Những dự án lãng phí ở Thừa Thiên - Huế

Những dự án lãng phí ở Thừa Thiên - Huế
Nhiều doanh nghiệp không đủ vốn vẫn được cấp hàng ngàn héc-ta đất để đầu tư dự án để rồi... bỏ đất trống. Tình trạng lãng phí trên đang có mặt ở rất nhiều công trình tại Thừa Thiên - Huế.
Những dự án lãng phí ở Thừa Thiên - Huế ảnh 1
Dự án "Cụm khách sạn 5 sao..." của Công ty bất động sản Sông Đà không một bóng công nhân nào làm việc. ảnh: B.N.L

Theo số liệu từ Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế, hiện trên địa bàn thành phố Huế và các vùng phụ cận có 16 dự án phát triển đô thị mới được phê duyệt quy hoạch với 12 chủ đầu tư được cấp phép trên tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.400 ha. Hơn một năm trôi qua, đến nay chỉ có 6 dự án được khởi động, nhưng tiến độ cũng rất chậm chạp.

Dự án có quy mô lớn, được nhiều người quan tâm nhất là khu đô thị mới An Vân Dương 1.700 ha, nằm về phía đông nam thành phố Huế với định hướng quy hoạch gồm các trung tâm thương mại, hành chính, thể dục thể thao, vui chơi giải trí,... đan xen với các cụm dân cư nhằm mở rộng thành phố về hướng đông.

Tuy nhiên, trong số 10 chủ đầu tư đăng ký tham gia ban đầu đến nay mới chỉ có 2 đơn vị là Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), ở dự án đô thị Thủy An, diện tích 33,6 ha và Công ty điện lực 3, ở dự án đô thị Phú Thượng, diện tích 43 ha (thuộc xã Phú Thượng - Phú Mỹ, huyện Phú Vang) triển khai. Các chủ đầu tư còn lại đến nay chưa thấy động tĩnh.

Ông Trần Hữu Ngọ, Giám đốc Ban quản lý đầu tư - xây dựng Thừa Thiên - Huế, cho biết: "Một số nhà đầu tư thực chất không mấy tâm huyết với mục tiêu mà dự án đã đặt ra. Nhất là sau khi có Nghị định 181, việc san đất bán nền không còn được thực hiện, nhiều nhà đầu tư đã rút lui".

Lấy đất mặt tiền... làm bãi đỗ xe ?

Ngày 1.1.2004, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định (số 19/QĐ-UB) đền bù giải tỏa để thu hồi 1.829m2 đất các hộ dân ở đường Phạm Hồng Thái "để quy hoạch chỉnh trang đô thị phục vụ Festival Huế 2004".

Quá trình thực hiện dự án này đã gặp phải sự bất bình và khiếu nại của người dân vì giá đền bù không tương xứng; mục đích thu hồi đất cũng thiếu rõ ràng...

Từ khi giải tỏa xong khu vực này đến nay, đã gần một năm trôi qua, khu đất vẫn nằm "trơ gan" cùng tuế nguyệt, chẳng thấy đầu tư, xây dựng gì. Điều đáng nói là khu đất này lại nằm ngay trung tâm thành phố trên trục đường Lê Lợi, hướng ra sông Hương, một vị trí cực kỳ đẹp của Huế. Các tài xế xe du lịch, xe taxi... tận dụng khoảng đất trống này để lấy chỗ đỗ xe cho... đỡ phí.

Trao đổi với PV, ông Phan Trọng Vinh, Phó chủ tịch UBND TP Huế cho biết: "UBND tỉnh đã giao khu đất này cho UBND TP Huế để tiến hành xây dựng khu trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ. Hiện UBND TP Huế đang mời tư vấn thiết kế để thực hiện dự án...".

Còn khi nào dự án mới chính thức được thực hiện thì... ông Vinh không thể nói trước được (?).

Cùng với khu giải tỏa đường Phạm Hồng Thái là dự án đầu tư Cụm khách sạn 5 sao - Trung tâm hội nghị quốc tế và cao ốc văn phòng ở ngã sáu đường Lý Thường Kiệt, Nguyễn Tri Phương, Hà Nội.

Đây là dự án được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thu hồi đất cấp cho Công ty bất động sản Sông Đà để đầu tư xây dựng. Sau khi được giao đất, công ty này đã san lấp mặt bằng và rào chắn bằng một hệ thống tôn bao che.

Bên trong, tiến độ xây dựng ban đầu có triển khai một cách chậm chạp và đến nay thì dừng hẳn, chẳng thấy bóng dáng một công nhân hay máy móc thiết bị nào.

Tương tự, Trung tâm thương mại PLAZA, tại ngã tư Nguyễn Huệ, Bà Triệu, Hùng Vương, cấp đất cho Công ty dệt Phong Phú (TP.HCM), sau khi khởi công đã để trống không thực hiện...

Để có đất cho các dự án này, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bỏ ra hàng trăm tỉ đồng đền bù giải tỏa, tái định cư, làm xáo trộn không nhỏ đến đời sống của hàng trăm hộ dân, gây búc xúc kéo dài...

Thế nhưng, hiệu quả kinh tế mang lại từ những dự án này đến nay vẫn chỉ là những khu đất trống thi gan cùng mưa nắng... Ai sẽ chịu trách nhiệm về sự lãng phí này?

Theo Bùi Ngọc Long
Thanh Niên

MỚI - NÓNG