Những khúc lặng nhân ngày chiến thắng

TP - Chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và giữ nước kéo dài mấy chục năm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Cả nước thống nhất, non sông liền một dải. Tầm vóc vĩ đại của chiến thắng không thể được nhận thức đầy đủ nếu không nhìn nhận và suy ngẫm về khía cạnh bi tráng của nó.

I. Chiến tranh chỉ phả hơi thoảng vào tôi.

Đó là tôi vắng cha gần 12 năm đầu đời do ông là cán bộ của Ban Công tác Miền Tây của Trung ương Đảng, ở Đoàn Chuyên gia bên cạnh T.Ư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Khi ông trở về tôi đã khá lớn, nên sau đó mặc dù ông rất yêu con và tôi kính bố nhưng có cảm giác hai bố con không tài nào xoá được cái khoảng cách do 12 năm đó tạo ra.

Những khúc lặng nhân ngày chiến thắng ảnh 1  Trẻ em thời chiến

Sau này tôi có viết bài thơ vể chuyện đó, trong đó có câu: “Khi con thơ bé bố đi / Ba lô súng ngắn mấy khi bố về”“Mâm cơm có chụm mái đầu / Bố đau nỗi bố, con rầu phần con”. Đó là một nỗi buồn cá nhân tôi.

Chiến tranh gắn với hình ảnh mẹ tôi vừa phải công tác ở huyện, vừa lo nuôi ba chị em tôi; rồi một mình lo dựng mái nhà tranh vách đất khi mới về nghỉ do mất sức; chủ trì 3 đứa con lít nhít tự đào một cái hầm ở góc vườn, một cái hầm ở gầm giường. Tóm lại là một mình lo cả phận đàn ông.

Chiến tranh nghĩa là tôi phải lang thang cùng cơ quan mẹ đoán theo vệt bom của giặc mà sơ tán nay xã này, mai xã khác chịu thân phận của “dân ngụ cư”, bị trẻ làng bắt nạt, chèn ép. Có lần bị chúng đánh quá, tôi sợ không dám đến lớp (có lẽ là lớp 1), lên bờ đê ngồi tự viết chữ, tự cho điểm mang về nộp mẹ và bị tẩn một trận.

Khi mẹ về mất sức năm 1970, làng làng Phong Cốc, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa nơi nhà tôi ở cách sân bay Sao Vàng khoảng non chục cây số đường chim bay, cách cầu Hàm Rồng khoảng 40 cây. Cao điểm của chiến tranh không quân, không có ngày nào là máy bay Mỹ không gầm rú bay từ các sân bay ở Thái Lan qua (sau nay tôi mới biết nơi chúng xuất phát) đánh cầu Hàm Rồng, tiếng nổ lục bục vọng lại cả buổi từ trọng điểm ác liệt đó.

Và có những đợt không đêm nào là chúng không ném bom vào sân bay Sao Vàng, nơi có đường băng cho các phi đội MIG. Hoả lực địch và hoả lực ta đan xen, bầu trờỉ sáng  rực dọc ngang các đường đạn chi chít như pháo hoa. Tiếng tên lửa ta bay véo véo qua làng chặn đánh các phi đội giặc bay vào từ Hạm đội 7. Tiếng bom dậy đất. Sáng ra cánh đồng nhiều khi đầy những cụm sợi thiếc gây nhiễu máy bay địch rải. Cũng không hiếm những mảnh vỏ tên lửa SAM.

Hôm ác liệt nhất, tôi nhớ rõ dù cách sân bay gần chục cây số và cách một con sông Chu, làng vẫn rung lên vì xung chấn bom giặc. Trong làng có nhà bị tụt mái ngói vì chấn động.

Tôi ghê nhất là chúng tôi, những đứa trẻ lít nhít, đêm nào cũng phải dậy đôi ba lượt chạy ra hầm. Cái hầm ở góc vườn mấy mẹ con tự làm nông choèn, lát trên bằng mấy cành xoan rồi đắp đất. Cành xoan rất yếu và giòn. May mà không có quả bom giặc nào rơi vào làng. Nếu có, chẳng cần phải bom rơi gần, mái hầm chắc chắn sập.

Sợ nhất là cái hầm ấy lại nhiều khi ngập nước đến trên đầu gối. Tôi thường xuyên thấy ễnh ương, cóc, nhái nổi lềnh bềnh trong đó. Có lần thấy cả rết ngoe nguẩy. Có lần thấy cả con rắn ngóc đầu lên, lè rung rung cái lưỡi chẻ đôi. May mà có lẽ là rắn nước. Cho đến giờ, tôi vẫn lạnh người khi nghĩ nếu như có một con hổ mang hoặc cạp nong, cạp nia trú ngụ trong căn hầm ướt át đó. Vậy mà hồi ấy, mấy mẹ con tôi lội lõm bõm trong đó, giữa đêm tối.

Làng cũng nằm trong vành đai bố trí lực lượng chống lại không quân Mỹ. Đầu làng đắp đôi cái ụ đất rất lớn trồng dày cây làm chỗ bố trí ra đa, cao xạ. Ra đa đã từng về. Cao xạ tầm thấp cũng đã từng được bố trí ngoài cánh đồng. Máy bay Mỹ từng nhằm phóng tên lửa nhưng chệch. Làng nguyên vẹn một cách thần kỳ qua cuộc chiến tranh phá hoại.

Nói nguyên vẹn là nói tương đối. Thử hình dung, một xã không nằm ở tỉnh không bị giặc chiếm lần nào trong cả hai cuộc kháng chiến, một xã không có viên đạn, quả bom nào rơi trực tiếp vào mà có đến gần 200 liệt sĩ.

Tuổi thơ tôi, một đứa trẻ may mắn không bị chiến tranh ảnh hưởng đáng kể, đã trôi qua như thế.

II. Hồi nhỏ, tôi biết đến chiến tranh qua tin chiến thắng và các câu chuyện, vở kịch phát trên đài. Tôi tưởng ta chỉ toàn thắng.

Tôi có người anh họ con bác ruột trốn đi bộ đội khi chưa đầy 18, vào chiến trường chiến đấu rất anh dũng, khi về mới 28 tuổi đã đóng quân hàm đại uý, tiểu đoàn trưởng. Oách nhất là anh được phong Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân. Tên anh là Lê Xuân Bồng.

Lần đó, anh về qua nhà, ngồi nghe đài với một đồng đội. Câu chuyện truyền thanh phát trên đài là một trận đánh với lính dù Sài Gòn. Nghe tiếng la khóc của lính địch thua trận, anh cười nói: “Phét! Đánh với bọn dù, nhiều khi phải chạy bỏ mẹ”. Tôi rất kinh ngạc là bộ đội ta có thể phải thua chạy, nhất là anh, một người anh hùng.

Những người hậu phương, nhất là trẻ con không thể hình dung ra sự ác liệt và thảm khốc của chiến tranh.

Sau này, tôi đã đi thăm là tham gia làm lễ ở rất nhiều nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước: Phú Quốc, Hàng Dương (Côn Đảo), Buôn Ma Thuột, Thanh Hoá… Cả ở hai nghĩa trang lớn nhất nước Nghĩa trang Liệt sĩ Việt – Lào, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn - ở mỗi nghĩa trang này có khoảng 11.000 ngôi mộ liệt sĩ có tên và vô danh.

Năm 2018, tôi cùng Ban Tổ chức và toàn bộ thí sinh Chung khảo phía Bắc của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, cả thảy hơn 50 người, thắp hương nến trên mộ các liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Việt - Lào (nơi quy tập nhiều liệt sĩ hi sinh ở chiến trường Lào) ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Phải nhờ Tỉnh Đoàn Nghệ An huy động thêm hơn 500 đoàn viên, thanh niên địa phương hỗ trợ mới thực hiện được việc thắp hương và nến trên 11.000 ngôi mộ.

Thắp hương ở Nghĩa trang Liệt sĩ  Trường Sơn ở Quảng Trị, đến khu mộ liệt sĩ Thanh Hoá đồng hương, tôi không thể cắm hương trên từng ngôi mộ được vì quá nhiều mà đốt một bó lớn nơi đầu gió để khói hương bay toả ra nơi các bác, các cô chú, anh chị yên nghỉ.

Tôi đi lướt và thấy ở đó mộ của các liệt sĩ đồng hương hai xã quê nội, ngoại và cả mấy xã hồi nhỏ tôi có theo cơ quan mẹ đi sơ tán. Có thể có người tôi đã từng nhìn khi họ còn sống.

Tôi đến hang Tám Cô nổi tiếng ở Quảng Bình và lặng người khi tấm bia ở đó ghi tên hai nữ liệt sĩ TNXP cùng quê nội tôi xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá, và cùng họ Lê với tôi: Lê Thị Mai (1952 - 1972) và Lê Thị Lương (1953 - 1972).

Tôi cũng thường qua Nghĩa trang liệt sĩ Thanh Hoá ở gần cầu Hàm Rồng để thắp thương. Ở đó có mộ của cậu họ tôi – LS Nguyễn Hoà và bác ruột vợ - LS Phạm Tùng Lâm.

Anh họ tôi Lê Xuân Lơi – anh ruột của người anh hùng quân đội tôi nhắc ở trên cũng nằm lại ở đâu đó trong lòng đất Quảng Trị.

Tôi đã đến Quảng Nam để ngắm gương mặt mẹ Thứ - người mẹ Việt Nam có chồng, 9 con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ. Xem bảo tàng ở tượng đài Mẹ, tôi biết có rất nhiều những bà mẹ mất từ 5 đến 10 người thân.

Theo các số liệu từ các nguồn khác nhau, đất nước ta đã mất khoảng 2 - 3 triệu người trong cuộc chiến. Thử so sánh: Nước Đức đánh gần như tất cả các cường quốc trong Đại chiến Thế giới 2 cũng chỉ mất có 5 triệu người.

Có lẽ không một xã nào trên đất nước chúng ta không có nghĩa trang liệt sĩ. Tham gia vào việc thắp hương nến tại các nghĩa trang liệt sĩ dịp 27/7 hằng năm, tôi cứ nghĩ nếu có chuyến máy bay nào bay suốt chiều dài đất nước vào tối đó, chắc thấy khắp nơi trên đất nước mình những đốm sáng lung linh.

Những đốm sáng rọi vào tim ta từ quá khứ oanh liệt nhưng bi tráng của dân tộc.

Tôi thường hay tham gia vào các lễ kỷ niệm, tưởng niệm liệt sĩ TNXP ở Truông Bồn, Nghệ An. Nơi đó, đúng vào ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất bằng không quân của Mỹ trên miền Bắc, 4 h sáng ngày 31/10/1968, mấy tiếng đồng hồ trước khi Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, một loạt bom trúng tiểu đội TNXP đang sửa đường cướp đi 11 nữ TNXP (hầu hết đã nhận quyết định về đi học, có người chuẩn bị về lấy chồng) và 2 chàng trai (là người yêu của 2 trong số các nữ TNXP trên, đến đón người yêu giải ngũ, cũng tham gia sửa đường cùng họ lần cuối).

Hơn 1.000 chàng trai, cô gái đã nằm xuống để bảo vệ những đoạn xung yếu của con đường 15 A ở tỉnh Nghệ An đó.

Có năm, ngồi ở ghế đại biểu Truông Bồn, xem bộ phim tài liệu về các chiến sĩ TNXP và phòng không tuyến lửa thời ấy, nhìn những gương mặt tươi tắn, đầy lạc quan và niềm tin như có ánh sáng từ bên trong phát ra của họ, tôi nghĩ về bao nhiêu người con đẹp đẽ, ưu tú của đất nước đã bỏ mình giữa tuổi thanh xuân để đất nước có hoà bình.

Tôi ngồi giữa buổi lễ trang trọng được truyền hình trực tiếp trên sóng quốc gia đó và lặng lẽ khóc.

III. Một lần tôi đi cùng một Việt kiều từ Mỹ về đi phát quà và học bổng cho học sinh nghèo một vệt từ Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Đường xa, khó, chúng tôi đi mất 4 - 5 ngày.

Anh là một người đàn ông cao lớn, đẹp, trí thức. Phát biểu trước các học sinh, anh nói rất hay về việc tuổi nhỏ cần phải nỗ lực học tập, rèn luyện, sau này lớn lên thành người hữu ích cho đất nước.

Tiền quà và học bổng do anh đại diện một số Việt kiều ở Mỹ mang về.

Trên xe, anh rất hay khơi mào những câu chuyện mà thể nào cũng thành các cuộc tranh luận về cuộc chiến tranh vừa qua. Chẳng hạn anh nói: “Cuộc triệt thoái của Quân lực Việt Nam Cộng hoà khỏi Vùng 2 chiến thuật (Trị Thiên Huế, Đà Nẵng…) mà tôi có tham gia, dân ùn ùn chạy theo chúng tôi. Cho thấy các anh thắng không thuyết phục”.

Anh nguyên là một thiếu uý tâm lý chiến của Quân đội Việt Nam Cộng hoà.

Tôi rất ngạc nhiên khi nghe anh nói: “Các anh chiến thắng bằng các biện pháp như xích chân lính vào pháo thì không có gì là vinh quang”. Không biết anh bị nhồi sọ như thế khi học trong trường sĩ quan hay cứ tuyên truyền như thế mãi rồi nghĩ là thật?!

Tâm tư, tâm lý của những người cầm súng phía bên kia của cuộc chiến rất phức tạp. Mà có thể cả không ít người bên này nữa.

Thực ra cũng không khó hiểu vì đó là quy luật.

Năm 2007, tôi đi Đức theo chương trình khách mời của Chính phủ nước này (mời các nhà báo nhiều nước đi tìm hiểu nước Đức). Gần 20 năm nước Đức thống nhất, cách biệt giữa Đông Đức và Tây Đức còn thấy rõ. Lương của khu vực Đông Đức bằng 70% của Tây Đức. Một số người Tây Đức nói về người Đông Đức không được tôn trọng lắm.

Một quan chức bang Bavaria nói chuyện với tôi nói chẳng có gì phải sốt ruột. Nước Mỹ phải mất hơn 70 năm mới xoá nhoà hẳn tâm lý Nam – Bắc sau cuộc nội chiến 1861 – 1865. Với nước  Đức, bà nói có khi cũng mất thời gian như vậy hoặc đôi chục năm lâu hơn thế.

Vấn đề của nước ta, tôi nghĩ là không ngoài định lệ. Vấn đề là làm sao để nó không tồn tại quá dai dẳng. Cần có sự nỗ lực hàn gắn. Nỗ lực từ người của cả hai phía.

Cách đây 3 năm, 2017, PV Tiền Phong Dương Phương Vinh tìm được người lính Sài Gòn Bùi Trọng Nghĩa trong bức ảnh “Hai người lính” của phóng viên chiến trường TTX VN Chu Chí Thành. Bức ảnh chụp hai người lính – một mặc áo rằn ri, một đội mũ tai bèo khoác vai nhau thân thiện nhìn về phía trước như đón chào tương lai hoà bình, hoà hợp dân tộc vào những ngày đầu tiên ngừng bắn sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973.

Những khúc lặng nhân ngày chiến thắng ảnh 2Hai người lính (Nguyễn Huy Tạo - bên trái, và Bùi Trọng Nghĩa). Quảng Trị, 1973. Ảnh Chu Chí Thành

Cả toà soạn Tiền Phong động viên để câu chuyện được khai thác càng sâu, viết càng kỹ càng tốt. Chúng tôi hi vọng sẽ tổ chức ngay được cuộc gặp giữa hai người lính vì người lính giải phóng Nguyễn Huy Tạo chúng tôi đã biết trước đó. Nhưng cuộc gặp ấy không thành vì người này, người kia còn những phân vân (năm 2018, nhân kỷ niệm 45 năm Hiệp định Paris, hai ông mới gặp nhau trong chương trình của Đài Truyền hình Quảng Trị).

Nhân dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2017, chúng tôi tổ chức gặp trước người lính Việt Nam cộng hoà Bùi Trọng Nghĩa tại trụ sở Cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM và trao cho anh một ít tiền và quà bạn đọc gửi tặng (vì nhà anh rất nghèo).

Hôm đó, khi duyệt bài tường thuật cuộc gặp mặt của phóng viên, thấy nó quá giản lược, không thể hiện hết ý những gì đã được nói ra ở cuộc gặp mặt người cựu binh Việt Nam Cộng hoà đó, tôi đã tự thuật thêm vào đó mấy đoạn như thế này:

“Mở đầu cuộc gặp, Tổng Biên tập báo Tiền Phong nói ông và các cán bộ, phóng viên báo Tiền Phong thực sự vui mừng gặp mặt với ông Bùi Trọng Nghĩa, người dù muốn hay không cũng đã cùng người lính Giải phóng Nguyễn Huy Tạo trở thành một biểu tượng nho nhỏ nhưng rất ấn tượng về hoà giải, đoàn kết dân tộc.

Từ những ngày của năm 1973 xa xôi ấy, cái khoác vai và ánh mắt nhìn thẳng về phía trước của hai chiến binh Tạo – Nghĩa đã thể hiện niềm hi vọng, niềm tin vào tương lai không còn chiến tranh, đất nước thống nhất, những người anh em con của Mẹ Việt Nam không còn phân hai chiến tuyến, sum họp một nhà.

Đã hơn 40 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất, hầu hết những người đã từng  đứng ở hai phía đã thực sự trở thành anh em thì rất tiếc vẫn còn những người vì lý do này, lý do khác không muốn hoặc chưa vượt qua được những rào cản, những mặc cảm quá khứ để thực sự hoà giải dân tộc, dù quá trình này đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam đưa thành đường lối và thúc đẩy thực hiện.

Những khúc lặng nhân ngày chiến thắng ảnh 3 Hai người lính hội ngộ sau 45 năm. Quảng Trị, 2018

Từ ngày xưa, ông cha ta đã có truyền thuyết con Rồng cháu Tiên về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Tất cả người Việt Nam, theo sự tích đều sinh ra từ một mẹ. Chúng ta là anh em máu đỏ, da vàng nghìn năm máu mủ ruột rà, vậy tại sao lại cách ngăn chính chúng ta bằng những rào cản, chiến tuyến vô hình như vậy?” – Nhà báo Lê Xuân Sơn nói. Ông hi vọng và tin tưởng bức ảnh “Hai người lính”, câu chuyện quanh nó và cả cuộc gặp mặt ngày hôm nay sẽ góp phần nào đó thúc đẩy hoà giải và đoàn kết dân tộc. Sự quan tâm của bạn đọc những ngày qua, sự giúp đỡ mà họ gửi tới gia đình ông Nghĩa là bằng chứng cho điều đó.

Và: “Kết thúc cuộc gặp mặt, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cảm ơn ông Bùi Trọng Nghĩa đã đồng ý để báo đưa câu chuyện của mình đến với bạn đọc và đồng ý tới cuộc gặp mặt này. Bởi điều báo Tiền Phong muốn hướng tới đơn giản là kể lại một câu chuyện lịch sử và chuyển tải tới bạn đọc một thông điệp yêu thương, hoà giải, đoàn kết dân tộc, điều không thể thực hiện nếu không có sự đồng ý và hợp tác của những người trong cuộc”.

30/4 – 1/5/2020 

MỚI - NÓNG