Những điểm nóng cần sự vào cuộc của tân Bộ trưởng Giao thông

Tân Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể
Tân Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể
TPO - Xử lý các bất cập về BOT đồng thời với đẩy mạnh hạ tầng trong điều kiện ngân sách khó khăn trước hết là cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành; tình hình tai nạn giao thông, đặc biệt là ùn tắc tại Hà Nội – TP HCM, bến cóc, xe dù, xe trá hình, Uber, Grab… là những thách thức với tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể.

Trong hơn 1 năm qua, với cương vị Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Trương Quang Nghĩa hầu hết tập trung vào việc quyết toán, và be quét các vấn đề phát sinh từ các trạm BOT. Tuy nhiên, việc người dân phản ứng về vị trí đặt trạm và mức phí các dự án BOT chưa có dấu hiệu lắng xuống, vẫn sẽ là thách thức lớn nhất đối với ông Nguyễn Văn Thể.

Phương án của ông Thể đặt ra là sẽ giải quyết vấn đề này hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, vốn là “người trong nhà” (hơn 2 năm làm thứ trưởng Bộ GTVT trong thời kỳ BOT sôi động nhất) nên ông Thể hiểu tình thế và đưa ra phương án: "Bộ GTVT sẽ có trách nhiệm tham mưu Chính phủ, Quốc hội ở từng vấn đề cụ thể. Chính phủ, Quốc hội đồng ý theo hướng nào, Bộ GTVT sẽ xử lý theo hướng đó”.

Về dài hạn, ông Thể vẫn nhận định, để phát triển hạ tầng trong điều kiện ngân sách khó khăn vẫn phải xem BOT là một kênh quan trọng. Với các dự án mới, ông Thể cho biết sẽ chỉ kêu gọi đầu tư BOT với các tuyến mới để có sự lựa chọn cho người dân. Trường hợp cấp bách, Nhà nước không thu xếp được nguồn vốn, phải kêu gọi đầu tư BOT các dự án hiện hữu, độc đạo thì phải tham vấn đầy đủ ý kiến của địa phương qua các cơ quan đại diện là HĐND, Đoàn ĐBQH, các hiệp hội vận tải, các cơ quan chức năng, có thể xem xét xin ý kiến cả Quốc hội.

Những điểm nóng cần sự vào cuộc của tân Bộ trưởng Giao thông ảnh 1 Ông Nguyễn Văn Thể kiểm tra dự án cầu Cổ Chiên vào tháng 2/2015 lúc còn là thứ trưởng GTVT

Ông Thể cho biết sẽ tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật hoặc Pháp lệnh về BOT. Trả lời bên hành lang QH chiều qua, ông Thể nói khi làm có đúng có sai nhưng cam kết “không tư túi”, “không vì lợi ích nhóm”. Ngoài, BOT đường bộ, ông Thể sẽ tập trung vào BOT đường thuỷ, đường sắt.

Hai dự án BOT đầu tiên nhưng sẽ là lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông Thể chính là cao tốc Bắc – Nam và dự án sân bay Long Thành (một phần không nhỏ phải kêu gọi xã hội hoá). Theo chương trình làm việc, trong những ngày tới, ông Thể sẽ phải trực tiếp đăng đàn bảo vệ dự án cao tốc Bắc – Nam và phương án giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành tại hội trường Quốc hội.

Tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại Hà Nội và TP HCM cũng là thách thức với người đứng đầu ngành như ông Thể. Trả lời báo chí sau khi nhậm chức, ông Thể khẳng định, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, trước mắt.

Ngoài ra, dù chưa được ông Thể trực tiếp đề cập nhưng việc quản lý xe dù bến cóc, xe trá hình, Uber, Grab… cũng là vấn đề tác động sâu rộng đến xã hội mà Bộ GTVT đang “nợ” người dân, Chính phủ và doanh nghiệp cần bàn tay cáng đáng của tân Bộ trưởng GTVT.

Ông Nguyễn Văn Thể sinh năm 1966, quê ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ông hiện là ĐBQH khoá XIV nhiệm kỳ 2016-2021, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng.

Năm 1983, ông trúng tuyển vào Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, sau đó được cử sang học đại học tại Trường ĐH Giao thông đường bộ Moskva, Liên bang Xô Viết.

Năm 1989, ông tốt nghiệp đại học và được trao bằng Kỹ sư Xây dựng, rồi được phân công công tác tại Công ty Dịch vụ thiết bị vật tư Giao thông – Thủy lợi huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Ba năm sau, ông được điều chuyển về Phòng Giao thông Công chánh huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Và được kết nạp vào Đảng một năm sau đó.

Năm 2001, ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ và được trao bằng Tiến sĩ ngành giao thông đường bộ; được phân công về công tác tại Công ty Tư vấn Xây dựng giao thông tỉnh Đồng Tháp với chức vụ Phó Giám đốc. 4 năm sau, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Phó Giám đốc Sở GTVT Đồng Tháp.

Năm 2009, ông được điều động, luân chuyển làm Phó Bí thư Huyện ủy Tân Hồng. Sau đó, tại Đại hội Đảng huyện Tân Hồng, nhiệm kỳ 2010-2015, ông được bầu làm Bí thư Huyện ủy, tại Đại hội Đảng tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2010-2015, ông được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Năm 2011, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (từ 12- 20/01/2011), nhiệm kỳ 2011-2016, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, ông được bầu làm Đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Tân Hồng nhiệm kỳ 2011-2016.

Năm 2012, ông được Hội đồng Nhân dân tỉnh bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

Ông được Thủ tướng bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ GTVT từ tháng 6/2013 và giữ chức vụ đó đến tháng 10/2015. Sau đó, ông Thể được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Năm 2016, tại Đại hội Đảng lần thứ XII nhiệm kỳ 2016-2021, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng.

Tại cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp 2016, ông trúng cử làm ĐBQH khóa XIV và Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2016-2021.

Ngày 26/10/2017, ông Nguyễn Văn Thể được Quốc hội phê chuẩn vị trí Bộ trưởng GTVT nhiệm kỳ 2016-2021 với tỷ lệ 461/466 phiếu tán thành (chiếm 93,98% tổng số ĐBQH).

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.