Những chuyến đò 'ba không'

Bến đò xóm 8. Ảnh: Tr.Kh
Bến đò xóm 8. Ảnh: Tr.Kh
TP - Người điều khiển những chuyến đò ngang ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) không có chứng chỉ chuyên môn; phương tiện không được đăng ký, kiểm định kỹ thuật; khách trên đò không có áo phao.

> Tộc người 'teo tóp' chuyển mình

Bến đò xóm 8. Ảnh: Tr.Kh
Bến đò xóm 8. Ảnh: Tr.Kh.
 

Lâu nay người dân các xóm 7, 8, 9 và 16 thuộc xã Bình Sơn (huyện Anh Sơn) phải vượt sông sang trung tâm xã trên những chuyến đò ngang như vậy. Một con đò không chạy bằng máy nổ mà dùng tay chèo kết hợp với kéo dây. Một sợi dây cáp giăng cố định từ bờ này sang bờ kia sông Lam. Đò cứ lừ lừ qua sông, lùi mà thành tiến, tiến cũng là lùi, không bao giờ phải quay đầu.

Con đò được buộc vào một khuyên sắt chạy trượt trên sợi dây giăng ngang sông, thành đai bảo hiểm giữ đò không bị nước (khi chảy xiết) cuốn trôi trong trường hợp người đưa đò không bám được vào dây nữa. Và cứ thế, đò như con thoi gắn vào sợi dây mà trượt trên mặt sông.

Anh Lê Văn Hùng, người cầm lái bến đò xóm 8, nói: “Đây là bến đò do xã cấp phép nhằm phục vụ bà con xóm 7 và 8. Hằng ngày, ít nhất tôi chèo qua lại trên sông 50 chuyến. Tại đây, lưu lượng người qua lại rất đông (chủ yếu học sinh và bà con trong xã). Theo quy định, mỗi chuyến chở không quá 5 người nhưng thực tế phải chở 20 - 30 người mới đáp ứng yêu cầu của bà con”.

Ông Nguyễn Hữu Khương, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn, cho biết, xã có 16 xóm, trước đây xã có 7 bến đò không chính thức, sau đó quy tập 5 bến nhưng giờ còn lại 3 bến (bến đò Giáp Gát, bến đò Cây Mít và bến đò xóm 16).

Trong ba bến đang hoạt động, chỉ có bến đò xóm 9 (bến đò Cây Mít) được đăng kiểm, còn lại 2 bến do xã cấp phép hoạt động. Tại các bến này, xã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, nhất là những lúc mưa to, bão lớn, kiên quyết không cho đò rời bến.

Theo ông Khương, xã đã đầu tư mua đò và phương tiện cho người chèo nhằm phục vụ nhu cầu qua lại cho dân và học sinh ở xóm 7, 8, 9 và xóm 16. Theo quy định của xã, tại các bến đò này, dân chỉ nạp lúa cho chủ đò vào cuối năm, chứ không thu tiền. “Trên đò không có phao là do chủ phương tiện không đưa ra sử dụng. Xã đã cấp mỗi bến đò 7-10 phao. Chúng tôi sẽ kiểm tra và khắc phục trong thời gian tới”, ông Khương nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG