<U><FONT face=Tahoma>Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: </FONT></U>

Những con số buốt lòng

Những con số buốt lòng
TP - 90 người chết. Hàng ngàn gia đình cơ cực thiếu đói, dầm mình trong mưa lũ. Rất nhiều nhà cửa, công trình, tàu thuyền tan hoang…Hàng vạn hộ dân vẫn bị cô lập... - đó là những thiệt hại ban đầu ghi nhận sau bão lũ lịch sử ở miền Trung.

>> Bình Định: Tang thương nơi rốn lũ lịch sử

Những con số buốt lòng ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Mẫn (72 tuổi), phường Nhơn Bình, Quy Nhơn nghĩ đến việc sửa nhà sau lũ. Ảnh:P.V

Phú Yên: Ngày dữ

Ngày 3/11, con số người chết của huyện miền núi Đồng Xuân chỉ là hai. Sáng 4/11, con số đau lòng được báo về khiến lúc đầu người nhận tin ở Ban chỉ huy PCLB Phú Yên tưởng nghe nhầm: Đồng Xuân đã có 30 người chết. Chỉ riêng thôn Triêm Đức (Xuân Quang 2, Đồng Xuân) đã có 10 người thiệt mạng, có gia đình chết cả 4 người.

Chung lòng chia sẻ với miền Trung

Những con số, những hình ảnh nhói lòng về cơn bão số 11 liên tiếp được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chung lòng chia sẻ với những đau thương mà đồng bào miền Trung đang phải gồng mình gánh chịu, ngay trong hôm qua, Tiền Phong đã tổ chức đoàn cứu trợ khẩn cấp hướng về bà con vùng bão lũ những phần quà sẻ chia nghĩa tình, trị giá hơn 125 triệu đồng (số tiền trên do bạn đọc quyên góp).

Hôm nay, đoàn cứu trợ của Báo vẫn tiếp tục chuyển những phần quà đến với người dân vùng lũ.

Báo Tiền Phong kêu gọi bạn đọc, các DN và nhà hảo tâm giúp đỡ, chia sẻ với bà con vùng lũ miền Trung.

Mọi tổ chức, cá nhân hỗ trợ người dân vùng lũ, xin liên hệ tới Tòa soạn báo Tiền Phong - 15 Hồ Xuân Hương - Hà Nội, ĐT: 043.9434341, 0912.056.787; Văn phòng đại diện của Báo tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương trên toàn quốc. 

Thống kê ban đầu, toàn tỉnh Phú Yên đã có 65 người chết, 16 người mất tích, 20 người bị thương, trong đó có 62 người chết do lũ. Đây chưa phải là con số cuối cùng, bởi còn nhiều vùng bị chia cắt, chưa liên lạc được.  

Đến chiều tối qua, hầu như toàn tỉnh vẫn chìm trong biển nước. Hồ thủy điện Sông Ba Hạ đang tiếp tục xả lũ với lưu lượng trên 14.000m3/s, các xã dọc sông Ba thuộc huyện Tây Hòa, huyện Phú Hòa bị chìm sâu và chia cắt.

Nước sông Bàn Thạch đổ về làm ngập sâu phần lớn đồng ruộng và nhiều khu dân cư phía nam huyện Đông Hòa. Toàn bộ khu vực trung tâm thành phố Tuy Hòa bị ngập nước. Đêm thứ ba, toàn tỉnh không có điện.

Sáng 4/11, lũ sông Ba làm vỡ 20m tỉnh lộ qua thôn Tân Mỹ (Hòa Phú, Tây Hòa), gây ách tắc hoàn toàn tuyến đường lên huyện miền núi Sông Hinh.

Trên QL1A, sau khi một số điểm ách tắc tại thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An tạm thời được khắc phục, chiều qua lại có sự cố ở cống Phước Lộc, làm gián đoạn giao thông. Nước lũ xói lở một phần mặt đường phía tây, làm phần đường còn lại lún sâu 30 - 40cm.

Đến tối, xe nhẹ đã được phép đi qua đoạn cống này, lần lượt từng chiếc ở phía Đông đường. Gần 2.000 hành khách bị kẹt tại các ga ở Phú Yên, sáng qua tỉnh đã huy động 10 xe khách, trung chuyển ra ga Diêu Trì để lên tàu đi tiếp ra phía Bắc.

Chiều 4/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác của Bộ NN & PTNT đã thị sát tại huyện Đồng Xuân trên trực thăng, và làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 11.

Tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ 120.000 thùng mì tôm cứu đói ngay cho nhân dân và hỗ trợ 4.000 tấn gạo sau khi nước rút, 200 cơ số thuốc để phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường, 120.000 liều vacxin bệnh lở mồm long móng đa tuyp và 50.000 lít thuốc sát trùng để phòng chống dịch bệnh cho gia súc…

Đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ ngay cho tỉnh dầm bentley để khôi phục cầu Thị Thạc và cầu Tam Giang trên QL1A (cũ) bị lũ xói lở mố làm trôi dầm, bảo đảm giao thông trước mắt.  

Tiền Phong có mặt tại rốn lũ Sông Cầu

Ngay trong chiều qua, 4/11 báo Tiền Phong phối hợp với Tỉnh Đoàn Bình Định, Phú Yên bắt đầu đợt cứu trợ cho đồng bào vùng lũ Bình Định, Phú Yên. Những suất quà, mì tôm, chăn ấm cùng 500 ngàn đồng được trao cho những gia đình có người chết, nhà sập do lũ ...

Tại thị xã Sông Cầu, đoàn công tác của Báo đã đến phúng điếu chia buồn và hỗ trợ 2 triệu đồng cho gia đình anh Huỳnh Đình Thanh (thôn Long Hải Nam, phường Xuân Phú) có  hai con bị bão lũ cuốn trôi là cháu Huỳnh Đình Ái Vân (14 tuổi) và Huỳnh Như Hạnh Nguyên (9 tuổi). 

Hoàn cảnh tương tự, người mất, nhà sập, tài sản  cuốn trôi, ông Huỳnh Như Tương nói trong nước mắt: “Tôi cảm ơn báo Tiền Phong, cảm ơn Tỉnh Đoàn Phú Yên”…

Tại phường Xuân Phú, nhiều nhà bị mất 2-3 người thân, vành tang trắng chồng nhau lên mỗi khi hay tin tìm thấy xác người thân. Đến trao quà cho gia đình bà Mì (thôn Long Bình, phường Xuân Phú) vừa mất đi 3 đứa cháu ruột ai nấy không nén nổi nước mắt. “Mới hôm qua chúng còn ôm cứng lấy mẹ khi mưa trút xuống trên đầu, nước chảy tràn ngập trong nhà”, bà Mì nghẹn ngào. Gần sáng qua, 4/11, nhà bà bắt đầu đổ sập, vừa lúc nhào ra ngoài thì ba đứa cháu của bà bị nước cuốn trôi, đến giờ vẫn chưa tìm thấy xác.

Em Nguyễn Thị Hằng  (phường Xuân Yên) gạt nước mắt: “Nhà bị sập, mấy đêm bọn em phải ngủ ngoài trời, giữa đống đổ nát. Nhà người thân cũng bị sập hoặc tốc mái mất rồi”. Hỏi chuyện đi học, các em lắc đầu ngơ ngác, vì quần áo, sách vở cũng đều trôi hết xuống đầm Cù Mông. Trong đống đổ nát, hai cha con Hằng loay hoay nhúm lửa trên mấy viên gạch bắc giữa trời để nấu mì tôm ...

Đến chiều qua, vẫn còn hàng trăm người mắc kẹt, bị nước lũ bủa vây. Nước tràn vào nhà, dâng cao từ 2-3 m, nhiều gia đình bị ướt hết gạo, củi, lương thực dự phòng hư hỏng, chỉ nhai mì gói cầm hơi. “Chúng tôi chỉ có ba chiếc ca nô, phải vận hành hết công suất” - Thượng tá Bùi Thanh Trọng, Chỉ huy trưởng Cơ quan quân sự thị xã Sông Cầu, nói.

Những con số buốt lòng ảnh 2
Đến đường sắt cũng xơ xác sau lũ. Ảnh: PVMT

Bình Định : Lũ rũ tung từng ngôi làng

Cũng trong chiều qua, Tiền Phong phối hợp với Tỉnh Đoàn Bình Định bước đầu cứu trợ cho những hộ dân thiệt hại nặng tại TP Quy Nhơn, gồm 200 thùng mì gói và 500 ngàn đồng tiền mặt/suất.

Gia đình ông Phạm Văn Xuân (64 tuổi, khu vực 6 phường Nhơn Bình) nhà ngập lút mái, đồ đạc trôi hết, sau mấy ngày lánh nạn trở về không biết lấy gì ăn, mặc cho đỡ lạnh. Gia đình ông Trần Vĩnh Phúc khi nước lũ ập vào vợ chồng chỉ kịp ôm hai đứa con chạy lên đường sắt bây giờ trở về nhà trắng tay.

Anh Phan Văn Trọng (32 tuổi, phường Nhơn Bình), căn nhà cấp 3 mới xây giờ chỉ còn trơ lại móng, hai con bò, ba con lợn đã theo nước lũ. Bà Nguyễn Thị Mẫn (72 tuổi, tổ 18 khu vực 3 phường Nhơn Bình) nghẹn ngào khi một mình chống chọi với bão lũ, 6 tạ lúa cùng 30 con gà bị nước lũ cuốn trôi, ngồi bên căn nhà xập xệ vừa được sửa sang sau cơn bão số 9 nay trở nên đổ nát.

Ông Trần Duy Thứ, Chủ tịch UBND phường Nhơn Bình cho biết: “Toàn bộ chín khu vực dân cư của phường với hơn 19.000 dân bị cô lập trong mưa lũ. Chưa năm nào lũ lại trầm trọng như vậy”.

Tại huyện miền núi Vân Canh, “Lũ ập về ngập chìm toàn xã Canh Vinh và Canh Hiển, làm 5 người chết, đến giờ này còn 3 thôn bị cô lập hoàn toàn là thôn Thanh Minh, Chánh Hiển (Canh Hiển) và thôn Tăng Lợi (Canh Vinh)”, ông Lê Thanh Trang, Chủ tịch huyện Vân Canh bàng hoàng. Bà Nguyễn Ngọc Tá (65 tuổi, xóm 4 xã Canh Vinh) mới tìm thấy xác chồng cách nhà hai cây số, nhà sập, lúa gạo tài sản cùng đàn bò 5 con trôi sạch, giờ chỉ biết ngồi khóc lặng.

Thống kê sơ bộ đến hết ngày 4/11, Bình Định có 13 người chết, 3 người mất tích, 15 người bị thương, 311 nhà bị sập hoàn toàn, 3.549 nhà bị hư hỏng, 4.074 ha lúa bị ngập hại, hơn 900 tấn giống lúa bị hư… tổng thiệt hại ước tính hơn 887 tỷ đồng.

Trong hai ngày 3 - 4/11, Quân chủng Phòng không Không quân đã huy động 17 chuyến bay trực thăng vận chuyển 12 tấn hàng đến các vùng người dân bị mắc kẹt; 15 ca nô, 10 xe tải cùng hàng trăm chiến sĩ công an, bộ đội đã tham gia ứng cứu dân tại các vùng xung yếu.

Cũng trong ngày 4/11 Lực lượng cảnh sát cứu hỏa Quy Nhơn đã huy động hàng trăm lượt xe cứu hỏa vận chuyển nước sạch cung cấp cho những hộ dân vùng lũ.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:

Công tác dự báo còn yếu! 

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, Phó Thủ tướng chỉ ra sự yếu kém trong công tác dự báo lũ sau bão: “Kinh nghiệm từ cơn bão số 9 và cơn bão số 11 cho thấy công tác dự báo mưa sau bão còn yếu. Dự báo mưa nhưng chưa cụ thể đến mức nào, có vượt đỉnh lũ lịch sử không ?”.

Phó Thủ tướng chỉ đạo sớm rà soát lại các hệ thống hồ chứa nước yếu, hệ thống neo đậu tàu thuyền, các khu di dân tại các địa phương, yêu cầu tăng cường thêm lực lượng và phương tiện cho Hải quân và Không quân để kịp thời ứng phó với diễn biến xấu của thời tiết.

MỚI - NÓNG