Những con người của cuộc Ðổi mới vĩ đại

Từ phải sang, Tổng Bí thư Lê Duẩn; Chủ tịch Hội đồng nhà nước (Chủ tịch nước) Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng.
Từ phải sang, Tổng Bí thư Lê Duẩn; Chủ tịch Hội đồng nhà nước (Chủ tịch nước) Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng.
TP - Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh ba năm liên tục đi khảo sát thực tế ở mọi miền đất nước, đã có lúc rơi nước mắt trước đời sống khó khăn của người dân. Ðêm trước đổi mới, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã rất “phân vân về kinh tế hợp tác” và đã bỏ ngăn sông cấm chợ, ban hành chỉ thị 100… 

Ðêm trước đổi mới, Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ đạo thay đổi căn bản đường lối đại hội VI… Ðêm trước đổi mới, có những tâm tư, trăn trở, những quyết định  khó khăn chưa từng có tiền lệ của các chính khách giữ trọng trách lớn với vận mệnh đất nước…

Ðêm trước đổi mới

Giữa năm 1978, Trung Quốc thông báo không bán bông cho chúng ta nữa. Chỉ còn Liên Xô thì sản lượng vải sẽ giảm đi một nửa. Tôi đến báo cáo với Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Chúng ta sẽ chỉ lo được cho dân hai năm một bộ quần áo...”.

Anh Ba cật vấn tôi một hồi, mặt đỏ bừng và quăng cây bút bi xuống bàn - một việc mà tôi chưa từng thấy ở Anh bao giờ. “Cầm quyền mà không lo nổi cho dân một bộ quần áo thì cầm quyền là nghĩa thế nào? Anh muốn làm gì thì làm nhưng phải lo đủ cho người dân một bộ quần áo”. Nói rồi, Anh ra về thẳng.

Nguyên Phó thủ tướng Trần Phương chia sẻ. Dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn nhớ  như in về Tổng Bí thư Lê Duẩn và những năm tháng khốn khó của đêm trước đổi mới. Ông trầm tư một lúc, rồi kể tiếp:

“Sáu tháng sau, tôi lại báo cáo với Anh: “Chúng tôi đã kiểm tra lại mọi nguồn lực. Nhưng vẫn không thực hiện nổi chỉ thị của Anh”. Anh ngồi im, vẻ mặt rất căng thẳng. Ðó là thời kỳ mỗi người dân Việt Nam hưởng tiêu chuẩn hai năm một bộ quần áo... Tôi vẫn nhớ, có lần vào những năm 60, trong một cuộc họp ở Ðồ Sơn, Anh đã nổi nóng với Chính phủ: “Chúng ta cầm quyền mà không lo nổi rau muống và nước lã cho dân thì nên từ chức đi...”. Nhưng muốn có rau muống thì phải có gạo. Muốn có nước lã (nước máy) thì phải có ngoại tệ. Cả hai thứ đó, Chính phủ đều gặp khó khăn...”.

Giáo sư Dương Phú Hiệp – thành viên nhóm cố vấn Ðổi mới của Tổng Bí thư Trường Chinh  không thể nào quên ký ức thời sổ gạo: “Thời bao cấp, gia đình nào cũng thế thôi, chả dám nói thịt cá gì cả mà gạo không đủ ăn, gạo được Nhà nước phân 13 cân/người/tháng. 

Mọi người cứ bình luận bảo, chỉ Nhà nước phân cho cán bộ mỗi tháng 13 cân, con số 13 rất nguy hiểm, nên hoặc là nâng lên hoặc là tụt xuống. Rất nhiều thư của cán bộ, nhân dân, của các cơ quan chính quyền gửi tới Tổng Bí thư Trường Chinh phàn nàn cuộc sống khó khăn, và tha thiết “đồng chí cứu lấy chúng tôi”. Ðọc thư, Tổng Bí thư tâm tư lắm. Cái mà ông quan tâm và luôn đặt câu hỏi là vì sao mà đất nước lại rơi vào tình trạng như thế này?”.

Năm 1987, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng bây giờ) Phạm Hùng lúc đó đề nghị một số chuyên gia, trí thức vào miền Nam nghiên cứu, vì “tình hình phức tạp lắm rồi”. Lương thực không đủ ăn. Nhà nước cũng không đủ tiền để nhập lụa đen. Trong khi, phụ nữ Việt Nam hồi đó chỉ mặc quần đen bằng lụa. 

Ðến mức, phải triệu tập cuộc họp, mời Hội phụ nữ đến thông báo tình hình quá khó khăn, phải bắt thăm  để hai người được một quần lụa đen và khuyến khích mặc quần kaki, quần phăng. Có chị phụ nữ phản đối cho rằng quần lụa đen là “quốc hồn, quốc túy, là vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam”. 

Cuối cùng, giáo sư sử học Phan Huy Lê phải khẳng định: quần lụa đen không liên quan đến quốc hồn, quốc túy. Rồi sau, phụ nữ cũng phải mặc quần phăng.

Những con người của cuộc Ðổi mới vĩ đại ảnh 1

Tổng Bí thư Trường Chinh đang thăm hỏi các chiến sỹ nông nghiệp Ðại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua công nông binh toàn quốc lần 2.

Ðổi mới

Nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương nhớ từ những năm 1979, 1980 Tổng Bí thư Lê Duẩn đã có nhiều cuộc làm việc với các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế. Ông chịu khó lắng nghe những ý kiến phản biện. Vấn đề ông đặt ra thường xoay quanh hai câu hỏi: “Phải làm gì để tránh cuộc khủng hoảng sắp tới” và “Bắt đầu từ đâu?”.

Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, lúc đó đang bị phê phán vì cho nông dân làm “khoán chui”. Ông chia sẻ: “Về hoạt động kinh tế của hợp tác xã tôi có điều rất phân vân. Bởi vì, 5% ruộng đất giao cho gia đình thì người ta làm ra 45% thu nhập, còn 95% ruộng đất giao cho hợp tác xã thì chỉ làm ra khoảng 50% thu nhập, dù 50% này là lương thực rất cần cho xã hội.

Tôi phân vân đã lâu, nhưng thật sự chưa nghĩ ra được cách gì giải quyết. Nay anh đề ra “khoán hộ” thì có lẽ đó cũng là một cách. Nhưng vì quá mới, ngược với suy nghĩ và cách làm lâu nay, cho nên đa số anh em không đồng tình với anh. Anh yên tâm, một sáng kiến làm ăn mới chưa được mọi người chấp nhận ngay thì cũng là chuyện bình thường”.

Nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương kể:

“Năm 1981, với vai trò Bộ trưởng Bộ Nội thương, trong một cuộc họp, tôi đưa ra ý kiến đề nghị cải cách chuyển sang cơ chế quản lý thương mại theo cơ chế tự do. Rất nhiều ý kiến phản đối. Họ nói: Tiền đâu mà in đủ để trả lương, để mua lương thực, thực phẩm? Làm sao cân đối được ngân sách? 

Tôi nói: Phải tôn trọng quy luật cung cầu. Tổng Bí thư Lê Duẩn “chốt” đồng ý với tôi về tư tưởng. Nhưng Anh nói: Tôn trọng quy luật cung cầu nhưng căn cứ vào thực tế thì chưa thể bỏ hết kế hoạch hóa mà phải có lộ trình. Cụ thể là từ việc Nhà nước khống chế 42 mặt hàng thì giảm xuống còn 8. 

Tiếp theo đó, anh Ba chỉ đạo các cơ quan hữu quan ra lệnh bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, ban hành Chỉ thị khoán 100 của Ban Bí thư, chỉ thị 3 kế hoạch trong công nghiệp.

Ðó là tư duy và cách làm rất mới  và những bước “cởi trói” thổi một luồng sinh khí  mới vào nền kinh tế  hết sức bế tắc và khó khăn lúc bấy giờ. Năm 1985, Anh là người ghi vào nghị quyết của Bộ Chính trị: “Chấp nhận kinh tế nhiều thành phần”. Ðó là những con chữ quan trọng để tạo đà cho Ðại hội VI.

Anh Ba chỉ đạo các cơ quan hữu quan ra lệnh bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, ban hành Chỉ thị khoán 100 của Ban Bí thư, chỉ thị 3 kế hoạch trong công nghiệp. Ðó là tư duy và cách làm rất mới và những bước “cởi trói” thổi một luồng sinh khí mới vào nền kinh tế  hết sức bế tắc và khó khăn lúc bấy giờ. Năm 1985, Anh là người ghi vào nghị quyết của Bộ Chính trị: “Chấp nhận kinh tế nhiều thành phần”. Ðó là những con chữ quan trọng để tạo đà cho Ðại hội VI.

Giáo sư Dương Phú Hiệp kể: “Trước tình hình khó khăn của đất nước, ông Trường Chinh cho rằng lý luận có vấn đề. Ông bàn với ban thư ký của ông: cần tập hợp các nhà lý luận lại để trao đổi. 


Ông ấy giao cho hai thư ký riêng Hoàng Nghiệp, và Trần Nhâm giới thiệu những trí thức hiểu biết và có xu hướng tiến bộ. Một nhóm trí thức được hình thành, cùng Tổng Bí thư Trường Chinh tìm câu trả lời: Lý luận đang có vấn đề gì? Ðồng thời ông chủ trương đi khảo sát thực tế, chứ không lý luận suông. Ba năm liên tục 1983 -1984-1985, ông đi từ miền Trung, vào Tây Nguyên, vào miền Nam, ra miền Bắc”.   

Càng đi, ông càng nhận thấy đúng như những bức thư phản ánh, cuộc sống người dân khốn khó quá. Có lần, một bà cụ đã rưng rưng nói với Tổng Bí thư Trường Chinh: “Phải cứu lấy công nhân. Bây giờ xí nghiệp không có nguyên vật liệu nữa nên phải đóng cửa không sản xuất được hoặc là sản xuất cầm chừng. Cho công nhân nghỉ việc thì họ không nghỉ, họ cứ đến làm những việc như quét nhà, để kiếm miếng ăn, để… Cuộc sống nó khổ như thế đấy”. Ông nghe xong và bật khóc.

Thảo luận với nhóm trí thức và những chuyến đi thực tế đã giúp ông mở ra rất nhiều cái nhìn mới, đặc biệt là vấn đề kinh tế hàng hóa. Năm 1986, tại Ðại hội Ðảng bộ thành phố Hà Nội, ông nói một câu nổi tiếng: “Có thể bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa nhưng dứt khoát không thể bỏ qua sản xuất hàng hóa”. Các nhà nghiên cứu đánh giá, câu đó mang tính chất chiến lược. Và đó trở thành tiền đề cho  quá trình Ðổi mới mang tính chất bước ngoặt.

Ông Phan Diễn - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - nguyên trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, chia sẻ: “Sau khi ông Lê Duẩn mất, ông Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư thì ông ấy đã làm được một việc hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định với việc hình thành đường lối của đại hội VI - đường lối đổi mới toàn diện. 

Lúc bấy giờ tất cả tất cả các dự thảo, báo cáo chính trị vẫn theo đường lối cũ. Nhưng chỉ trong thời gian năm tháng, ông Trường Chinh đã thay đổi cơ bản báo cáo chính trị ở đại hội VI. Ðó chính là đường lối đổi mới. Trong đó quan trọng nhất là đổi mới về kinh tế, chấp nhận đa sở hữu, chấp nhận kinh tế nhiều thành phần.

“Thưa ông, với tư tưởng đổi mới như vậy, nhưng vì sao trước đó, ông Trường Chinh lại bác bỏ khoán hộ của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc?”. Ông Phan Diễn trả lời: “Về sau có người cũng hỏi ông Trường Chinh ý đó,  thì ông tâm sự: “Lúc bấy giờ cái nhận thấy nó là như thế, nhận thức thành tâm là như thế, cho rằng  mình đi như thế là nó chệch nhưng hóa ra không phải”.

Ông Phan Diễn nhấn mạnh: “Trong quá trình làm, Ðảng và nhà nước cũng có những lúc sai lầm, gây khó khăn lớn đời sống người dân. Thế nhưng, tôi thấy lúc bấy giờ cán bộ, người dân hoàn toàn thông cảm với những khó khăn của nhà nước, độ lượng với những sai lầm của Nhà nước. Họ vẫn chờ đợi vào những  đổi mới của Ðảng. Và họ đã không thất vọng”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.