'Những hạt giống tâm hồn' cho tù nhân

Trao tặng sách cho tù nhân. Ảnh: Tư liệu
Trao tặng sách cho tù nhân. Ảnh: Tư liệu
TP - Đôi khi người ta hình dung các tù nhân là những người ngang bướng bất trị, nhưng trong số họ rất nhiều người mê đọc sách và câu chuyện đưa sách đến cho các tù nhân được xem là việc làm thiết thực để người lầm lỗi tìm về với con đường sáng. 

Những lời bộc bạch

Làm sách vào thời buổi những quy định pháp lý còn chưa bảo vệ được các nhà sách là câu chuyện dài kỳ, đáng bàn. Số là, cách đây không lâu, trong bàn tròn về nghề làm sách tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc công ty Trí Việt phát biểu rằng: “Cứ mười cuốn sách của chúng tôi lưu hành trên thị trường thì 9 cuốn là in lậu, chỉ 1 cuốn do chúng tôi in”. Tò mò tìm hiểu sách bị in lậu là những cuốn nào thì hóa ra không phải là những cuốn giải trí rẻ tiền mà là những cuốn sách về kỹ năng sống trong “Tủ sách Hạt giống tâm hồn” của nhà sách này.
Câu chuyện khác cũng được chính ông Phước kể lại đó là không chỉ người bình thường, học sinh, sinh viên vốn là độc giả của những cuốn sách dạy kỹ năng sống mà cả tù nhân cũng cần đến chúng. “Chúng tôi đã tặng 20.000 cuốn sách của tủ sách Hạt giống tâm hồn cho nhiều nhà tù và được đón nhận rất nhiệt liệt” - Ông Phước nói. 

“Như một nhà hiền triết đã nói: “Trong mỗi vị thánh đều có một quá khứ, trong mỗi tội nhân đều có một tương lai”.

Ông Nguyễn Văn Phước

Một người bạn yêu nghề xuất bản nói rằng việc phát sách, đưa sách vào nhà tù vốn là chuyện bình thường ở nước ngoài, thậm chí nhiều nước tù nhân còn được học hành thi cử, lấy bằng cấp, để khi ra đời dễ hòa nhập được với xã hội. Nhưng ở ta, vì nhiều lý do, “Việc đưa sách vào nhà tù trước kia cũng từng được một nhà xuất bản thực hiện, song dần bị bỏ quên, bây giờ hầu như chỉ còn Công ty First News làm việc này” - một nhà báo viết về văn hóa bày tỏ.

Từ thư tới sách 

Cách đây không lâu một số tờ báo đã đưa tin về lá thư gửi từ trong tù của một phạm nhân, nói lời tri ân về một cuốn sách mà anh ta vô tình đọc được trong tù. Tù nhân ở một trại giam miền Trung tên là Nguyễn Văn Khôi đã viết lá thư như sau: “Không thể nào diễn tả tâm trạng của tôi lúc mới vào tù. Tất cả như sụp đổ, tôi như từ thiên đàng rơi xuống địa ngục. Sự thất vọng, bế tắc đến cùng cực. Đã thế số phận như muốn trêu ngươi tôi. Tai họa cứ dồn dập xảy ra. Tôi vào tù được 4 tháng thì mẹ tôi mất. Và số phận như muốn đánh gục tôi khi tiếp theo đó vợ tôi đưa đơn li dị và mang các con đi xa vì không chịu nổi áp lực. Tôi như ở dưới vực thẳm. Mọi cánh cửa như đóng sập lại. Trong lúc tuyệt vọng tôi đã nghĩ đến cái chết vì chỉ có cái chết mới giải thoát cho tôi khỏi kiếp nạn này. Tôi đã quyết tâm tìm đến cái chết bằng cách thắt cổ tự tử nhưng đã bị phát hiện. Không từ bỏ ý định tự sát, tôi đã âm thầm móc nối với người bạn để chuyển thuốc ngủ vào. Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi bằng một biến cố mà tôi không ngờ đến. Rồi một ngày, trong phòng giam có một phạm nhân mang vào mấy cuốn sách. Trong những cuốn sách ấy có cuốn “Tìm về sức mạnh vô biên” của Robin S.Sharma. Và điều kỳ diệu đã đến. Cứ mỗi trang sách lật qua như có ai đó cất đi cho tôi một gánh nặng. Mỗi trang sách như có một sức mạnh vô hình nâng đỡ cho tôi đứng dậy. Tôi như kẻ lạc lối giữa biển khơi tìm thấy ánh sáng của ngọn hải đăng. Tôi đã đọc ngấu nghiến và quyết tâm hoàn lương”. 

'Những hạt giống tâm hồn' cho tù nhân ảnh 1

Tù nhân xúc động khi giao lưu tặng sách 

Nhà văn Hồ Huy Sơn, hiện làm ở một công ty sách cho biết thêm: “Lá thư làm chúng tôi xúc động mạnh. Đặc biệt khi chúng tôi biết anh Khôi cũng nguyên là phóng viên một tờ báo địa phương và là anh trai của cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ là Hoàng Khương, người cũng đang ở trong vòng lao lý”. Sau đó, Cty sách ấy đã tổ chức một đợt tặng sách cho trại giam nơi anh Khôi đang thụ án. Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt gửi tặng cán bộ và phạm nhân của Trại giam A2, Đồng Găng 3.000 cuốn sách Hạt giống Tâm hồn. Anh Thái Cảnh Đôn, đại diện Đoàn cựu Sinh viên AIT đã gửi tặng 2.000 cuốn sách về Phật pháp và 500 cuốn sách Hạt giống Tâm hồn. Doanh nhân Hồ Văn Trung gửi tặng 500 cuốn tự truyện Gian truân chỉ là thử thách, Công ty Bibica gửi tặng 500 cuốn sách Tìm lại tình yêu cuộc sống, tập hợp những tấm gương vượt khó trên khắp cả nước… Nhà văn Hồ Huy Sơn nói: “Tiếc rằng hôm đó đoàn không gặp được anh Khôi”. Có thông tin, mới đây tù nhân Khôi đã được giao làm thủ thư quản lý thư viện sách ấy. 

Hôm nay là độc giả mai kia là nhà văn? 

Chị Trương Thị Hồng Tâm tác giả cuốn sách “Hồi ký Tâm Sida - Vượt Lên Cái Chết”… một cuốn sách thường được các tù nhân đọc và thích thú. Các đoàn tặng sách thường mời tác giả này đi vì chị là “người thật việc thật” từng trải qua nhiều trại cải tạo, rồi viết sách về cuộc đời mình. “Mọi người rất thích nghe chị Tâm nói chuyện”- Hồ Huy Sơn kể.
Chị Tâm chia sẻ: “Tôi từng trải qua nhiều trại cải tạo, nơi nào chị em chúng tôi cũng thèm đọc sách. Thường thì tù nhân phụ trách văn thể mỹ sẽ đi mượn sách về chuyền tay nhau đọc. Cũng đôi khi cán bộ cho mượn những cuốn sách hay để đọc”. Theo một số phát biểu của người trong ngành trại giam thì thư viện và số lượng sách trong các trại không nhiều và không thể cập nhật theo nhu cầu của tù nhân được. Việc đưa hàng vạn cuốn sách “hot” vào nhà tù như việc làm của nhiều Cty sách và nhà hảo tâm được đánh giá cao. 

Khi đến các trại tặng sách, ông Nguyễn Văn Phước thường gửi gắm: “Như một nhà hiền triết đã nói: “Trong mỗi vị thánh đều có một quá khứ, trong mỗi tội nhân đều có một tương lai”. Tác giả “Tâm si đa” thì nói với các tù nhân: “Việc gì chúng ta cũng có thể làm được hết. Nếu đã làm được việc xấu thì tại sao việc tốt lại không làm được? Tương lai ở phía trước, hãy cải tạo để ra làm việc tốt”. Chị Tâm kể với tôi: “Các bạn ấy đều nói: em muốn được như chị” - chẳng biết có phải các bạn nữ ấy muốn trở thành người viết sách như Trương Thị Hồng Tâm?

'Những hạt giống tâm hồn' cho tù nhân ảnh 2

Phút giây đọc sách

Hồ Huy Sơn kể rằng đôi khi các phạm nhân nữ đứng ở hàng rào để xin sách và có lẽ là xin cả chữ ký nữa. Các nhà văn hỏi giám thị thì được biết: “Các tù nhân không được trực tiếp nhận gì ở ngoài đưa vào cả”, vì vậy tất cả sách đều cho vào thư viện rồi chuyển xuống cho phạm nhân đọc dần. Trong mỗi đợt tặng sách, đôi khi các tác giả cũng phát trực tiếp cho tù nhân để họ ngồi đọc trong lúc diễn ra giao lưu. “Tất cả đều đọc ngấu nghiến và rất nhiều tù nhân đeo kính cận dày cộp” - Hồ Huy Sơn nói. Không ít người vừa đọc sách vừa dự giao lưu mà không cầm được nước mắt. Chị Tâm nói: “Đã là con người thì ai cũng có xu hướng hướng thiện. Các tù nhân, nhất là các tù nhân nữ, rất thích đọc sách, vì họ tin rằng sách đúng là người bạn tâm giao trong những lúc cô độc, giúp ích họ rất nhiều”.

2/2015

Trong cuộc trò chuyện mới đây bên lề bàn tròn xuất bản, ông Đỗ Quý Doãn - Chủ tịch Hội xuất bản cho biết tỷ lệ sách đọc trên đầu người ở Việt Nam hiện còn rất thấp và cần được cải thiện trong thời gian tới. Thống kê cho thấy người Việt Nam chỉ đọc chưa đến 1 cuốn sách mỗi năm và với nông dân thì gần như không đọc. 

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".