đây, một cuộc đua thuyền thể thao quy tụ các tay đua toàn quốc đã được tổ chức ở gần núi Cọc Vài và chính HTX thanh niên đã lo ăn ở cho các đoàn về dự hội thi. Tường, một thanh niên Tày nay sinh sống làm việc tại miền Nam khi trở về thăm quê nhà, tự hào: “Quê hương em ngày càng đẹp hơn, đón nhiều du khách tới tham quan là nhờ vào các bạn em đã bám trụ lại nơi này”. 

Du khách cảm kích thấy Mùi, một cô gái Tày trong Ban chấp hành của đoàn xã Thượng Lâm khi màn đêm buông xuống, tự tay mình đi treo màn cho từng đoàn du khách nghỉ lại tại ngôi nhà sàn mang tên Tài Ngào và chúc du khách ngủ ngon.

Khi du khách yên ấm trong những chiếc nệm ấm, đó là lúc 20 đoàn viên thanh niên của xã họp lại dưới gầm nhà sàn để lo cho công việc ăn uống, du lịch khám phá cho du khách ngày hôm sau. Sáng sớm mờ sương, du khách mở mắt đón ngày mới giữa núi rừng, người ta đã thấy Mùi và các bạn sẵn sàng cơm nước và lái hai con thuyền xuôi ngược chở đầy du khách trên lòng hồ thủy điện xanh biêng biếc.

            8/2019

Những chàng Tài Ngào ở Thượng Lâm ảnh 1 Phó bí thư Đoàn xã Chẩu Thanh Ngà đang làm hướng dẫn viên trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang
Những chàng Tài Ngào ở Thượng Lâm ảnh 2 Du khách tham quan Cọc Vài trong tuyến du lịch của HTX thanh niên
MỚI - NÓNG