Những cô gái Việt ở "phố đèn đỏ" Singapore

Những cô gái Việt ở "phố đèn đỏ" Singapore
Trong lòng Đảo quốc tươi đẹp Singapore có một thế giới khác, thế giới của các cô gái ngụp lặn trong kiếp sống bán mình. Không ít trong số họ đến từ Việt Nam.

10 giờ đêm chúng tôi tản bộ trên con đường Joo Chiat Road, cách trung tâm 20 phút taxi.

Trên phố, dân ăn chơi ngồi tràn ra vỉa hè và dưới chân họ xả đầy những rác.

Đang đi, bỗng nghe văng vẳng tiếng karaoke hát bằng tiếng Việt. Thì ra, tiếng hát là của những cô gái Việt trong lúc ế khách, giải sầu bằng những bài hát quê hương cho đỡ nhớ nhà.

Tấp vào một quán vỉa hè, đầy đủ các món nhậu như ở Sài Gòn, chỉ mỗi tội giá đắt gấp 4 lần, ông chủ người Hoa xởi lởi, muốn kéo bàn ra ngoài vỉa hè ngồi cho mát: OK. Hút thuốc muốn gạt tàn vào đâu thì gạt: OK. Muốn "dô dô" cho khí thế: OK! Có cảm giác như không phải ngồi trên đất Singapore!

Thấy một bàn nhậu, khách nói tiếng Việt mấy cô gái Việt xà vào: Hương, Thúy, Châu, Hà... những cái tên thường xướng lên cho có tên gọi. Tên các cô có thể giả, nhưng có điều thật không thể dấu được là họ rất mừng khi gặp chúng tôi. Ít ra là gặp đồng hương trên đất khách.

Làm nghề này, cô gái nào cũng soạn sẵn một kịch bản gia đình "đầy hoàn cảnh" - nguyên nhân đưa họ đến đây để tâm sự với khách quen.

Hương cô gái trẻ nhất nhóm, có một khuôn mặt khá dễ thương, nói: Em ở quận 8 TPHCM, có quán cà phê nho nhỏ, nhưng má em chơi hụi, sập tiệm, chủ nợ đòi riết, dọa xử nên chạy qua đây.

Em đang sống bất hợp pháp, đang nơp nớp lo sợ bị trục xuất. Tôi hỏi nếu cảnh sát vớ được thì sao, Hương trả lời hồn nhiên: Hên xui may rủi mà anh!

Phố "đèn đỏ" ở Singapore náo nhiệt từ lúc trời chưa tối. Dân taxi khi nghe khách yêu cầu chở tới khu Geylang đều cười bí hiểm.

24 con đường ở khu Geylang chia theo lối bàn cờ, mỗi con đường chừng 500m nhưng có tới vài chục nhà chứa. Trước mỗi nhà chứa đều treo đèn đỏ như ở Chợ Lớn hay Hội An ngày lễ hội.

Những cô gái Việt ở "phố đèn đỏ" Singapore ảnh 1

Một góc “phố đèn đỏ” Patpong

Dân "mua hoa" đủ quốc tịch tập nập ra vào. Trước mỗi nhà chứa đều có bàn thờ khá lớn thờ Bạch mi - thủy tổ của nghề "buôn phấn bán hương". Luật pháp Singapore cho phép mở nhà chứa công khai, nộp thuế, thực hiện đủ các yêu cầu về an toàn vệ sinh, sức khỏe...

Nhưng bên cạnh đó cũng có một loại gái đứng đường hành nghề bất hợp pháp có giá rẻ hơn vì không phải tốn tiền thuê mặt bằng và đóng thuế.

Gần 2 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại Lor 8 Geylang. Vài chục cô gái xinh đẹp đang đứng "tự giới thiệu" trên vỉa hè. Các cô gái đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và cả Việt Nam. Bỗng nghe tiếng còi hú của xe cảnh sát, các cô túa ra dạt vào các khách sạn bên cạnh.

Xe cảnh sát đi qua, họ lại trở về chỗ cũ y như "đá ném ao bèo"... Trong 30 phút đã có tới 2 "trận càn" của cảnh sát. Ở đây, khách hàng chơi đến tận nơi ngã giá. Nếu đồng ý sẽ tìm nơi "bãi đáp".

Còn chẳng may nếu bị cảnh sát vớ được thì các cô gái và cả khách cùng đồng thời bị trục xuất khỏi Singapore. Có lẽ tội của họ không phải vi phạm thuần phong mỹ tục mà là bán và tiếp tay cho việc "bán hàng trốn thuế"!

Tại đây, cũng có những cuộc đụng độ giữa các nhóm gái đến từ nhiều nước khác nhau nên cuối cùng thì phân chia lãnh thổ: Lor 8-10: gái Trung Quốc, Lor 18: Việt Nam, Lor 20: Thái Lan...

Tại phố đèn đỏ, khách đến thăm nhà thổ được mời vào xem "hàng". Những cô gái đeo số ngồi trong tủ kính tươi cười chờ đợi. Đám khách vào thì cứ nhìn lom lom, nếu không vừa ý thì cứ tự nhiên chào ông chủ một tiếng rồi đi sang nhà khác, chẳng sao.

Nếu OK cô nào thì được mời vào phòng. Nơi ấy đồng thời là giường ngủ của cô gái, tinh tươm, sạch sẽ. Khách vào được "tẩy trần" trước khi hành sự. Cuộc mây mưa không quá 25 phút, giá phải trả là 50 đô la Singapore. Khách có "boa" thêm, các em cũng không nhận.

Khi được hỏi trong nhà thổ này có nhiều gái Việt không thì ông chủ chứa cho hay: Chủ yếu là gái Thái và Trung Quốc. Các cô gái Việt cũng có nhưng không nhiều bởi đa phần họ đều cư trú bất hợp pháp, nếu chúng tôi chứa chấp sẽ bị cảnh sát phạt nặng.

Trôi nổi xứ người

Nỗi buồn của các cô gái Việt là họ đang ở tận đáy cùng của xã hội, nhưng còn tệ hơn một bậc so với đồng nghiệp khác. Vì sống bất hợp pháp nên không được pháp luật bảo vệ, không có quyền lợi từ y tế cộng đồng - một phúc lợi xã hội khá cao ở Singapore. Họ sống chui lủi, nơm nớp lo sợ bị bắt, bị trục xuất.

Luật pháp Singapore quy định người nhập cảnh du lịch chỉ được lưu trú không quá 15 ngày. Hà nói: "Qua đây nếu chỉ 15 ngày thôi thì chưa làm được gì trong lúc đó quá nhiều chi phí. Muốn ở lại chúng em phải "trao thân gửi phận" cho "lão bạn" (ông chủ) và ổng lo hết mọi chuyện. Vì thế, món nợ ngày càng tăng mà không biết bao giờ trả hết được".

Giờ đây con đường Joo Chiat Road gần như là lãnh địa do những cô gái Việt độc chiếm. Ông chủ quán nhậu 88 - Joo Chiat đoán mò là khu phố này có trên trăm cô gái Việt hành nghề.

Con số ấy không phải không có căn cứ. Tối đến, từng tốp lượn lờ đi lại trên dọc tuyến đường chờ khách. Sau khi ngã giá thì kiếm chỗ đáp. Châu kể: "Đó là những khách sạn giá rẻ mà mình phải bao luôn. Còn an ninh thì khó đảm bảo. Có lần em đã bị đánh tàn nhẫn do không cho một nhóm đàn ông người Philippines chơi hội đồng. Tủi nhục khó kể hết. Luật pháp Singapore rất nghiêm, nếu xảy ra bạo lực là họ can thiệp liền, nhưng trường hợp của mình thì chẳng biết kêu ai".

Hương nói thêm: "Dân làng chơi thì tứ xứ, họ có quyền chọn mình còn mình thì đâu dám chối từ. Chẳng may bị bệnh thì coi như tiêu đời... hên xui may rủi!".

Hương nhắc lại câu này như một sự buông xuôi cho số phận đẩy đưa. Dạo trước "chị em" bị một phen náo loạn khi một kẻ thủ ác đến từ Malaysia. Không biết ả giang hồ nào đã trút cho hắn căn bệnh chết người AIDS. Thế là hắn muốn "cả thế giới đều vui" bằng cách truyền bệnh qua gái điếm mà không dùng bao cao su.

Nếu vào nhà thổ hợp pháp thì hắn bị tống cổ ngay. Nhưng tại những nơi như Joo Chiat Road thì nhiều cô gái đã mắc bẫy, và thậm chí còn bị hắn cưỡng bức mà họ không biết kêu ai. May mà cảnh sát đã tóm được hắn.

Thực ra, những cô gái Việt qua lại cửa khẩu nhiều lần đều đã bị kiểm soát. Giới chức không lạ lẫm gì họ. Thế nhưng, các cô chỉ khác khách du lịch là phải lăn tay, đưa vào tàng thư của cảnh sát để theo dõi.

Và họ chỉ bị trục xuất khi quá hạn lưu trú và bắt quả tang hành nghề lậu. Một trong những "chiêu" qua mặt nhà đương cục của các "lão bạn" là khi hết hạn lưu trú, họ đưa các cô gái Việt qua cửa khẩu Malaysia để "tạm xuất" rồi "tái nhập" trong ngày.

Khi đó, đương nhiên các cô gái được quyền ở tiếp 15 ngày. Dù nhà chức trách có biết thì cũng chịu vì về nguyên tắc, các cô gái kia mới nhập cảnh vào bằng đường bộ từ ngõ Malaysia!

Singapore là một đất nước có mức sống cao và chi phí đắt đỏ. Những cô gái Việt phải thuê những căn nhà chật chội nương thân cũng có giá 1500 đô la Singapore/tháng. 5 người ở chung thì mỗi người hàng ngày đã mất đứt 300 đô la Singapore tiền ở.

Thúy nói: "Mỗi ngày bọn em phải tốn 50 đô cho tiền ở, đi lại, son phấn, còn ăn thì chỉ dám ăn một bữa. Đi lại thì không rành đường nên cứ phải đi taxi, nói địa chỉ để họ chở tới. Mỗi tháng chi phí đã 1500 đô (gần 17 triệu đồng). Có dư chút đỉnh thì cũng chỉ góp phần trừ nợ dần cho "lão bạn"".

Bao nhiêu chi phí trút lên đầu họ: bảo kê đi khách, tiền lo thủ tục, đối phó với cảnh sát, mua son phấn, quần áo... rồi khi vắng khách buồn thiu lại lao vào các cuộc sát phạt đỏ đen .

Họ là con nợ liên miên của các "lão bạn". Cuộc sống của Hà, Hương, Châu, Thúy là chuỗi ngày nợ nần chẳng biết lúc nào trả nổi. Họ không biết bao giờ dành dụm được chút tiền làm vốn để mong hồi hương đổi đời. Quê nhà chỉ cách vài giờ bay, nhưng giờ đây xa ngái vì họ trót đưa chân.

Càng khuya, con đường Joo Chiat Road càng tấp nập. Các cô gái Việt líu lo mời gọi khách... Gió từ vịnh East Cost thổi vào mát lạnh. Hương nói buồn: "Lại sắp hết thời hạn lưu trú rồi. Vài bữa không biết em sẽ ra sao... Hên xui, may rủi!"

Theo Khoahoc&doisong

MỚI - NÓNG