Những đứa trẻ mưu sinh trên bãi biển

Những đứa trẻ mưu sinh trên bãi biển
TP - Trong cái nắng chói chang, những đứa trẻ đầu trần chân đất vẫn bước đi trên cát nóng ở bãi biển Thuận An, một trong những địa chỉ du lịch của Huế.

Sinh ra trong gia đình đông anh em, Nam phải ra biển kiếm sống từ lúc lên 5 tuổi. Nắng, gió và tháng ngày lăn lộn mưu sinh nơi cửa biển làm Nam cứng cáp và già dặn hơn so với nhiều bạn cùng trang lứa.

“Trước đây em đi mò cua, bắt ốc về phụ giúp ba mẹ. Lớn lên một tý, em ra biển nhặt ve chai. Sau một thời gian thì cái nghề này không kiếm được tiền nữa, giờ em đi bán dạo” - Nam kể.

Năm ngoái, Nam xin theo ba mẹ đi biển. Thương con nhỏ, không chịu nổi cảnh sóng gió của biển khơi nên bố mẹ Nam không đồng ý. Hàng ngày Nam đến đại lý nhận hàng để đi bán cho khách du lịch.

Đôi chân trần nhỏ xíu của cậu bé chưa tròn 12 tuổi phải rảo bước từ sáng sớm đến chiều tối, khi bãi biển vắng bóng người. Trung bình mỗi ngày Nam kiếm được 40.000 – 50.000 đồng, trừ tiến vốn cũng lãi được 15.000 – 20.000 đồng.

Giỏ hàng của các em là những gói bánh OSHI, vài thanh kẹo cao su, và đôi khi còn kèm theo vài chiếc bánh đa. “Trên bãi biển này còn nhiều đứa có hoàn cảnh khó khăn lắm. Mỗi đứa mỗi cảnh ngộ và có cách kiếm sống riêng. Nghề bán dạo này đòi hỏi phải có vốn và kinh nghiệm nên những đứa lớn tuổi như tụi em mới làm. Bán hàng mà không dẻo miệng là không có khách nào mua mô” - Thảo tròn 14 tuổi, là đàn chị của những đứa trẻ nơi đây. Thảo phải nghỉ học từ năm lớp 3 để ở nhà phụ giúp gia đình trong cơn túng quẫn.

Không có tiền mua hàng và còn quá nhỏ để đi bán dạo, Hạnh Mi phải đi lượm ve chai trên bãi biển. Những lon bia hay vỏ chai nhựa của khách du lịch thải ra được Hạnh Mi nhặt cẩn thận bỏ vào bao.

Sau nhiều ngày tích cóp em mới đưa ra đại lý bán lấy tiền. Suốt ngày rong ruổi trên bãi biển, có lúc đôi chân em mỏi nhừ. Ngoài Hạnh Mi, còn thêm ba em nhỏ nữa cũng làm nghề nhặt ve chai.

Chúng tôi đi dọc bãi biển để tìm gặp Thắng, người bán hàng nhỏ nhất trong những đứa trẻ ở đây. Dáng người nhỏ bé và nước da đen rám nắng đậm mùi biển với giỏ hàng nặng trên tay, nên rất dễ dàng nhận ra Thắng.

Em đang cố gắng bán hết giỏ hàng trước khi trời tối. Thắng năm nay vừa tròn chín tuổi. Bố mất sớm, gánh nặng gia đình đè lên vai mẹ. “Các anh, chị ấy bán hết hàng rồi được nghỉ sớm, còn em phải gắng thêm vài vòng nữa. Hôm nay, em mới bán được 15.000 đồng”.

Thắng tiến thẳng vào một chòi có khá đông khách du lịch và chào hàng. Giọng nói hơi run và khản đặc vì rao hàng suốt từ sáng đến chiều. Không có người mua.

Vào những ngày mưa lạnh, khi bãi biển không có du khách, nhiều em lên phố đánh giày, bán vé số, một số ở lại phụ giúp ba mẹ đan lưới vó…

Ước mơ được đến trường

Khi chúng tôi hỏi về việc học, trong đôi mắt những đứa trẻ ấy ngấn lên những dòng lệ buồn. Hầu hết các em chưa học hết bậc tiểu học và phải bỏ giữa chừng để lao vào cuộc sống mưu sinh.

“Em muốn được đi học, để sau này trở thành cô giáo đi dạy cho những trẻ nghèo như Thắm, Thắng, bé Hạnh Mi... Hàng ngày nhìn các bạn trong xóm đến trường em thèm lắm. Biết làm sao được hả anh, mình sinh ra là con nhà nghèo mà” - Thảo cười buồn.

Dù phải vật lộn với cuộc sống khó khăn, nhưng mỗi đứa trẻ ở đây đều có  khát vọng đến trường. Các em kể cho nhau nghe những câu chuyện trường lớp mình đã trải qua trong quá khứ.

Những câu chuyện ấy giống như thế giới cổ tích nhiều màu sắc mà các em chưa có dịp khám phá. Học hết lớp 5 nhưng Hùng là thầy giáo của những đứa trẻ chưa một ngày đến trường.

“Em dạy các phép toán cộng trừ để tính tiền cho dễ. Nhiều đứa chưa biết đếm tiền, em bày vẽ cho vài ngày là giỏi ngay” - Hùng khoe.

Sau những giờ cuốc bộ trên bãi biển các em ngồi lại với nhau để tính toán lợi nhuận và chỉ dạy nhau từng con chữ, từng phép nhân chia trong bảng cửu chương.Cũng có nhiều em đang theo học ở các trường, tranh thủ thời gian rỗi gia nhập đội quân này để kiếm ít tiền mua sách vở.

Mạnh (lớp 7 trường tiểu học Thuận An) nói: “Buổi chiều không đến trường nên em ra bãi biển kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Những đứa trẻ ở đây tội lắm, chúng không được đi học nên rất nghiện nghe em kể chuyện học ở trường. Có khi em kể đến tối rồi mà chúng chưa chịu về”.

Bãi biển đã vắng bóng người. Rồi đây cuộc sống của Nam, Thảo, cu Thắng, bé Hạnh Mi… sẽ như thế nào?

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).