Những chuyện giải quyết đất đai... kỳ quặc

Những chuyện giải quyết đất đai... kỳ quặc
TPCN - Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tranh chấp đất đai dai dẳng, nóng bỏng là cách giải quyết … kỳ quặc của chính quyền. Sau đây xin nêu vài vụ điển hình ở ĐBSCL.

Không thể hình dung nổi, nhằm đuổi một gia đình đang sống yên ổn mấy chục năm, chính quyền một xã đã xử sự như sau:

“Cưỡng chế bắt heo, hòa nước xi măng đổ vào đường ống nước không cho gia đình ông Liệt sử dụng là có thật, vấn đề này các hộ dân xung quanh rất bức xúc, không tán thành cách làm trên của chính quyền địa phương” (Trích Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ số 1425 ngày 31/7/2006 do Phó Tổng thanh tra Lê Đình Đấu ký).

Ông Lưu Hùng Liệt ở ấp Ninh Thạnh Tây, xã Ninh Thạnh Lợi (Hồng Dân, Bạc Liêu) có mảnh đất 1.536 m2.

Năm 1987, Bí thư Đảng ủy xã mượn 56 m2 để làm trụ sở HTX mua bán, năm 1996 Chủ tịch UBND xã mượn 32 m2 để xây dựng trụ sở đội thuế. Rồi Công an xã và Xã đội vào ở trên đất của ông Liệt. ở lâu, xã bảo đất của ông Liệt là… của xã (?)

Ông Liệt cất nhà, xã ngăn cản rồi báo cho huyện ra quyết định bắt ông Liệt phải đập 2 căn nhà để… trả đất cho xã. Ông Liệt quá ngạc nhiên, khiếu nại lên huyện lên tỉnh đều bị bác đơn. Chỉ khi khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ thì sự việc mới sáng tỏ, hiện ông Liệt đang chờ chính quyền địa phương sửa sai.

Oái oăm hơn là trường hợp bà Quách Thị Kiêu ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Phú Đông (Phước Long, Bạc Liêu). Bà Kiêu có nền nhà 110 m2 ở thị trấn Phước Long, sau giải phóng ông Trưởng ban Kinh tế-Tài chính của huyện mượn để làm cửa hàng thương nghiệp bán lẻ.

Khi cửa hàng rã đám, một nhân viên cửa hàng là bà Phan Thị Tú Anh xin ở tạm. Được thời gian, bà Tú Anh tự tiện phá bỏ nhà cũ xây nhà mới. Bà Quách Thị Kiêu ngăn cản. Huyện giải quyết bằng cách cho rằng đất của huyện (?).

UBND huyện trả cho bà Tú Anh 50 triệu đồng mà bà này đã bỏ ra xây nhà, rồi tiếp tục xây dựng hoàn thiện căn nhà(!). Xây xong, huyện lại cho… bà Tú Anh sử dụng. Dân địa phương phản đối, năm 2002 UBND huyện Phước Long lại ký hợp đồng cho ông Phan Minh Quang (cán bộ Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu) thuê căn nhà.

Tuy nhiên, ông Quang là em ruột bà Tú Anh, ông ký hợp đồng chỉ là hình thức còn thực tế bà Tú Anh vẫn ở trong căn nhà!!! Bà Tú Anh còn có 18 căn nhà ở huyện Phước Long. Vụ việc cũng phải đến Thanh tra Chính phủ mới sáng tỏ nhưng bà Quách Thị Kiêu vẫn chưa lấy được đám đất vì vướng căn nhà.

Phân xử không xong cũng lấy

Mẹ VNAH Lê Thị Mười, 82 tuổi, có chồng và 3 con liệt sỹ, cuối đời sống với con gái út Quách Thị Ên, nhưng bà Ên cũng vừa qua đời. Mảnh đất mẹ đang ở số 17/1, đường Phú Lợi, phường 2 (TX Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) thì bị một người tranh chấp rồi chính quyền ra quyết định thu hồi cho… chính quyền.

Mảnh đất này vào năm 1980 còn hoang hóa, UBND phường 2 cho bà Ên khai phá. 10 năm sau, một ông ở phường khác đến giành đám đất. Lúc đầu, địa phương bác đơn của ông kia nhưng sau lại cấp cho ông ta.

Rồi lại đem mảnh đất cấp cho 2 cán bộ là ông Nguyễn Tấn Quyên và Văn Thiên Tiết. Thấy không ổn, ngày 10/5/2004, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ra quyết định số 37 thu hồi mảnh đất để giao cho…UBND thị xã Sóc Trăng.

Ngày 15/8/2006, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có tiếp quyết định số 1153: “Giao phần đất cho UBND phường 2 để xây dựng trụ sở công an phường 2”. Công an phường 2 thì đã có trụ sở bên đường Phú Lợi, cách nhà mẹ Lê Thị Mười mấy trăm mét.

PV Tiền phong hỏi: “Mẹ VNAH chưa được cấp đất hay nhà tình nghĩa, sao không cấp luôn mảnh đất mẹ đã khai phá để ổn định cuộc sống cho mẹ?”. Ông Trang Hoàng Vinh, Phó chủ tịch UBND phường 2 trả lời: “Biết vậy nhưng quyết định của tỉnh thì phường phải chấp hành thôi”.

Còn ở số 390/12 khu vực Lợi Nguyên B, phường An Bình (Ninh Kiều, Cần Thơ) bà Phạm Thị Thu Hồng có 7 công đất. Năm 1987, bà cho 2 người mượn 3 công sản xuất. 2 ông này luôn khẳng định họ mượn đất và khi nào bà Hồng lấy lại thì họ trả.

Song mảnh đất lọt vào quy hoạch khu dân cư 91B. Chủ đầu tư dự án thấy 2 ông này ở trên mảnh đất thì cấp nền tái định cư cho họ. Bà Hồng không được nhắc đến liền khiếu nại.

Năm 2001, chính quyền địa phương ra quyết định giữ 3 công đất cho 2 ông kia. Quyết định này, phường không triển khai. Bà Hồng vẫn khiếu nại. Năm 2002, UBND TP Cần Thơ ra quyết định rút các quyết định trước đó và “Giao Ban địa chính lập thủ tục thu hồi lại cho Nhà nước quản lý”.

Bà Hồng kêu trời: “Đất của tôi cho mượn, nhờ chính quyền can thiệp để đòi lại, sao chính quyền lại lấy luôn cho chính quyền?”.

Quan liêu từ ấp đến tòa

Mỗi lần gặp PV Tiền phong là ông Phạm Văn Tứng, 70 tuổi, đại diện cho mấy anh em ở ấp Bình Hòa A, phường Phước Thới (Ô Môn, Cần Thơ) lại khẩn cầu báo chí vào cuộc để soi tỏ sự thật. Ông kể, đã gửi xấp xỉ 1.000 lá đơn từ địa phương đến trung ương.

Anh em của ông có 3 ha đất cha mẹ để lại và đã chia nhau sòng phẳng. Có một đôi vợ chồng em gái ông Tứng được chia đất phía trong nhưng xin cất nhà gần quốc lộ 91 để ở. Thế rồi vợ chồng người em này có con rể là lái xe của Chủ tịch UBND huyện nên đã lén làm “giấy đỏ” phần đất sát quốc lộ 91.

PV Tiền phong hỏi ông Lê Ngọc ẩn, Chủ tịch UBND phường là tại sao xác nhận không đúng vị trí đất như thế? Ông ẩn trả lời: Thấy người ta sống trong khu đất thì ký mà quên xác minh cụ thể. Kiện nhau ra tòa thì tòa xử theo “giấy đỏ”. Tòa xử rồi, anh em càng căng thẳng, ông Tứng quyết “một sống một chết” để giữ đất.

Cùng phường Phước Thới, ông Trần Văn Lõi ở ấp Thới Lợi cày cấy 3 công ruộng do cha mẹ để lại, đóng thuế đầy đủ. Đột ngột, năm 1992 một người em dâu của ông Lõi từ phường Thới An (cùng quận Ô Môn) về cho rằng đám ruộng của cha bà ta và đòi lại.

Bà đưa ra chứng cứ là mảnh giấy viết tay cho rằng cha của bà đã mua đám ruộng với một người nông dân. Nhưng ông nông dân này còn sống lại khẳng định không bán ruộng cho cha của bà. Vả lại giá 60.000 đồng ở thời điểm bán ruộng theo giấy viết tay tương đương 30 lượng vàng, quá lớn so với giá thực của 3 công đất.

Ông Lõi đề nghị chính quyền địa phương cho họp dân nhưng không được. Thế rồi từ quận, thành phố liên tiếp có quyết định giao đám ruộng cho bà em dâu ông Lõi và bà này có “giấy đỏ”. Kiện ra tòa thì tòa xử theo “giấy đỏ”. Mặc tòa xử, ông Lõi vẫn canh tác đám ruộng, khi ông chết trối trăng cho con “quyết giữ ruộng”…

Hầu hết các vụ tranh chấp đất đai khi diễn ra giữa hai bên chênh lệch giàu nghèo, cán cân nghiêng về phía giàu có bất chấp sự thật, đã làm nên sự… kỳ quặc. Rất cần các cơ quan cấp cao hơn sớm vào cuộc, có cách xử lý công minh, kiên quyết và hợp tình, hợp lý để người dân không còn phải chịu đựng những “sự kỳ quặc” như thế nữa !

MỚI - NÓNG