Những chuyện cảm động về Bác Hồ qua lời kể của thành viên nhóm tình báo Con Nai (Mỹ)

Những chuyện cảm động về Bác Hồ qua lời kể của thành viên nhóm tình báo Con Nai (Mỹ)
TP - Henry Prunier năm nay đã 86 tuổi, là một trong bảy thành viên của nhóm tình báo Con Nai (Deer Team) thuộc OSS. Theo lời kêu gọi của Bác Hồ, nhóm Con Nai nhảy dù xuống Tân Trào tháng 7 năm 1945 để giúp đỡ trong việc huấn luyện các chiến sĩ Việt Minh đánh Nhật.

Chúng tôi đến thăm hai ông bà Henry Albert Prunier và Maria Prunier vào một buổi sáng mưa lạnh ở vùng New England. Ông Henry Prunier rất vui khi biết chúng tôi có ý định tìm hiểu, tham vấn ông để làm một cuốn sách liên quan đến thời kì đó.

Theo ông, lịch sử sẽ dần trôi vào quên lãng nếu không có những người nhắc lại giai đoạn đặc biệt này của quan hệ giữa hai nước - Một giai đoạn rất ngắn khi Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng là bạn.

Những thành viên của The Office of Strategic Services (OSS), đã giúp đỡ Việt Minh sử dụng vũ khí và cũng chính những thành viên ấy đã hết sức nhiệt tình chuyển giúp thư của Bác Hồ đến chính phủ Mỹ, đề nghị Tổng thống Truman công nhận độc lập của Việt Nam.

Chỉ tiếc rằng lịch sử đã đi theo hướng hai nước trở thành đối thủ trong cuộc chiến 20 năm.

Có lẽ ông là một trong rất ít người còn sống và đã cùng ông Allison K. Thomas (trưởng nhóm Con Nai), trở lại Hà Nội năm 1995 gặp gỡ các chiến sĩ Việt Minh mà ông đã có dịp sống và làm việc. Cuộc gặp mặt sau 50 năm được tổ chức theo sáng kiến của Hội Hữu nghị Việt - Mỹ và do Quỹ Ford tài trợ.

Khi đến Tân Trào, ông mới 24 tuổi, làm thông dịch viên cho nhóm. Chỉ có chưa đầy một tháng được tiếp xúc với Bác Hồ, đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chiến sĩ Việt Minh, nhưng đã để lại trong ông những kí ức và kỷ niệm khó quên mà ông mang theo bên mình trong hành trình hơn nửa thế kỷ.

Ông nhớ rõ từng chi tiết khi nhảy dù xuống Tân Trào. Nhóm Con Nai ở cách Tân Trào 3 km, trước đó đây là  nơi dành cho các lớp bồi dưỡng chính trị, nay thành thao trường huấn luyện của Việt Minh.

Nhóm Con Nai mỗi người mỗi việc, trong đó có bác sĩ đã từng chữa bệnh cho Bác Hồ khi Người bị ốm. Vũ khí, thuốc men, thực phẩm của họ đều được tiếp tế bằng máy bay trực thăng.

Tuy nhiên, cả nhóm vẫn dùng thực phẩm của địa phương như cơm, ngô, măng rừng, rau và thịt gà. Ông nhớ nhất là bữa ăn rất thiếu rau, còn  thịt gà là món ông nhớ nhất vì nó… không ngon một chút nào. 

Tiếp đó là những ngày hành quân về Hà Nội cùng tướng Đàm Quang Trung, qua Thái Nguyên còn phải đánh nhau với tàn quân Nhật. Các ông về đến Hà Nội vào ngày 9/ 9/1945.

Ông được gặp lại Bác Hồ, bây giờ là Chủ tịch nước Việt Nam độc lập, với cảm giác ngỡ ngàng vì trước đó một tháng ông chỉ biết đó là “Mr. Hồ”. Con người giản dị đó giờ đây đã trở thành người đứng đầu một đất nước thoát khỏi ách thuộc địa.

Ông ở Hà Nội một thời gian ngắn, rồi sang Côn Minh và về Mỹ tháng 1/1946. Ông học đại học, rồi làm việc ở công ty gia đình J.S, Prunier and Sons.

Năm 1997, ông tham dự cuộc gặp mặt những thành viên OSS và các chiến sĩ Việt Minh tại New York. Hiện ông đang sống tại thành phố Webster nằm phía đông của bang Massachusetts, Hoa Kỳ.

Bước vào nhà, vật đầu tiên ông chỉ cho chúng tôi là bức tranh thêu trên lụa khổ 1,5 m x 0,6 m, về một nhân vật trong lịch sử Trung Quốc, được lồng trong khung kính, treo trang trọng trong phòng khách.

Đó là món quà của Bác Hồ tặng ông từ năm 1945, và ông đã giữ cho đến tận bây giờ. Mặc dù đã 62 năm đã trôi qua, nhưng bức tranh không hề phai màu, được bảo quản gần như mới…

Ông đưa chúng tôi vào nơi trước đây là Văn phòng giao dịch của công ty J.S. Prunier and Sons. Bây giờ, đây là nơi ông lưu giữ những cuốn sách về Bác Hồ, về Việt Nam, về đội Con Nai, OSS trong những ngày ở Đông Dương.

Những cuốn sách của các tác giả là thành viên của đội OSS như Charlse Fenn, Archimedes Patti, và các nhà nghiên cứu về Việt Nam sau này như William Duiker, Dixee R. Bartholomew-Feis.

Ông gìn giữ cẩn thận từng băng ghi âm các cuộc phỏng vấn của các cơ quan truyền thông trong những năm 1960, cả những băng cối, sử dụng rộng rãi vào thời kỳ đó.

Ông cho chúng tôi xem những băng ghi hình về Bác Hồ của nhiều đài truyền hình, các hãng thông tấn khác nhau như Đài BBC, kênh truyền hình “Lịch sử” của Mỹ (History Channel) và các cuộc phỏng vấn ông khi làm phim về Bác.

Từng tập hồ sơ, nhật ký của đội OSS ông còn giữ từ năm 1945, rồi ông đem những bức hình của các chiến sĩ Việt Minh năm xưa so sánh với những bức ảnh ông chụp với họ khi gặp lại nhau năm 1995 ở Hà Nội và năm 1997 tại New York.

Đặc biệt nhất là những bức ảnh đen trắng ông được chụp chung với Bác Hồ, đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chiến sĩ Việt Minh. Những bức ảnh gốc đã hơn 60 năm tuổi, chúng có mặt trên các tạp chí nổi tiếng như Life Magazine của Hoa Kỳ (1978), Paris Match của Pháp (1968) và trong nhiều phim tài liệu về lịch sử ngắn ngủi trong quan hệ Việt-Mỹ.

Ông tháo trên tường một khung kính nhỏ hơn khổ giấy A4 một chút, đó là chứng chỉ do Đại học Berkeley cấp ngày 2/9/1944, công nhận ông đã học qua khóa tiếng Việt trong 9 tháng (chứng chỉ ghi là tiếng Annam).

Hóa ra có trường đại học Mỹ đã dạy tiếng Việt từ thời kỳ đó. Ông trân trọng cho chúng tôi xem từng bài viết về Bác Hồ, được cắt ra từ báo hoặc tạp chí. Đã nhiều năm trôi qua, nhiều chỗ đã hoen ố, nhưng dường như chúng vẫn mang hơi thở của thời kỳ ra đời. Và với chúng tôi, những người tìm hiểu về lịch sử thì đó là kho tài liệu vô giá.

Đề tài ông thích nhất có lẽ là nói về Bác Hồ. Ông có thể ngồi hàng giờ nói chuyện về những kỷ niệm không bao giờ quên trong thời gian hơn ba tuần được tiếp xúc với Bác.

Mặc dù là phiên dịch tiếng Việt, nhưng ông bảo Bác Hồ nói tiếng Pháp và tiếng Anh rất thạo, đương nhiên là hơn hẳn tiếng Việt của ông nên Bác thường trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh, khiến ông gần như… thất nghiệp.

Biết ông là người Massachusetts, Bác nhắc lại kỷ niệm về những ngày Bác sống và làm việc ở Boston và New York.

Ông nhắc đi nhắc lại ấn tượng về Bác Hồ: Một con người rất đời, giản dị nhưng có chí khí mãnh liệt, một con người rất Việt, nhưng mang trong mình mọi tính cách của thành viên thuộc cộng đồng thế giới.

Ông mỉm cười khi nói đến hình ảnh ông nhớ nhất về Bác Hồ là Bác mặc áo cánh và quần sooc khi ở Tân Trào và cả khi về Hà Nội, trên cương vị Chủ tịch nước, Bác vẫn ăn mặc giản dị như thế khi tiếp đón các thành viên OSS tại Phủ Chủ tịch. Bác chiêu đãi, tặng quà và cám ơn các thành viên trong nhóm. Bác không hề tỏ ra mình là nhân vật quan trọng, khi mà trên thực tế lúc đó Bác là người vô cùng quan trọng. 

Ông buồn rầu kể: “Hồ Chí Minh đã nhờ chúng tôi viết thư về Mỹ đề nghị Tổng thống Truman công nhận quyền độc lập của Việt Nam. Chúng tôi là những người lính chứ không phải các chính trị gia, nên mặc dù đã làm hết sức mình, nhưng không giúp được gì nhiều. Chỉ tiếc là những bức thư đó sau này nằm trong kho lưu trữ quốc gia. Thời điểm ấy, nước Mỹ chỉ tập trung vào châu Âu, bỏ qua khu vực Đông Nam Á.

Tổng thống Truman đã để Charlse de Gaulle quyết định vấn đề Đông Dương. Phải chăng đây cũng là một phần nguyên nhân của cuộc chiến kéo dài 30 năm? Hồ Chí Minh mời chúng tôi trở lại Việt Nam bất cứ lúc nào, thế mà phải 50 năm sau tôi mới có dịp trở lại”.

Năm 1968, khi tổng thống Johnson leo thang chiến tranh, ném bom miền Bắc, tại Mỹ phong trào chống chiến tranh trong mọi tầng lớp nhân dân, sinh viên, thanh niên đã phân đất nước thành hai cực.

Nước Mỹ tìm hiểu về cuộc chiến, một tờ báo địa phương của thành phố Worcester, tiểu bang Massachusetts nơi ông sinh sống đã đăng bài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ của phía bên kia qua lời kể của Henry Prunier.

Bài báo ông cho chúng tôi xem không khác những điều ông trân trọng kể về Bác hôm nay. Trong cuộc phỏng vấn do đài phát thanh thành phố thực hiện, Henry Prunier đã khẳng định: “Chúng ta không bao giờ giành chiến thắng tại Việt Nam bởi vì chúng ta chiến đấu không có mục đích. Trong khi đó, người Việt chiến đấu vì mục đích, vì niềm khao khát độc lập tự do”.

Chúng tôi hỏi ông vì sao chỉ với thời gian rất ngắn ở Việt Nam mà ông đã có kết luận như vậy? Ông trả lời: “Đơn giản lắm, người Việt có chung niềm khao khát độc lập như chúng tôi đã có ở thế kỉ 18. Khi đó chúng tôi phải giành độc lập bằng mọi giá do chính sách thuế má nặng nề của nước Anh áp đặt lên chúng tôi, vì có mục đích chúng tôi mới chiến thắng trong cách mạng Mỹ”.

Ngay sau khi ông phát biểu trên đài phát thanh, con gái ông còn đang đi học đã bị một số bạn bè và cả thầy cô quy kết là “con của cộng sản”. Ông bảo họ muốn nói gì cũng mặc, với ông, cái gì ông cho là đúng thì ông làm. Và điều ông nói đã thành sự thật. Năm năm sau, những người lính Mỹ cuối cùng đã rút khỏi Việt Nam và năm 1975, đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất.

Với người viết bài này, đây là một cuộc gặp mặt thật cảm động và khó quên. Người đang làm cuốn sách liên quan đến thời kỳ lịch sử này là ông David Thomas, một cựu binh đã tham chiến tại Playku năm 1968, người đã trân trọng quý mến Bác Hồ và vẽ trên 50 bức tranh về Bác.

Henry Prunier, cựu binh của thế chiến II, người đã tham gia giúp Việt Minh kháng chiến chống Nhật. Còn David Thomas, cựu binh của Chiến tranh Việt Nam, người đã tham chiến chống lại quân đội nhân dân Việt Nam.

Hơn 30 năm sau, tại nước Mỹ, hai thế hệ cựu binh đều gật đầu đồng tình với ý kiến của ông Prunier: “Đúng, chúng ta (người Mỹ) đã thất bại bởi vì chúng ta chiến đấu không có mục đích”.

 Minh Phương
Boston, Hoa Kỳ (Tháng 4/2007)

MỚI - NÓNG