Những cô gái 'Vàng' việt dã Tiền phong

Những cô gái 'Vàng' việt dã Tiền phong
TP - Ngày 23/3, tại trung tâm TP Cần Thơ, Việt dã toàn quốc giải báo Tiền phong diễn ra, khi nhiều cô gái bước lên bục cao nhận huy chương và hoa thì tôi lại cứ nhớ đến các cô lúc rướn hết mình trên đường đua và hầu như vắt kiệt sức lúc đến đích.

Để làm chủ đường đua việt dã, để được vinh danh “nữ hoàng” như Trương Thanh Hằng, vô địch châu Á 800m, vô địch SEA Games 1.500m, lần thứ 5 vô địch nữ tuyển 5.000m giải báo Tiền phong, cũng phải trải qua những lần vắt kiệt sức, gục xuống sau đích đến.

Còn buổi sáng 23/3, khi đến đích cô vẫn có những bước chân làm chủ. Mấy phút sau, dẫu còn đẫm mồ hôi, cô đã có thể tươi cười với các phóng viên và người hâm mộ, tự tin đứng trước ống kính truyền hình trả lời phỏng vấn.

Từ khi vào đội tuyển quốc gia, Trương Thanh Hằng thường xuyên phải xa nhà, cuộc sống gắn với những bài tập luyện khôngngừng nghỉ,những đường đua trong và ngoài nước.

Mỗi năm cô chỉ về nhà được vài lần, thời gian ở với mẹ cũng ngắn. Đó là những ngày cô được thoải mái nghe nhạc, xem phim, đi mua sắm và nhất là ăn món gà ri yêu thích do mẹ nấu.

Trở thành vận động viên chuyên nghiệp, việc học văn hóa của Trương Thanh Hằng gặp rất nhiều khó khăn. Để tốt nghiệp phổ thông, với những cô gái khác phải cố gắng một thì với cô phải cố gắng nhiều lần hơn, bởi những chuyến đi thi đấu triền miên cắt ngang.

Đi Hồng Kông thi đấu giải trẻ mở rộng, đi Jordan dự giải điền kinh châu Á, dự các kỳ SEA Games, dự các Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc, dự Việt dã báo Tiền phong hàng năm, dự nhiều cuộc thi điền kinh khác và bên cạnh còn những chuyến tập luyện ở nước ngoài. Cuối năm 2007 vừa qua, cô mới thi hết lớp 12.

Còn chuyện lập gia đình riêng? Trương Thanh Hằng cười tâm sự: “Có lẽ 25, 26 tuổi em mới nghĩ đến. Thời vàng của điền kinh ngắn nên trước mắt em lo tập luyện và học tập, trong năm 2008 này hy vọng được tham dự Olympic Bắc Kinh”.

Về lâu dài, cô chưa khẳng định được cụ thể hướng nghề nghiệp. Với tuổi 22, quả là cô còn có nhiều thời gian để tính toán, chuẩn bị.

Cô nói sẽ cố gắng tạo cho mình một công việc ổn định, có thể gắn bó với môn điền kinh để truyền kinh nghiệm cho lớp đàn em. Cũng có thể theo nghề buôn bán của mẹ, chẳng hạn như mở một điểm internet hay cửa hàng bán đồ thể thao.

Còn thần tượng của Trương Thanh Hằng? Cô nói ngay: “Chị Phạm Đình Khánh Đoan, vì chị rèn luyện được những tố chất và kinh nghiệm sống mà vận động viên trẻ như em có thể học tập”.

Những cô gái 'Vàng' việt dã Tiền phong ảnh 1
Trương Thanh Hằng trả lời phỏng vấn

“Vàng” Tài năng trẻ

Nhắc đến Phạm Đình Khánh Đoan là nhắc đến tỉnh Khánh Hòa. Khánh Đoan cũng được phát hiện từ Việt dã báo Tiền phong với thành tích đầu tiên là huy chương Vàng giải trẻ năm 1997.

Ở tỉnh Khánh Hòa còn phải kể thêm nữ vận động viên nổi tiếng Đoàn Nữ Trúc Vân, vô địch nữ tuyển Việt dã giải báo Tiền phong năm 2003. Tính đến năm 2008, tỉnh Khánh Hòa 4 lần liên tiếp đoạt chức vô địch toàn đoàn.

Những suy tư về sự rèn luyện gian khổ của các nữ vận động việt dã đưa tôi tìm đến nơi nghỉ của đoàn Khánh Hòa trên đường Trần Văn Khéo (Ninh Kiều, Cần Thơ) để gặp cô bé Nguyễn Thị Bích Trâm, Huy chương Vàng giải nữ phong trào lần này, kèm học bổng Tài năng trẻ.

Bích Trâm là con út trong một gia đình nông dân ở xã Diên Sơn 2 (Diên Khánh, Khánh Hòa). Sinh năm 1994, lúc học lớp 5 mới 12 tuổi, thi chạy trong phong trào học sinh và giành giải nhất toàn huyện.

Huấn luyện viên Hoàng Thị Huyền Nga phát hiện được đã đưa Bích Trâm về Trung tâm Huấn luyện Kỹ thuật Thể thao Khánh Hòa để học tập và rèn luyện.

Cũng từ đó, Bích Trâm phải sống xa nhà, mỗi tháng được vài lần lên xe buýt về với cha mẹ và các anh chị cách vài chục cây số. Những ngày đầu vào sống ở Trung tâm, Bích Trâm khóc ri rỉ vì nhớ nhà.

Từ tháng 9/2006, đến nay mới hơn một năm và Bích Trâm không còn khóc nữa, đã say mê với việc tập luyện để mong muốn trở thành vận động viên chuyên nghiệp.

Huấn luyện viên Hoàng Thị Huyền Nga nói: “Bích Trâm có tố chất, có tiềm năng”. “Cuộc sống của cháu ở Trung tâm huấn luyện như thế nào?”, tôi hỏi. Bích Trâm trả lời: “Hàng ngày, hơn 5 giờ là cháu dậy, 6 giờ ra sân vận động tập chạy đến 7 giờ. Sau đó, học văn hóa ở trường cấp 2 Trưng Vương của TP Nha Trang. Hiện cháu đang học lớp 8”.

Bích Trâm có vẻ nhỏ hơn tuổi nhưng nhanh nhẹn, hồn nhiên, miệng cười cởi mở. Tôi nhớ lúc trao giải thưởng, những khi đọc đến đội Khánh Hòa là Bích Trâm cùng bạn bè cười ngả nghiêng, vỗ tay lia lịa.

Từ khi đặt chân đến Cần Thơ, Bích Trâm cùng đoàn Khánh Hòa chỉ lo tập luyện làm quen với đường đua. Mỗi ngày bắt đầu từ lúc 5 giờ và kết thúc lúc 7 giờ.

Bích Trâm tham gia Việt dã giải báo Tiền phong lần này đã là lần thứ 3,  lần đầu tiên năm 2006 ở Huế giành giải nhì nữ phong trào, lần thứ hai năm 2007 ở Gia Lai cũng giải nữ phong trào nhưng đứng thứ 8.

“Lần ở Gia Lai do thiếu kinh nghiệm, khi chạy cháu bị chèn ép, vấp ngã”, huấn luyện viên Hoàng Thị Huyền Nga giải thích. Tôi lại phần nào hiểu thêm những gian nan, vất vả của các nữ vận động viên việt dã để trở thành chuyên nghiệp, đạt được thứ hạng cao trên đường đua cạnh tranh quyết liệt.

Tấm gương để Bích Trâm noi theo có ngay trong đoàn Khánh Hòa, đó là kiện tướng Nguyễn Đăng Đức Bảo, hơn Bích Trâm 11 tuổi nhưng đã 4 lần vô địch giải nam tuyển Việt dã Tiền phong, vào các năm 2003, 2005, 2007 và 2008.

Khi tôi muốn chụp ảnh Bích Trâm, cháu gọi “anh Bảo” để cùng chụp. Nguyễn Đăng Đức Bảo là con đầu trong một gia đình làm nghề biển ở xã Vĩnh Lương (TP Nha Trang), có đến 6 người em.

Bảo cũng xa nhà từ nhỏ để vào sống ở Trung tâm Huấn luyện Kỹ thuật Thể thao Khánh Hòa, nỗ lực rất lớn nên bên cạnh các thành tích đầy khâm phục đã giành được, nay Bảo sắp hoàn thành chương trình Đại học Thể dục Thể thao. Bảo có em gái Nguyễn Đặng Thanh Thúy đứng thứ 7 giải nữ trẻ của cuộc đua lần này.

“Vàng” Tuổi trẻ sáng tạo

Giải trẻ có thể coi là bước thử thách trung gian để một vận động viên từ phong trào tiến lên giải nâng cao. Huy chương Vàng giải nữ trẻ cuộc đua lần này thuộc về Lê Thị Thơm, sinh năm 1990 trong một gia đình nông dân ở xã An Khê (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Cũng từ phong trào việt dã trong nhà trường, Thơm nổi lên ở huyện và năm 2004 được tập trung về tỉnh.

Cô tâm sự: “Lúc đầu em vào đội tuyển của trường chạy để được lấy thêm điểm thể dục cộng vào kết quả học tập”. Thế rồi đường chạy nhanh chóng ngấm vào máu thịt cô và Việt dã báo Tiền phong là một địa chỉ nâng bước chân của cô.

Năm 2005, mới 15 tuổi, đang học lớp 9, cô đã tham gia giải trẻ Việt dã báo Tiền phong tổ chức ở Đà Lạt và về thứ 4. Năm 2006 ở Huế và năm 2007 ở Gia Lai, cô tiếp tục tham gia giải trẻ và đứng 5 rồi thứ 7.

Thành tích những năm ấy tụt lùi nhưng đã cho cô nhiều kinh nghiệm, đó cũng là quãng thời gian cô rèn luyện không biết mệt mỏi để lần này đứng ở vị trí cao nhất.

Tôi gặp Thơm khi cô vừa trên bục nhận giải thưởng bước xuống. Vóc người nhỏ nhắn, khuôn mặt thanh thoát lấm tấm tàn nhang. Hầu như các cô gái việt dã đều có vẻ nhỏ hơn tuổi, chân tay gầy mảnh, da thịt rắn rỏi. Các cô không có dáng vẻ mỡ màng, bù vào đó là dáng vẻ lanh lợi, mộc mạc, trong sáng.

Tuy nhiên, chỉ lanh lợi trong đi đứng, cử chỉ, còn nói chuyện, Thơm khá rụt rè. Thành tích chạy 3km của Thơm là 11 phút 40 giây, đạt danh hiệu kiện tướng, vượt người về nhì là Nguyễn Thị Phương của Thanh Hóa 8 giây.

Khi đứng trên bục nhận giải, cô buộc gọn mái tóc bằng một chiếc khăn điểm màu xanh nõn chuối, hiện rõ nét thuần phác của phụ nữ Bắc Bộ, tôi có cảm tưởng như cô vừa ở “cánh đồng năm tấn” bước lên. Còn khi ngồi trò chuyện với tôi bên khóm hoa ở khu vực đích đến của giải, Thơm lại có vẻ như một nữ sinh ở thôn quê mới ra thành thị.

Thơm kể: Trong nhà cô không ai chạy việt dã như cô, anh trai đi làm, em gái mới 5 tuổi. Nhưng cuộc sống của cô có lẽ sẽ gắn bó lâu dài với điền kinh.

Cuối năm 2007, cô đã tốt nghiệp cấp 3 và hiện đang học một số môn như ngoại ngữ để chuẩn bị cho nghiệp thể thao có nền tảng văn hóa vững chắc. Dự giải lần này cô được Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo.

Giọng Thơm đầy tự hào khi nhắc đến 2 nữ đồng đội là đồng hương Thái Bình vừa đoạt giải nhì và ba ở giải nữ tuyển. Đó là Bùi Thị Hiền sinh năm 1989 và Phạm Thị Hiên sinh năm 1986, chỉ kém “nữ hoàng” Trương Thanh Hằng theo thứ tự là 4 và 6 giây.

Bùi Thị Hiền từng đoạt huy chương đồng chạy 1.500m ở SEA Games 24. Cũng tại SEA Games 24, Phạm Thị Hiên về thứ 4 maraton với thành tích 2 giờ 48 phút, vượt kỷ lục Việt Nam do Nguyễn Thị Hoa ở Quảng Nam lập đến 5 phút. Nữ tuyển và nữ trẻ của Thái Bình ở Việt dã lần thứ 49 này đều đoạt giải nhất đồng đội.

Thơm nói, cô đã có kỷ niệm tuyệt vời với TP Cần Thơ và cô sẽ không bao giờ quên. Có lẽ TP Cần Thơ mến khách với Năm Du lịch Quốc gia cũng không quên các cô gái “Vàng” đã đến và đã thi đấu hết mình làm đẹp, làm hấp dẫn thêm cho thành phố.

Cần Thơ ngày 24/3/2008

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.