Những khoản thu kỳ lạ ở chợ đầu mối Ngã Tư Sở

Mỗi ngày, nhóm người này thu của các tiểu thương hoạt động tại chợ tạm Ngã Tư Sở gần 8 triệu đồng (ảnh cắt từ clip). Ảnh: Long Vân ​
Mỗi ngày, nhóm người này thu của các tiểu thương hoạt động tại chợ tạm Ngã Tư Sở gần 8 triệu đồng (ảnh cắt từ clip). Ảnh: Long Vân ​
TPO - Muốn có chỗ ngồi bán hàng yên ổn, tiểu thương phải nộp tiền cho những đối tượng bảo kê… Ðây là chuyện xảy ra tại chợ thực phẩm Ngã Tư Sở trên phố Cầu Mới thuộc phường Ngã Tư Sở (Ðống Ða, Hà Nội) lúc tờ mờ sáng.

Hơn hai năm qua, Hà Nội và nhiều thành phố đồng loạt mở các đợt cao điểm lập lại trật tự, chống lấn chiếm vỉa hè, làm đẹp bộ mặt đô thị. Sự quyết liệt đạt đến mức mà người dân gọi là “cuộc chiến giành lại vỉa hè”. Tuy nhiên, đến nay, dường như, trật tự vỉa hè ở Hà Nội lại đang có xu hướng “quay về điểm xuất phát”. Giới kinh doanh buôn bán bám vỉa hè Hà Nội lâu nay cho biết, phải đóng phí hằng tháng “bảo kê”. Câu chuyện này diễn ra "bí mật", hầu như không có chứng cứ. Tuy nhiên, khi màn đêm phủ bóng, việc thu tiền sử dụng vỉa hè, tiền họp chợ trái phép đã phơi lộ.

Thay nhau thu tiền lúc tờ mờ sáng

Chợ thực phẩm tự phát trên phố Cầu Mới (khu vực phường Ngã Tư Sở, Đống Đa) được hình thành nhiều năm nay. Đây là nơi mà báo chí nhiều lần phản ánh về việc người buôn bán chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán nhưng các cấp chính quyền đều kêu khó xử lý hoặc xử lý như “ném đá ao bèo”. 

Phố Cầu Mới có chiều dài chỉ chừng 400m, lòng đường rộng 9m, nối đường Láng với đường Nguyễn Trãi. Mấy năm qua, nơi đây mỗi sáng không còn cảnh chợ cóc lèo tèo vài ba người buôn thúng, bán mẹt mà thay vào đó, cả tuyến phố thành một chợ đầu mối tấp nập. Vì liền kề với chợ Ngã Tư Sở nên người dân vẫn quen gọi phố Cầu Mới là chợ đầu mối thực phẩm Ngã Tư Sở. Đây trở thành điểm cung cấp thực phẩm lớn cho nhiều quận trung tâm TP Hà Nội. Trước các đợt cao điểm ra quân để lập lại trật tự, chống lấn chiếm, lấy lại vỉa hè nhưng bằng cách nào đó chợ này ngày một phát triển lớn mạnh.

Những khoản thu kỳ lạ ở chợ đầu mối Ngã Tư Sở ảnh 1  

Từ cuối tháng 5/2019, phóng viên Tiền Phong nhiều ngày thâm nhập thực tế, chứng kiến luật ngầm đằng sau những chỗ ngồi ở chợ này. Hằng ngày, từ 3h sáng, chợ đầu mối thực phẩm Ngã Tư Sở lên đèn phục vụ cho khoảng hơn 200 tiểu thương. Dù là chợ tự phát nhưng lòng đường, vỉa hè được ngầm chia thành từng ô, từng mét, các tiểu thương cứ đến bày hàng buôn bán tấp nập đến trưa mới dứt.

Ngỏ ý tìm chỗ để bán đồ ăn, chị T., bán hàng rau quả tại chợ hơn 3 năm lại đây cho biết, muốn ngồi bán ở đây phải gặp anh Long “cận” hoặc anh Việt “trẻ” để được sắp chỗ. Hiện tại, để kiếm được chỗ ngồi ở đây rất khó. Muốn gặp những người này phải ngồi chờ sau 5h sáng, lúc đó họ sẽ qua từng sạp hàng thu tiền vé.

Đúng như thông tin của bà chủ sạp hàng chỉ dẫn, sau khi các tiểu thương đã yên ổn chỗ ngồi, khoảng hơn 5h, người đàn ông khoảng 50 tuổi, đầu cắt cua xuất hiện thu tiền thứ tự từng sạp hàng. Thấy người này đến, chị chủ sạp tay rút tờ 20.000 đồng trong túi, miệng hỏi “hôm nay mùng một vẫn thu à”, người đàn ông đáp “hỏi hay nhỉ”, chìa tay lấy tiền rồi chuyển sang sạp hàng bên cạnh thu tiếp. Chưa đầy 1 phút sau, một thanh niên trẻ, cao to xuất hiện trước sạp hàng, dù rất khó chịu vì chưa bán được thứ gì, chị chủ cau có rút tờ 20.000 đồng đưa thêm. 

Tất cả các hoạt động đó diễn ra chóng vánh, không một hóa đơn, phiếu thu nào được đưa ra. Điều đó có nghĩa, những khoản thu này không được nộp vào ngân sách và tính thuế. Tuy nhiên, các tiểu thương khá rành rẽ về sự phân bổ các khoản thu đó. “Tiền vé chợ 20.000 đồng, tiền vé xe 5.000 đồng, tiền vệ sinh 5.000 đồng...”, bà K., chủ sạp rau củ gần đó cho biết.

Ai đứng bảo kê?

Sau nhiều ngày ghi nhận, hoạt động thu tiền của những đối tượng trên lặp đi lặp lại hàng ngày, đúng giờ, bất kể ngày mưa, nắng. Theo tính toán của chúng tôi mỗi ngày, nhóm người này thu của tiểu thương gần 8 triệu đồng, mỗi tháng thu hàng trăm triệu đồng.

Theo tìm hiểu, rất nhiều tiểu thương ở đây chủ yếu đến từ các huyện ngoại thành Hà Nội. Họ chạy xe hàng chục cây số đến đây để bán bó rau, mớ cá; mỗi ngày lãi một vài trăm nghìn đồng, nhưng tiền xăng, tiền “vé chợ” chiếm phân nửa. Dù vậy họ vẫn “cắn răng” nộp tiền để có chỗ ngồi, không phải nháo nhào chạy khi có ai đó tri hô “công an” đuổi. Tiểu thương cho biết, hai người tên Long, Việt có lúc tự giới thiệu làm ở đội an ninh tự quản, lúc thì nói là bảo vệ dân phố của phường Ngã Tư Sở.

Ông Trịnh Thế Lộc, Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở cho biết, chợ trên phố Cầu Mới hoạt động tự phát, không có người quản lý, tồn tại nhiều năm qua. UBND phường và lực lượng công an đã nhiều lần ra quân xử lý nhưng chỉ như “ném đá ao bèo”.

“UBND phường không thu bất cứ khoản nào tại khu vực này. Tiền vệ sinh môi trường do UBND quận Đống Đa ký hợp đồng với một công ty để dọn dẹp”, ông Lộc khẳng định. Khi phóng viên hỏi hai người tên Long và Việt có công tác tại đội bảo vệ dân phố (do công an phường quản lý) không, ông Lộc cho biết, hai người này làm bảo vệ chợ Ngã Tư Sở.

Thiếu tá Đào Xuân Hiệu, Trưởng Công an phường Ngã Tư Sở cho biết, lực lượng công an kiểm tra, xử lý vi phạm hằng ngày nhưng nhiều không xuể. Phóng viên đề nghị được cung cấp số liệu về xử phạt thời gian qua, vị này nói sẽ cung cấp sau.

Ông Trịnh Thế Lộc, Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở cho biết, chợ trên phố Cầu Mới hoạt động tự phát, không có người quản lý, tồn tại nhiều năm qua. UBND phường và lực lượng công an đã nhiều lần ra quân xử lý nhưng chỉ như “ném đá ao bèo”.

MỚI - NÓNG