Những con sếu xứ Sen Hồng

Cô sinh viên Huỳnh Ngọc Như với trang phục áo dài bằng khăn choàng.
Cô sinh viên Huỳnh Ngọc Như với trang phục áo dài bằng khăn choàng.
TP - Đang công tác ở Canada, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nghe tin nhiều bạn trẻ 9X sinh sống, lập nghiệp ở quê nhà Đồng Tháp đoạt giải cao trong cuộc thi dự án khởi nghiệp lần thứ 2 năm 2016, tổ chức tại TPHCM đầu tháng 10/2016. Ông vui mừng và viết thư bày tỏ niềm hạnh phúc cũng như gửi gắm niềm tin vào các bạn trẻ - những người được ông gọi bằng cụm từ đáng yêu: Những “con sếu” xứ Sen hồng.

Những “con sếu” khởi nghiệp

Học chưa hết cấp 2 nhưng chàng “hai lúa” Võ Văn Tiếng (25 tuổi), ở ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) có khát vọng mãnh liệt tạo ra hạt gạo sạch chinh phục người tiêu dùng. Anh kể, gia đình anh vốn rất nghèo nên phải nghỉ học sớm để phụ gia đình. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 2004 Tiếng trở về quê.

Không biết làm gì kiếm sống, anh vác ba lô “đi bụi” khắp nơi trong khi túi chưa đầy 20.000 đồng. “Đi đến đâu tôi làm thuê để lấy tiền ăn và lộ phí đến đấy”- Tiếng nói. Sau mấy tháng trời không tìm thấy hy vọng đổi đời, Tiếng trở về nhà và nghiệm ra một điều, người dân ở những nơi mình từng đến có cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn bởi họ thường tiếp cận và sử dụng sản phẩm sạch. Vậy, tại sao xứ mình nổi tiếng về cây trái lại mang tiếng có sản phẩm dùng hóa chất.

“Các bạn hãy luôn chứng tỏ rằng, mình không vô can trên con đường phát triển của tỉnh nhà, các bạn phải có trách nhiệm với chính mình và trách nhiệm làm lan toả ra đến những người bạn khác của các bạn”.

Bí thư Tỉnh ủy 

Lê Minh Hoan

Nung nấu mãi, đầu năm 2015, Tiếng đi đến một quyết định táo bạo: trồng lúa sạch với thương hiệu Tâm Việt. “Tôi muốn tạo ra hạt gạo sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng. Bởi khẩu phần ăn chính của người Việt Nam chủ yếu là tinh bột, vì thế gạo Tâm Việt có thể giúp cho bữa cơm gia đình thêm ngon miệng lại an toàn cho sức khỏe”-Tiếng chia sẻ.

Nói là làm. Ban đầu Tiếng thử nghiệm 0,2 ha, giống Nàng hoa 9, năng suất chỉ 4 tấn/ha, đạt khoảng 70% so với cách làm truyền thống. Với Tiếng, vụ đầu như thế là thành công. Vụ sau, Tiếng quyết định trồng hết 10 ha.  Sau khi thu hoạch, thay vì sử dụng hóa chất bảo quản gạo và chống mọt như cách truyền thống, Tiếng dùng phương pháp hút chân không đóng gói theo tiêu chuẩn HACCP với quy trình và công nghệ hiện đại. Nhờ vậy, sản phẩm gạo của anh có được chỗ đứng ở nhiều thị trường, đặc biệt các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đã Nẵng…

Tiếng cho biết, trung bình mỗi năm anh sản xuất trên 50 tấn gạo sạch nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu của người tiêu dùng. Khi Tiếng đem dự án “Mô hình trồng lúa sạch của nông trại Tâm Việt” tham dự cuộc thi khởi nghiệp lần thứ hai năm 2016, lập tức thu hút sự chú ý đặc biệt của ban giám khảo và Tiếng đã vượt qua nhiều đối thủ để giành ngôi vị quán quân.

Còn đây là câu chuyện của một “con sếu” khác. Sau 7 năm du học tại Pháp, năm 2015 thạc sỹ chuyên ngành công nghệ hóa Ngô Chí Công (27 tuổi) trở về quê Đồng Tháp thành lập Cty Khởi Minh Thành Công, chuyên sản xuất, kinh doanh bình, chậu sử dụng công nghệ sơn in nước và hoa sen sấy khô Ecolotus. Anh cho biết, quê hương anh nổi tiếng là sen, vì thế anh quyết tâm sau khi đi du học sẽ trở về lập nghiệp chính bằng sản phẩm từ sen. Một lần đến Đà Lạt, anh gặp được nghệ nhân chuyên làm hoa khô, anh nảy sinh ý tưởng và bắt tay vào làm hoa sen sấy khô. Anh kể, ban đầu lắm gian nan, thất bại nhưng sau thời gian kiên trì nghiên cứu rồi sản phẩm sen mới được như ý muốn.

Hiện hoa sen sấy khô của anh giống hoa tươi tới gần 90%. Cánh, nhụy hoa vẫn giữ được độ mềm, mịn và màu sắc như hoa thật, sản phẩm giữ được cả năm mà không cần phải cần thêm chất bảo quản. Hiện tại, sản phẩm của anh có mặt tại nhiều cửa hàng ở Đồng Tháp, TPHCM và cả ở Paris (Pháp).

Còn chuyện của cô sinh viên năm thứ 4 (khoa Văn hóa Du lịch, trường Đại học Đồng Tháp) Huỳnh Ngọc Như ở cù lao Long Khánh (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), nơi nổi tiếng với làng nghề dệt. 

“Tôi lớn lên trong thanh âm của những khung cửi và những tấm vải dệt của làng nghề. Tuy nhiên, làng nghề hiện nay đang dần mai một. Vì thế, tôi luôn đau đáu với việc phải có sự thay đổi và bứt phá nào đó đưa ngành dệt truyền thống quê nhà thay đổi và phát triển”- Ngọc Như tâm sự. Hơn ai hết, Ngọc Như hiểu về tính chất, đặc điểm của những chiếc khăn, và cô đã nghĩ ra ý tưởng lấy khăn để may áo, sau đó thì áo dài, áo dài cách điệu, váy và các sản phẩm khác lần lượt ra đời, thu hút sự quan tâm của rất nhiều khách thập phương.

Đặt niềm tin vào những đàn sếu

 Mở đầu bức thư gửi những “con sếu” của mình, Bí thư Lê Minh Hoan nói: “Không gì hạnh phúc hơn khi Đồng Tháp mới bắt đầu chương trình khởi nghiệp mà đã có những tín hiệu vui như vậy. Tín hiệu đó có thể chưa là gì lớn lao lắm đối với nhiều người nhưng đã làm cho những người trong cuộc tự tin hơn để nhìn về phía trước”.

Những con sếu xứ Sen Hồng ảnh 1

Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan (bìa phải) bắt tay anh Ngô Chí Công

Các bạn đã minh chứng rằng, những người trẻ xứ sở này không chỉ yêu quê hương bằng những khẩu hiệu hay bằng những ngôn từ sáo rỗng. Các bạn đã yêu quê hương bằng cách riêng của mình, bằng những việc làm thiết thực, tâm huyết, sáng tạo, bằng những sản phẩm mang lại lợi ích cho chính các bạn và cho người dân quê hương này.

Các bạn yêu người dân quê mình lắm nên đã nghĩ đến những sản phẩm sạch, từ hạt gạo cho đến con heo, trái thanh long; trong các làng nghề như chiếc khăn choàng, đóa hoa sen, cây trái quanh nhà mà bao người lãng quên, làm thành những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Mặt khác, các bạn không sa đà vào những thuật ngữ công nghệ cao, nông nghiệp xanh, hiện đại hóa..., mà tạo ra những giá trị bằng tất cả trái tim của những người trẻ.

Bí thư Hoan nhắn nhủ, đây mới chỉ là thành công bước đầu. Thành công là một hành trình chứ không phải là đích đến! Các bạn còn nhiều việc phải làm để tiếp tục hiện thực hóa ước mơ của mình. Các bạn không được tự bằng lòng, đừng một phút giây nào được “ngủ quên trên chiến thắng”. Và, hãy quên đi những lời tung hô có cánh. Các bạn cần nghiền ngẫm những câu hỏi phản biện từ ban giám khảo, những lời tư vấn từ các chuyên gia để dần hoàn thiện ý tưởng của mình. Chắc chắn các bạn trẻ cũng hiểu rõ rằng, khởi nghiệp hoàn toàn không phải là “một cuộc dạo chơi, một ý tưởng lãng mạn nhất thời”, rằng mức độ thành công trong khởi nghiệp là không nhiều. Nhưng có sao đâu, nếu thất bại ở một thời điểm nào đó, ở một công việc nào đó thì hãy nhớ đến triết lý của một doanh nhân nổi tiếng rằng: “Tôi có quá nhiều thất bại để thành công!”.

Phía trước các bạn trẻ là một chặng đường còn dài để xác lập cho một vị trí của mình ở tương lai. Nhưng trước hết, các bạn trẻ có dám tâm niệm rằng, mình là một phần của quê hương này, rằng tương lai xứ sở này thuộc về các bạn không? Nếu các bạn tự khẳng định như vậy thì các bạn đã chấp nhận dấn thân trên một chặng đường chông gai cho mình rồi đó! Vì thế, các bạn phải là một nhóm làm việc cùng nhau, hay nói một cách trịnh trọng hơn là các bạn hãy dần thiết lập một “liên minh của những người sẽ là một phần của tương lai” của mảnh đất còn nhiều gian khó này. Các bạn hãy luôn chứng tỏ rằng, mình không vô can trên con đường phát triển của tỉnh nhà, các bạn phải có trách nhiệm với chính mình và trách nhiệm làm lan tỏa ra đến những người bạn khác của các bạn.

Chắc chắn sẽ có người cho rằng các ý tưởng khởi nghiệp đó chưa phải là lớn lao, nhưng đó là những gì chúng ta cần trân trọng, chăm chút. Không có một rừng cây ngày mai nếu không có những hạt mầm nhỏ hôm nay. Các ý tưởng dự án bắt đầu từ đòi hỏi của cuộc sống, giải quyết những vấn đề đặt ra từ cuộc sống. Các ý tưởng đó có thể không nằm trong cách nghĩ của “người lớn”, trong các kế hoạch “lớn lao” đã được hoạch định. Nhưng một lần nữa cho thấy “Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Một lần nữa, nó minh chứng rằng các kế hoạch ban hành không bao giờ là hoàn hảo, mà đây đó sự sáng tạo của xã hội mới là bao la, đòi hỏi bộ máy phải nắm bắt và bổ sung vào kế hoạch của từng ngành, địa phương.

Bí thư Hoan nghĩ về tương lai: Rồi sẽ có một thế hệ lãnh đạo quản lý cho các nhiệm kỳ tương lai. Nhưng, để xã hội phát triển không chỉ có đội ngũ lãnh đạo quản lý, mà còn cần một đội ngũ những doanh nhân mạnh mẽ và đầy khát vọng trong tương lai ấy. Đội ngũ đó đang hình thành hôm nay, có thể là ở ngay những bạn trẻ thế hệ 8X, 9X này và chắc chắn còn nhiều bạn nữa đâu đó trên mảnh đất Sen hồng  này. Phát hiện, vun bồi là trách nhiệm của chúng ta chứ không phải là thờ ơ, là xem đó là chuyện nhỏ nhoi, chuyện của xã hội, của ai đó.

“Những đốm lửa nhỏ hôm nay sẽ được thổi bùng lên thành những ngọn lửa của ý chí, niềm tin và khát vọng của một tập thể lớn lao hơn. Những con sếu thành công hôm nay sẽ tập hợp, kích thích hàng đàn sếu khác cùng mạnh mẽ bay về phía trước, nơi ấy là chân trời”, Bí thư Hoan bộc bạch.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.