Những con đường đau khổ… ở Sài Gòn

Đường Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp) biến thành ao chứa nước dù trời không mưa. Ảnh Việt Văn.
Đường Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp) biến thành ao chứa nước dù trời không mưa. Ảnh Việt Văn.
TP - Nhiều tuyến đường bị hư hỏng nặng nhếch nhác bởi công trình thi công; chi chít ổ voi, ổ gà tạo thành ao đọng chứa nước lênh láng…

Đường sá thành ao hồ

Những ngày gần đây, dù trời không mưa nhưng tuyến đường Phạm Ngũ Lão (đoạn gần cầu vượt ngã sáu Gò Vấp, quận Gò Vấp) luôn lênh láng nước. Mặt đường bong tróc, đất cát nằm ngổn ngang,... cùng với những chiếc xe san lấp nằm án ngữ giữa đường.

Trên đường có đoạn biến thành ao chứa nước bất kể ngày nắng hay mưa. Anh Nguyễn Văn Hậu sống ở đường Phạm Ngũ Lão cho biết, tình trạng mặt đường ở đây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của các hộ dân. Đơn vị thi công cẩu thả để đất cát bầy hầy trên vỉa hè, xe thi công nằm án ngữ trước cửa nhà dân khiến việc ra vào, kinh doanh gặp khó.

“Để đưa xe ra vào, nhiều người dân phải lội qua cái ao lênh láng nước. Ngày mưa mặt đường trơn trượt, ngày nắng bụi bặm từ mặt đường đầy đá dăm bay lên”, anh Hậu bức xúc.

Trong khi đó, tại đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) đang thi công phần vỉa hè và cống cũng rất nhếch nhác. Hai bên vỉa hè đầy đất đá được đào bới nằm ngổn ngang mà không có rào chắn, biển cảnh báo an toàn cho người dân. Nhiều hàng quán kinh doanh ế ẩm phải đóng cửa tạm ngưng trong thời gian thi công vỉa hè, làm cống ngầm trên đường.

Bà Nguyễn Thị Tư – buôn bán trên đường Nguyễn Kiệm cho biết, kể từ khi đoạn đường này làm lại vỉa hè, cống thoát nước thì đầy bụi bặm, dơ bẩn khi người ta đào xới lên. Đất đá nằm ngổn ngang trên đường khiến ai đi qua cũng lo sợ bị té ngã. Bản thân bà buôn bán tại đây cũng gặp không ít khó khăn khi di chuyển trên vỉa hè lồi lõm đất đá, nhất là mỗi khi có mưa thì nơi đọng thành ao nước, nơi sình lầy, trơn trượt.

Tình cảnh tương tự cũng được chúng tôi ghi nhận những ngày qua như ở con đường Tạ Quang Bửu, Cao Lỗ (quận 8),…xuống cấp, chi chít ổ voi ổ gà như một tấm áo rách gây ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân. Vài người chạy xe bị sụp ổ gà, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Ngành chức năng nói gì?

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM cho biết, trước thực trạng các đơn vị thi công không đảm bảo an toàn cho người đi đường, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, trong đó có Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp với quận huyện rà soát, tăng cường thanh kiểm tra xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, dẫn đến mất an toàn giao thông cho người dân.

“Hiện nay thanh tra vẫn thực hiện rà soát hằng ngày để kịp thời phát hiện, xử lý những đơn vị thi công không đảm bảo an toàn giao thông,…”, ông Tường thông tin.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT TPHCM) cho biết, hiện đơn vị đang quản lý nhiều công trình thi công trên địa bàn thành phố. Đơn vị đang phối hợp với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập khảo sát, đánh giá lại từng khu vực có nguy cơ xảy ra ngập, đặc biệt là những khu vực có dự án thi công để có cơ sở phân luồng và điều tiết giao thông hợp lý, đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Ninh nói.

Ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM cho biết, cơ quan này đã quyết định đình chỉ thi công một phần công trình cầu vượt thép nút giao Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) trong hai tháng (từ 10/8 đến 10/10). Lý do đình chỉ bởi đơn vị đã thi công trên đường bộ đang khai thác có bố trí biển báo hiệu, rào chắn nhưng không đầy đủ theo quy định. “Lỗi thi công thiếu biển báo rào chắn có chế tài phụ là đình chỉ thi công nên chúng tôi quyết định xử phạt và đình chỉ luôn” – ông Hận nói. Theo ông Hận, đơn vị thi công hố ga nhưng không rào chắn đầy đủ khiến mất an toàn, xem thường tính mạng người dân. Những vi phạm này được người dân trên đường Nguyễn Kiệm bức xúc thông báo cho Thanh tra Sở GTVT TPHCM.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM khẳng định rằng, không có công trình nào là vùng cấm và cũng không có công trình nào được ưu tiên cả, nếu có sai phạm tất cả đều phải bị xử lý.

Tuy nhiên, hiện nay mức phạt vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe các đơn vị thi công nếu có sai phạm. Theo ông Hận đề nghị thì cần phải tăng mức phạt thật nặng đồng thời, kết hợp tạm đình chỉ thi công công trình nhằm tạo ý thức cho các đơn vị thi công thực hiện đúng quy định hơn, tránh bị xử phạt.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Thanh tra Sở GTVT TPHCM đã phát hiện và lập biên bản xử phạt gần 400 trường hợp vi phạm với số tiền gần 3 tỷ đồng. Hầu hết các đơn vị thi công vi phạm chủ yếu có công trình thi công không an toàn như để các vật liệu, phương tiện thi công bầy hầy, không lắp đặt các biển báo, rào chắn đúng quy định…

MỚI - NÓNG