Những hạt giống nảy mầm trong giông bão

Những hạt giống nảy mầm trong giông bão
Ngày 20/7, gần 300 đại biểu đại diện cho các thế hệ con liệt sĩ, con thương binh tiêu biểu trên khắp mọi miền đất nước đã tề tựu tại thành phố mang tên Bác để cùng nhau ôn lại quá khứ đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc, gia đình.

Và dù được sinh ra trong những hoàn cảnh éo le, khắc nghiệt, nhưng những người con của những chiến sĩ đã hy sinh xương máu vì đất nước đã gìn giữ và phát huy được truyền thống vẻ vang của cha anh một cách xứng đáng...

Càng mất mát, đau thương, càng bền chí

Anh Trần Phi Hùng (tỉnh Quảng Nam) rưng rưng nhớ lại: “Chiều hè năm 1969, sau khi ăn cơm chiều, hai người bạn cùng quê Đại Lộc lặng lẽ trao cho tôi một bức thư viết trên giấy vở học sinh từ miền Nam gửi ra của chú Huỳnh Nhị, nguyên Bí thư Huyện ủy Đại Lộc.

Đọc đến câu thứ hai “Ba mẹ cháu không còn nữa, đã anh dũng hy sinh …” cả bầu trời trước mặt tôi như sập xuống, tối sầm lại.

Mất mát, đau thương đã theo tôi suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường nhưng điều đó không làm tôi ngã lòng mà càng thôi thúc tôi phấn đấu, trưởng thành”.

Nhưng nỗi đau thương anh Nguyễn Trung Hòa (Sóc Trăng) còn nặng nề hơn. Mẹ anh Hòa đã gửi cả 4 người con cho bà ngoại – Mẹ VNAH Võ Thị Tiểu để chỉ huy cuộc đấu tranh chính trị trực diện với kẻ thù vào năm 1960 và đã anh dũng hy sinh trong tư thế tay vẫn còn ôm chặt lá cờ đỏ sao vàng. Lúc ấy, anh mới tròn một tuổi.

Cha anh – Nguyễn Thành Long – nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Phú Lợi 2 đã nén đau thương, gửi cả 3 đứa con trai vào căn cứ Minh Hải “để lớn lên khỏi theo giặc” rồi biền biệt đi chiến đấu và hy sinh năm 1967.

Không nén nổi đau thương, hai người anh trai của anh Hòa là Nguyễn Trung Dân và Nguyễn Văn Việt đã rời bỏ ghế nhà trường, nhập ngũ trả thù cho cha mẹ và cũng lần lượt hy sinh sau đó.

Nhờ những dòng sữa của cô bác nuôi nấng, Hòa đã sống và lớn lên trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của cuộc chiến giữa lòng địch, trải qua nhiều trận càn ác liệt và nuôi chí lớn.

“Tôi nhớ có một lần khi đang chuẩn bị ăn sáng thì có tin mật báo. Vừa di tản khỏi bếp ăn của cứ khoảng gần 100m thì pháo giặc bắn cấp tập đúng vào chỗ chúng tôi vừa dời đi" - Anh Hòa tâm sự.

Sau khi miền Nam được giải phóng, cuộc sống khắc nghiệt vẫn đeo đuổi anh. Nhà ngoại nghèo, Hòa phải bươn chải tự lo ăn học. Một thân, một mình giữa đất khách, quê người, làm đủ thứ nghề, từ rửa bát cho nhà hàng đến chạy xe đạp ôm, anh đã tốt nghiệp đại học tại TPHCM, giữ trọn lời hứa với người anh thứ ba...

Sinh ra và lớn lên trong thời bình nhưng em Phạm Đơn Phương (SN 1992, Tuyên Quang) đã hiểu được thế nào là mất mát đau thương. Chưa tròn một tuổi, đầu em đã trắng khăn tang tiễn đưa bố - chiến sĩ CAND Phạm Văn Chiến - anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ về nơi an nghỉ cuối cùng.

Nỗi đau mất cha càng hun đúc ý chí, phấn đấu trở thành một học trò giỏi, một công dân có ích cho xã hội trong tâm hồn cô gái bé bỏng Phạm Đơn Thương...Suốt từ lớp 1 đến lớp 7, Phương luôn là HS xuất sắc của trường THCS Yên Biên.

Và đơm trái ngọt

Trần Phi Hùng giờ đã là Phó Giám đốc Sở Công nghiệp Quảng Nam. Thành quả hôm nay có được là nhờ anh đã không ngừng phấn đấu.

Năm 1978, tốt nghiệp anh xin về quê, lăn lộn cùng các DN sản xuất thử nghiệm bia. Thành công bước đầu càng giúp Hùng tự tin nghiên cứu và triển khai ứng dụng hàng loạt đề tài góp phần giải quyết đầu ra cho bà con nông dân quê nhà như dứa đóng hộp, rượu mùa từ phế liệu dứa, rượu vang dứa, áp dụng tia cực tím xử lý vi sinh trong sản xuất nước ngọt…

Hùng nhớ nhất là năm 1984, anh được lãnh đạo Sở Công nghiệp tín nhiệm cử xuống Xí nghiệp Đường rượu Quế Sơn và giúp đơn vị này từ một DN đang thua lỗ, trên bờ phá sản trở thành một DN vững mạnh, được người tiêu dùng tín nhiệm.

Còn Nguyễn Trung Hòa, sau những tháng năm, vất vả mưu sinh, giờ đây anh đã trở thành một giảng viên có uy tín của trường Chính trị Sóc Trăng, được các đồng nghiệp và các SV tin cậy, thương yêu.

Cũng như nhiều nhà khoa học khác, Hòa đang tham gia nghiên cứu với nhiều đề tài khoa học có tính ứng dụng rất cao.

Kể sao cho hết những tấm gương sáng là con các liệt sĩ, thương binh đã làm rạng rỡ thêm trang sử hào hùng của dân tộc.

Đó là H’Dj Răng (SN 1992 dân tộc M’ Nông), con bệnh binh, học sinh giỏi lớp 6A Trường Dân tộc nội trú Đăk Nông, Nguyễn Thành Tâm (SN 1963, Bến Tre), con liệt sĩ – hiện là cán bộ giảng dạy Khoa Y, ĐH Cần Thơ đã có nhiều công trình nghiên cứu, ứng dụng, giúp đỡ bệnh nhân nghèo và tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng, ...

Trong bức thư gửi Hội nghị, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh xúc động bày tỏ: “Nhiều đồng chí và các cháu đã vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực trong học tập, lao động và công tác, trở thành nhân tố và điển hình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sự thành đạt của các đồng chí và các cháu là biểu hiện của tinh thần vượt khó, nối chí cha anh, chắc chắn làm thỏa lòng các liệt sĩ, ông bà, cha mẹ và các tầng lớp nhân dân”.

MỚI - NÓNG