Những cuộc tụ lửa

Bếp lửa củi mộc đêm cuối năm.
Bếp lửa củi mộc đêm cuối năm.
TP - Phải là Tết Âm mới chuẩn cụm từ giao thừa? Nhưng chẵn 12 năm, thời khắc chuyển từ đêm ba mốt tháng 12… họ đều quây tụ được với nhau.

Là đồng hương xứ Thanh ngành nghề khác nhau, quần cư Nam Bắc khác nhau.

Nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu đã quá thất thập, nhiều tuổi hơn cả được tôn là trưởng. Bác Trưởng Hiếu. Thứ nữa nhà văn Nguyễn Bảo (nguyên Tổng Biên tập (TBT) Tạp chí Văn nghệ Quân đội), nhà văn Phạm Hoa, nhà điêu khắc Hoàng Nhân (tác giả nhiều tượng đài trong đó có tượng Bình Định vương Lê Lợi đặt trước UBND tỉnh ở thành phố Thanh Hóa) và vài người nữa trong đó có kẻ viết bài này.

Phải là quyết tâm lắm lắm cùng sự thu xếp khéo léo thời gian lẫn tài chánh (nhất là ông Trưởng Hiếu tuổi đã cao lại ở Sài Gòn) suốt 12 cái tết dương mới đều đặn có các cuộc quần tụ ấy. Phải  tụ trước, năm dư dả thì vài ngày. Địa điểm tại nhà ông trưởng Nguyễn Văn Hiếu quê ở làng Yên Định (xã Tân Định, huyện Yên Định, Thanh Hóa) kề bên sông Mã.

Nguyễn Văn Hiếu đi bộ đội năm 1965 trong đội hình vận tải của đường 559. Thoát chết, sau hòa bình về làm giám đốc một công ty làm kinh tế của Bộ Quốc phòng. Tưởng yên hàn lặng lẽ về hưu nhưng các năm sắp hưu tự dưng đâm nổi với việc làm… thơ!

Không phải thơ con cóc. Hội Nhà văn cùng Bộ Quốc phòng quyết định dành tặng tới 3 giải thưởng cho đại tá nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu thì  không phải là chuyện bỡn?

Những cuộc tụ lửa ảnh 1 Bình dị nét làng.

Chiều nao cũng thảng thốt/Như một chiều cuối năm. Ông trưởng Hiếu hay nhắc đến câu của bạn thơ Trần Ninh Hồ. Thảng thốt. Nhưng chúng tôi không xoài ra và lịm trong ăn nhậu mà là đi. Nhất là những năm tụ trước được ít ngày. Quanh cái làng của ông Trưởng Hiếu chỉ vài cây thôi chả thiếu chỗ. Năm có năm không, thế mà chẳng chán? Đầu tiên phải kể đến Di tích Đồng Cổ, thờ Thần Trống Đồng linh khí của nước Nam ở làng Đan Nê thuộc xã Yên Thọ. Có khi nhiều người vẫn chưa tường, chưa biết cơn cớ tại sao các vua Lý thuở ấy lại phải rinh cái di tích Đồng Cổ ra tận thành Thăng Long để thờ phụng. Và tại sao phải đặt ra câu thề trước linh khí Trống Đồng từ vua cho chí các quan làm tôi bất trung làm con bất hiếu thần minh tru diệt! Và nữa, tại sao lại có câu thơ run rẩy của viên sứ nhà Nguyên Mông Kinh qua ảnh lý đan tâm khổ/ Đồng Cổ thanh trung bạch phát sinh  (Thấy lòe gươm sắt lòng thêm đắng/ Nghe rộn trống đồng tóc đốm hoa).

Rinh ra Thăng Long thờ để bảo tồn linh khí nước Nam. Nhưng có cái lạ là bàn dân thiên hạ hằng bao năm nay cứ ùn ùn kéo vào Thanh đến Đan Nê để hương khói cùng chiêm bái. Lũ chúng tôi đến đó cữ chiều cuối năm dương tưởng vắng hóa ra cũng phải chen. Hương khói xong nghiêm ngắn, đứng đó chứng kiến làn hương thẳng vút. Mỗi người một cách cảm…

Rồi rẽ ngang mấy cột số để được đặt chân vào động Hồ Công thờ tích tiên Phí Trường Phòng. Nhưng dành nhiều thời gian để chiêm ngắm bốn chữ tạc trên đá đẹp mê hồn do đích tay Chúa Trịnh Sâm đề Thanh Kỳ Khả Ái (Xứ Thanh kỳ lạ đáng yêu). Lại chẳng quên ngược thêm 2 cây số đáo qua thành Nhà Hồ và vào dâng hương Đền thờ đại tướng Trần Khát Chân ở núi Đún (tên chữ là Đốn Sơn).

Có lần lại xuôi thêm bảy cây số dọc hữu ngạn sông Mã vì có hẹn qua nhà Nghệ sĩ Nhân dân Tiến Thọ ở Vĩnh Hùng. Tiến Thọ cũng hay đáo quê dịp cuối năm dương. Gặp để khó dứt ra những huyền thoại về chùa Báo Ân, về Phủ Trịnh nơi phát tích và thờ 12 vị Chúa Trịnh. Biện Thượng là tên cũ của Vĩnh Hùng cũng như làng Lon (làng Việt Yên) của người viết bài này thuộc Biện Thượng. Làng Sóc (Sóc Sơn) của Biện Thượng là nơi sinh ra chúa Trịnh Kiểm, chúa tiên khởi của 12 vị chúa khi mất được vua Lê phong tên thụy Minh Khang Thái Vương.

Có năm ngặt ngày, chúng tôi có cuộc thả bộ xuôi đê sông Mã xuống làng Tràng Lang. Tràng Lang hay Chàng Lang (?) tên nôm của xã Định Tiến nơi sinh Á vương Đào Cam Mộc. Lịch sử nước Nam đã minh định rằng Đào Cam Mộc đóng vai trò cực kỳ quan trọng, có thể nói là quyết định trong việc đưa Lý Thái Tổ lên ngôi. Cố vấn (khi mất ông được vua Lý phong Á vương) Đào Cam Mộc đã biết thời, lựa thời để đưa ông quan Lý Công Uẩn thành vị vua nhà Lý khai sinh kinh đô Đại Việt với cái tên Thăng Long.

Những cuộc tụ lửa ảnh 2

Thành nhà Hồ.

Xong các việc thăm thú lại lộn trở lên làng Yên Định của ông Trưởng Hiếu. Tên làng nhưng cả huyện  lại mang tên, huyện Yên Định. Làng Yên Định thuộc xã Định Tân. Cái xã này cũng lạ, hình như phát về đường quan? Giữa làng có ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị. Cái năm ấy Định Tân còn có ông Nguyễn Văn Lợi là trung ương ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Cuối làng là nhà ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế. Ông Huấn từng nhiều năm nằm với cánh chúng tôi (em ruột ông Huấn là phóng viên báo Tiền Phong) ở khu tập thể của báo, 128 Hàng Trống.

Làng Yên Định mồn một trong mắt tôi trận bom hèn hạ của bốn chiếc phản lực Mỹ thay nhau bổ xuống một đám tang ven sông Mã chiều một ngày tháng 12/1966. Hàng chục người chết và bị thương (sau này mới biết em gái ông Phạm Quang Nghị mất và hai người nhà ông bị thương trong trận oanh tạc ấy). Cũng cần nói thêm, chứng kiến cùng tôi trên quả đồi ngó xuống xã Định Tân ngay sát sông Mã có những chàng trai lực lưỡng của một đơn vị thuộc sư 308 mà tôi quên mất phiên hiệu vì đã quá lâu. Đơn vị ấy trú quân ở làng tôi hơn 8 tháng để luyện tập trước khi ra trận. Những chàng trai Hà Nội trong đó có anh chiến sĩ Chu Lai (khi đó chưa viết lách gì thì phải?) mắt ai cũng ngầu đỏ bởi mục sở thị chứng kiến cảnh thảm sát đồng bào mình nhưng bất lực. Bởi lệnh không được nổ súng sợ làm lộ toàn bộ vị trí đội hình sư đoàn đang trú. Cái năm nhà văn Nguyễn Trí Huân, Tổng Biên tập Tạp chí VNQĐ, thủ trưởng trực tiếp của nhà văn Chu Lai vào quây tụ với chúng tôi một cái tết dương, khi nghe lại chuyện ấy, đại tá Huân về kể cho Chu Lai. Đại tá Chu Lai hẹn cái tết dương sau sẽ theo về nhưng chưa thấy?

Bếp lửa nhà ông Trưởng Hiếu lúc lom rom lúc rừng rực xuyên qua thời khắc giao thừa lân sang quỹ thời gian của một năm mới. Những khoảnh khắc sống chậm ấy như tiếp thêm năng lượng cùng sinh khí cho những kẻ đã từ lâu bên kia cái dốc cuối cuộc đời.

Ngôi nhà thèo đảnh cuối làng ông Trưởng Hiếu xin đất rồi xây cất theo lối mới biệt thự tiện nhiều bề  công năng sinh hoạt cho mỗi bận từ Sài Gòn về quê nghỉ. Lại sân sướng vườn tược chỉn chu.

Cuộc quây tụ nhen thêm cấp độ mới khi một đống lửa củi gộc lom rom rồi bùng lên từ chặp tối ngày ba mốt. 

Bao bận gặp, chưa kể những lần đụng ở Hà thành, chuyện xuyên từ năm này sang năm khác dễ hết còn chi để nói? Ấy  thế mà ngồi vẫn phát lộ ra lắm cái lạ.

Chuyện nhà văn Nguyễn Bảo hồi ở đơn vị tuyên huấn khu V suýt bị đánh bay cả… cụm bởi một phát đạn K54. Số là  nhà văn Vũ Thị Hồng (sau này là vợ nhà văn Chu Lai) người cùng đơn vị đang hí húi lau súng. Không biết loay hoay thế nào mà súng bị cướp cò. Nguyễn Bảo đang ngồi đọc sách thót nhảy dựng người lên. Phát đạn xuyên sát chỗ hiểm nhưng kỳ diệu thay, không biết tư thế ngồi của Nguyễn Bảo khi đó ra sao mà không bị hề hấn gì bởi đường đạn cướp cò ấy?

Rồi anh lính lái xe Trường Sơn Phạm Hoa từng tồng ngồng chạy “việt dã” non cây số dọc suối ở Đường 20 Quyết Thắng khi đang tắm. Số là một anh bạn tinh nghịch lợi dụng lúc bạn lính đương mê mải tắm, nhảy lên chiếc Giải Phóng mượn tạm bộ chia điện. Phạm Hoa phát hiện cố giành lại bằng được theo kiểu việt dã bất thần ấy.

Những câu chuyện không đầu cuối lan quanh cái bếp rừng rực. Nhớ cái năm do bận việc mãi xứ sa mạc Trung Phi lựa lúc trưa trật, từ xứ chang chang nắng ấy tôi đã phôn về cái bếp rừng rực này.

Sương giá đêm cuối năm như xích lại, như gụi gần bao khoảng cách nếu có. Có khi lặng phắc chỉ còn âm thanh tí tách phần phật của giống lửa già. Chúng tôi im lìm bên bếp như những tín đồ của lửa.  Hình như chả riêng chi người Việt, mà mọi chủng tộc khác, từ sâu thẳm bản năng gặp lửa là cất lên lời dẫu nói ra hoặc im lặng, vô ngôn thì đều có thông điệp. Thời lượng của một năm, người thì thấy dằng dặc. Kẻ  thì chợt cảm ngắn tủn, những thiệt thua được mất hanh thông cùng lầm lụi như chả có nghĩa lý gì khi hơ tay bên lửa. Như những tín đồ của lửa của môn phái sống chậm, tất thảy chợt như cảm được cái hữu hạn nhỏ nhoi trong mớ hỗn độn vô cùng mênh mông của Trời Đất. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.