Những điều bạn nên biết về virus Zika gây teo não bẩm sinh

Bé Ludmilla Hadassa Dias de Vasconcelos bị tật đầu nhỏ, đang điều trị tại Bệnh viện Oswald Cruz (Recife, Brazil). Ảnh: Huffingtonpost
Bé Ludmilla Hadassa Dias de Vasconcelos bị tật đầu nhỏ, đang điều trị tại Bệnh viện Oswald Cruz (Recife, Brazil). Ảnh: Huffingtonpost
TPO - Virus Zika đang trở thành nỗi khiếp sợ của thế giới khi được cho là gây teo não bẩm sinh ở trẻ em.

Virus Zika là gì?

Zika là loại virus do muỗi Aedes Aegypti lây truyền, biểu hiện bằng các triệu chứng sốt nhẹ, phát ban, đau khớp và đỏ mắt. Cứ 5 người nhiễm virus sẽ có một người bị phát triển thành bệnh.

Julius Lutwama, nhà virus học tại Viện nghiên cứu Virus Uganda cho biết Zika được phát hiện ở loài khỉ tại Uganda vào năm 1947. Tuy nhiên, người Uganda không cho đó là loại virus nguy hiểm mà chỉ tập trung vào chống sốt rét.

Zika có gây tử vong?

Virus Zika không gây tử vong, nhưng gây ảnh hưởng xấu đến phụ nữ mang thai và đứa bé. Phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika thì nhiều khả năng, đứa bé sinh ra bị tật đầu nhỏ, tình trạng mà đầu trẻ em bị dị dạng và não bộ phát triển không đầy đủ.

Tháng 4/2015, Zika được cho là nguyên nhân gây ra bệnh teo não ở 4000 trẻ sơ sinh tại Brazil. Dịch bệnh tiếp tục lan rộng sang Trung, Nam Mỹ và vùng Caribbean. Hiện tại, các trường hợp nhiễm virus khác đã được phát hiện tại nhiều nước khác trên thế giới thông qua những người du lịch tại các vùng có dịch.

>>Những hình ảnh chấn động về dịch bệnh ‘đầu nhỏ’ Zika

Những trường hợp nhiễm virus Zika mới nhất đã được xác nhận tại Mỹ, Đan Mạch, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Đức và Anh.

Riêng ở Venezuela, tuy có bằng chứng về sự hiện diện của loại virus này, nhưng chính phủ chưa công bố số liệu chính thức.

Cách chữa trị

Hiện tại chưa có thuốc trị bệnh, người bị nhiễm virus Zika sẽ tự hết sau khoảng một tuần nghỉ ngơi và truyền dịch. Hiện tại, Tổng thống Mỹ Obama đang hối thúc Bộ Y tế đề xuất các phương pháp điều trị thích hợp và vắc-xin phòng dịch.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến cáo mọi người, đặc biệt là phụ nữ có thai không nên đi du lịch ở các nước đang có dịch bệnh. 

Còn phụ nữ mang thai ở vùng dịch nên sử dụng các biện pháp chống muỗi đốt như bình xịt côn trùng, mặc đồ dài kín người, ở trong phòng có điều hòa nhiệt độ…

Tại nhiều quốc gia ở châu Mỹ Latinh và Caribbean (gồm Colombia, Ecuador, El Salvador và Jamaica), các quan chức y tế đã khuyến cáo nếu có thể, phụ nữ nên trì hoãn việc mang thai vào thời điểm này.

Việt Nam có muỗi truyền bệnh “đầu nhỏ”

Ngày 27/1, ông Trương Đình Bắc – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, loài muỗi truyền virus Zika cũng chính là muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết ở Việt Nam. Virus Zika truyền qua đường muỗi đốt và đã có nghi vấn có thể lây truyền qua đường tình dục. Virus Zika có thời gian ủ bệnh tới 10 ngày kể từ ngày bị muỗi có virus Zika đốt.

Để chủ động phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.

 Không tự ý điều trị tại nhà; đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; chủ động diệt bọ gậy; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày…

Theo Theo Huffingtonpost, Time
MỚI - NÓNG