Những điều ít biết về người thiết kế nhà sàn Bác Hồ

Những điều ít biết về người thiết kế nhà sàn Bác Hồ
Năm 1957, Bác Hồ trực tiếp giao: “ Chú Ninh hãy thiết kế một ngôi nhà cho Bác, nhưng đó không phải là một ngôi biệt thự !”.

Nguyễn Văn Ninh, sinh ngày 3/2/1908 tại phố Đông Kinh (thị xã Lạng Sơn) - Nơi rộn rã, đầy ắp tiếng lượn, tiếng Sli trong những ngày chợ phiên xứ Lạng. Bóng áo chàm của chàng trai, cô gái Tày - Nùng thấp thoáng sau những dãy nhà trình tường với mái ngói âm dương cong vút đã in đậm trong tấm trí của Ninh.

Năm 12 tuổi, học xong tiểu học, cậu bé Ninh phải từ biệt người thân xuống miền xuôi học tiếp bậc trung học. Những lần học ở trường Bưởi (Hà Nội) Nguyễn Văn Ninh đã tham gia bãi khóa phản đối sự hà khắc của giặc Pháp. Nguyễn Văn Ninh là người ham học hỏi, chịu khó nên đỗ đầu khóa của khoa Kiến trúc đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1926 - 1931).

Năm 1932, ông phiêu bạt vào Huế và trở thành kiến trúc sư cung đình. 10 năm ở Huế, kiến trúc sư đã thiết kế, tu bổ và xây dựng nội ngoại thất các công trình trong thành nội, các lăng tẩm, công thự, biệt thự. Trong đó có một công trình “để đời” đó là nhà nghỉ của Bảo Đại ở Đà Lạt (thiết kế năm 1939, thi công xong năm 1943)...

Là một trí thức yêu nước, có thiện cảm với cách mạng, mùa thu năm 1945 ông tham gia cướp chính quyền ở Đà Lạt và được bầu làm Ủy viên UBND Cách mạng tỉnh Lâm Viên (nay là tỉnh Lâm Đồng).

Cuộc kháng chiến nổ ra, Nguyễn Văn Ninh trở về quê hương xứ Lạng. Ông tham gia vào hoạt động chính quyền cách mạng và tranh thủ thiết kế, thi công nhà Hội trường tỉnh bằng tranh, tre, gỗ đủ cho hàng trăm người họp...

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng và chuyên ngành kiến trúc, Nguyễn Văn Ninh đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhiều công trình do ông thiết kế đã trở thành di sản quý, lưu truyền cho thế hệ sau.

Khi kháng chiến thành công, trở về Hà Nội, ngay sau khi vừa tiếp quản xong Nha Kiến trúc, KTS Nguyễn Văn Ninh được giao nhiệm vụ thiết kế lễ đài Ba Đình để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Chính phủ về Thủ đô - ngày 1/1/1955 và đài Liệt sĩ Ba Đình..

Những điều ít biết về người thiết kế nhà sàn Bác Hồ ảnh 1
Nhà sàn Bác Hồ trong Phủ chủ tịch

Nhưng một công trình mà ông tâm huyết, lao tâm khổ tứ để làm đó là năm 1957, Bác Hồ trực tiếp giao cho Nguyễn Văn Ninh thiết kế ngôi nhà cho Bác ở. Với một đề tài vô cùng hắc búa là: “Chú Ninh hãy thiết kế một ngôi nhà cho Bác nhưng đó không phải là một ngôi biệt thự !”.

Hàng đêm, Nguyễn Văn Ninh trăn trở suy nghĩ để làm sao ngôi nhà phải toát lên sự giản dị, tư tưởng gần dân và đặc biệt phải tiện ích, kết hợp được vốn dân tộc cổ truyền mà không lạc hậu.

Đã hơn nửa tháng suy nghĩ phác thảo, Nguyễn Văn Ninh nhớ lại những năm tháng Bác hoạt động ở chiến khu Việt Bắc. Rồi cả những ngày bản thân hoạt động cách mạng ở Bản Đao (Tân Văn, Bình Gia, Lạng Sơn) năm 1946.

Khi đó UBND tỉnh ở nhà sàn của dân. Thấy ngôi nhà sàn tiện ích cũng như cách bài trí rất khoa học nên Nguyễn Văn Ninh đã bỏ thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu, đo, vẽ và ghi chép tỉ mỷ cách bố cục, kiến trúc của nhà sàn vào trong cuốn sổ tay...

Một hôm đang giữa đêm ông vùng dậy, giở sổ bắt tay vào thiết kế. Việc thiết kế kéo dài liên tục trong 2 đêm. Khi xem đồ án kiến trúc ngôi nhà, Hồ Chủ tịch đã rất hài lòng. Người nói: “Chú làm việc rất đúng ý của Bác !”.

Một năm sau công trình được đưa vào sử dụng nhân dịp mừng  sinh nhật lần thứ 68 của Người... Ngày nay, mỗi lần đến thăm Lăng Bác, ngôi nhà sàn ẩn mình trong những lùm cây xum xuê có dáng vóc trang nghiêm mà giản dị, gần gũi.

Nó thoáng mát, thanh tao mà ấm cúng. Nhà lợp ngói bẻ gốc, rường cột đều là loại gỗ dổi rất bền. Loại gỗ này có vân, khi đánh bóng lên tạo màu sắc rất đẹp. Gỗ có dầu mùi thoang thoảng hương thơm rất dễ chịu. Nhưng nó không phải là loại gỗ  “tứ thiết” quý hiếm như người ta tưởng.

Ngày khánh thành ngôi nhà sàn, Bác mời cơm Nguyễn Văn Ninh cùng đội thi công. Đến 16 giờ, mọi người đã tập trung khá đông đủ, nhưng KTS Nguyễn Văn Ninh chưa vẫn có mặt. Quá giờ hẹn độ 2 phút, Bác bảo mọi người ra ngoài vườn chụp ảnh kỷ niệm. Khi người chụp ảnh giương máy lên định chụp thì Nguyễn Văn Ninh chạy tới.

Thì ra ông say sưa nghiên cứu nốt một đồ án xây dựng nên đã đến muộn 5 phút. Bác Hồ thấy vậy liền vẫy tay gọi Nguyễn Văn Ninh đến cho ngồi trước mặt vừa thân ái vừa hài hước nói: “Chú đến muộn rồi nhé. Bác đặt tên cho chú là Kiến. Kiến ở đây có nghĩa là kiến trúc sư vừa có nghĩa là kiến bò chậm, đến muộn...!”.

KTS Nguyễn Văn Ninh vinh dự được Hồ Chủ tịch tặng huy hiệu 2 lần. Ngoài ra, trong sự nghiệp kiến trúc của mình ông còn có nhiều công trình có giá trị như Tượng đài liệt sĩ Bông Lau - Bố Củng (tỉnh Lạng Sơn). Hình khối đài liệt sĩ này đã một thời được coi là khuôn mẫu để khắp nơi làm theo...

KTS Nguyễn Văn Ninh mất ngày 15/4/1975 khi ông chuẩn bị vào Nam. Cơn sốt ác tính  đã quật ngã ông ở tuổi 67, nhưng những tác phẩm do ông sáng tạo mãi mãi đi vào lịch sử kiến trúc nước nhà...

Xứ Lạng, tháng Tám 2005

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.