Những cựu binh ở Điện Biên, hồi ức về Đại tướng trong nước mắt

Những cựu binh ở Điện Biên, hồi ức về Đại tướng trong nước mắt
TP - Không chỉ dâng hoa, thắp hương, những Cựu chiến binh tại TP Điện Biên còn thức trắng đêm để viết hồi ký về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhòa trong những giọt nước mắt thương tiếc.

> Người thương binh già nghẹn ngào viếng Tướng Giáp
> Có những trận thắng vang dội, nhưng ông vẫn khóc

Chưa bao giờ từ “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” lại được người dân Điện Biên nhắc đến nhiều như mấy ngày nay. Từ người già đến người trẻ, doanh nhân, nông dân hay một anh xe ôm… đều nhắc tới vị Đại tướng của họ trong nghẹn ngào xúc động.

Chúng tôi đã có mặt tại Điện Biên, qua cựu binh Nguyễn Ngọc Khanh (tổ 6, phường Tân Thanh, TP Điện Biên), chúng tôi tìm đến lão thành cách mạng Lương Trọng Hà, năm nay đã 90 tuổi với 65 tuổi đảng.

Cụ Hà bên hầm Đờ Cát
Cụ Hà bên hầm Đờ Cát.

Cụ Hà là người được tham gia lớp tập huấn quân sự trực tiếp do Đại tướng Võ Nguyên Giáp huấn luyện. Nhưng sau, Đại tướng đã khuyên cụ về hậu phương tham gia đội ngũ vận động những người Việt tham gia cho quân đội Pháp trở lại phục vụ cho quân đội ta. Theo lời khuyên ấy, cụ Hà đã vận động được 7 chiến binh Pháp theo con đường chính nghĩa.

Khi vào thăm, cụ Hà đang ở mảnh vườn nhỏ sau nhà. Thấy khách cụ dừng việc, pha nước tiếp đón. Mặc dù tuổi đã cao, tai đã nghễnh ngãng, sức khỏe yếu, nhưng khi nghe tôi thông báo hung tin, Đại tướng đã từ trần, cụ lặng người. Thể theo nguyện vọng của tôi, cụ Hà lập tức lên đường đưa tôi đến giới thiệu những chiến tích và những ký ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi đến A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng Ðờ Cát.

Cụ Hà chỉ vào hầm Đờ Cát nói: “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là đây. Mọi sức mạnh đều bị Đại tướng hóa giải”.

Chúng tôi tiếp tìm về nhà cựu binh Điện Biên Nguyễn Hữu Chấp, nguyên là Khẩu đội trưởng cối 82mm. Ông tham gia bộ đội từ năm 1949, tham gia tất các trận đánh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông bị thương ở tay trái với 8 mảnh đạn pháo găm vào người.

Ông ngồi trầm ngâm trong một căn nhà nhỏ trên đường Him Lam (TP Điện Biên). Ông cho biết, khi nghe tin bác Giáp mất, ông mất ngủ cho đến giờ. Những hình ảnh của Đại tướng cứ hiện về. Những lời căn dặn, những mệnh lệnh cứ thoang thoảng bên tai.

Ông Chấp chia sẻ: Tôi là người tham gia từ trận mở màn đến kết thúc chiến dịch, với tôi Tướng Giáp luôn nghiêm khắc, quyết đoán nhưng mãi gần gũi, bình dị, nhân ái. Vì vậy hình ảnh Đại tướng luôn gắn bó với đời sống của tôi đó là gần gũi giản dị. Khi vào nhận thì nhận lệnh cấp trên cấp dưới đó là quy định trong quân đội, nhưng khi ra đời thì Đại tướng lại chan hòa không có cấp trên cấp dưới, đó là điều để đời cho tôi học tập.

Sau khi đi thăm các chiến tích trên đồi A1, D1, E, cánh đồng Mường Thanh, đường Him Lam…, chúng tôi được người dân chỉ dẫn đến nhà cựu chiến binh Thượng úy Phạm Đức Cư (84 tuổi) tại bản Ten C4 xã Thanh Lương TP Điện Biên. Bác Cư theo cách mạng từ năm 1947, đến năm 1949, vào quân chủ lực.

Bác Phạm Đức Cư kể lại những kỷ niệm với Đại tướng
Bác Phạm Đức Cư kể lại những kỷ niệm với Đại tướng.

Bác Cư được chọn đi học nước ngoài về các khí tài hiện đại. Trước khi đi, bác Cư được Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn rằng: Nhiệm vụ của đảng, của quân đội giao cho đồng chí một sứ mệnh lịch sử quan trọng. Đồng chí đi làm nhiệm vụ mới này cố gắng học tập cho tốt, sau trở về đất nước chiến đấu.

Sau năm 1953, bác Cư nhận được lệnh kéo pháo về và hành quân lên Tây Bắc. Khi kháng chiến vào giai đoạn cam go, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nói, làm sao mỗi đại đội pháo phải bắn rơi ít nhất 1 máy bay. Khi kết thúc chiến dịch tiểu đoàn pháo đã hạ được 52 máy bay của địch, vượt chỉ tiêu mà Đại tướng đã giao trước đó.

Vừa bước vào cửa, tôi đã thấy mắt bác đỏ hoe, nhòa lệ. Những dòng nước mắt tuôn dài trên gò má người lính già Phạm Đức Cư. Trên tay là tập giấy mà bác Cư nói mình đã thức trắng 2 đêm để hồi ức về những kỷ niệm vui buồn khi còn bên Đại tướng đáng kính trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Thấy tôi cũng rưng rưng, bác Cư liền lấy lại bản lĩnh cựu binh năm xưa, trấn tĩnh vừa cho tôi vừa cho mình bằng câu “sinh hữu hạn, tử vô kỳ”. Bác Cư nói: Người dân không chỉ phục sự tài giỏi mà phục vì Đại tướng giản dị gần gũi, vững vàng kiên trung. Đại tướng luôn luôn sâu sát động viên binh sỹ với những lời nói ấm áp chân thành và thương yêu.

Lối sống giản dị, phong cách chỉ huy gần gũi của Đại tướng đã để lại trong tôi hình ảnh của người chỉ huy cao nhất, tin tưởng nhất. Cả cuộc đời Đại tướng đã cống hiến cho đất nước cho dân tộc Việt Nam, nói sao cho hết tình cảm. Nói tới đây, nước mắt bác tuôn trào trên trang bản thảo…

Tiếp đó tôi đến nhà cựu binh Nguyễn Thị Hương Liên (SN 1950, phường Tân Thanh, TP Điện Biên), mặc dù trong chiến dịch Điện Biên Phủ còn nhỏ, nhưng hình ảnh Đại tướng trở thành thần tượng của cô từ thuở nhỏ. Gặp cô tại phường Tân Thanh, khi cô đang nức nở nước mắt ngắn nước mắt dài mở những xấp tài liệu, những bức ảnh, chuẩn bị viết về chân dung vị Đại tướng đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời cô. Rồi cô đưa cho tôi tấm ảnh chụp chung với Đại tướng vào năm 2004.

Cô kể: Đại tướng là thần tượng của đời tôi. Tôi mơ một ngày được gặp người. Thế nên tôi tình nguyện vào lực lượng TNXP. Rồi ước mơ đó thành hiện thực. Năm 2004, tôi đã được bắt tay và chụp ảnh chung với vị Đại tướng đáng kính của mình.

Và tý nữa thôi, cô bay về Hà Nội để đến dâng hương viếng vị danh tướng thần tượng suốt cuộc đời mình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG