Những kỷ lục Việt Nam tại thành phố mang tên Bác

Những kỷ lục Việt Nam tại thành phố mang tên Bác
Theo ông Lê Trần Trường An,Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty cổ phần sách – Niên giám Việt Nam, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam - VIETBOOKS đã tìm kiếm được 90 kỷ lục của TP Hồ Chí Minh.

Tổ chức hành chính lớn nhất: Trong 64 tỉnh thành của cả nước, TP Hồ Chí Minh là thành phố có địa giới hành chính lớn nhất và tổ chức hành chính lớn nhất với 19 quận, 5 huyện, 253 phường, 59 xã và 5 thị trấn.

Hệ thống tổ chức giáo dục và đào tạo nhiều nhất: Thành phố có 508 trường mầm non và trường mẫu giáo; 415 trường tiểu học; 216 Trường trung học cơ sở; 99 Trường trung học phổ thông. Ngoài ra, có 74 trường giáo dục chuyên nghiệp (trong đó có 25 trường đại học, 21 trường cao đẳng), 224 cơ sở dạy nghề và 30 cơ sở dạy nghề của trung ương và 234 trường, cơ sở  dạy ngoại ngữ, tin học, văn hóa ngoài giờ và 8 trung tâm học tập cộng đồng. Riêng giáo dục trẻ khuyết tật ở thành phố có 24 trường chuyên biệt.

TP Hồ Chí Minh có 103 Cty lữ hành nội địa, 9 Cty liên doanh và 86 Cty lữ hành quốc tế và đây chính là thị trường du lịch lớn nhất. Hiện nay, thành phố có 705 khách sạn, nhiều nhất cả nước. Năm 2004, lượng khách du lịch quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh là 1.580.000 lượt người, chiếm khoảng 54% lượng khách đến Việt Nam.

Hệ thống ngân hàng và giao dịch tín dụng nhiều nhất đã góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố những năm qua. TP Hồ Chí Minh có 3 Cty cho thuê tài chính, 20 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 4 ngân hàng liên doanh, 22 văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài, 6 tổ chức tín dụng nhà nước, 16 ngân hàng thương mại cổ phần và trung tâm giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam đang hoạt động tại đây.

Thị trường phát hành sách báo lớn nhất: Năm 1865, tại Sài Gòn đã xuất bản tờ báo đầu tiên của Việt Nam: Gia Định báo. Từ đó đến nay, báo chí tại thành phố ngày càng phát triển và hiện có 40 cơ quan báo chí, xuất bản, phát hành và 120 văn phòng đại diện cơ quan báo chí, xuất bản, phát hành của trung ương và các địa phương khác trong cả nước và 100 siêu thị sách.

Hệ thống chợ - siêu thị - trung tâm thương mại nhiều nhất: Từ khi thành lập vào năm 1698, Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm giao thương của Nam Bộ với việc hình thành hàng loạt các chợ buôn bán sầm uất. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có 163 chợ, 50 siêu thị và 16 Trung tâm thương mại. 

Tòa nhà Saigon Trade Center gồm 34 tầng và 1 tầng hầm để xe, trên một diện tích 54.028 m2tòa nhà cao nhất Việt Nam, được đưa vào sử dụng tháng 7/1997.

Địa đạo Củ Chi là địa đạo dài nhất Việt Nam ra đời năm 1948, được đào đầu tiên tại xã Tân Phú Trung, sau đó phát triển ra các xã khác với chiều dài 40km. Đầu năm 1967, địa đạo được đào thêm với tổng chiều dài 200km.

TP Hồ Chí Minh, khởi nguồn của những kỷ lục đầu tiên:

Khu chế xuất đầu tiên: Là Khu chế xuất Tân Thuận (thành lập 1991) với diện tích 300ha, trong đó đất công nghiệp cho thuê là 195,5ha, được quy hoạch cho các doanh nghiệp tập trung sản xuất các sản phẩm công nghiệp.

Cảng Sài Gòn là cảng biển đầu tiên ở Việt Nam: được xây dựng năm 1860, cách biển 83 km, có diện tích 600.000 m2, gồm 3.000 m cầu tàu, 276.000 m2 bãi chứa hàng và 75.000 m2 các kho hàng bảo quản hàng hóa... mỗi năm khai thác 12 triệu tấn hàng, có sản lượng và năng suất xếp dỡ cao nhất trong cả nước.

Tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam: chạy từ Sài Gòn tới Mỹ Tho, dài 71 km, là cách thử nghiệm cho việc thiết lập hệ thống đường sắt toàn Đông Dương sau này. Ngày 20/7/1885, tuyến đường sắt hoàn thành, tiêu tốn 11,6 triệu frances. Tuyến đường sắt này tồn tại được 73 năm, đến năm 1958 thì bị dỡ bỏ.

Công viên phần mềm đầu tiên ở Việt Nam: là Công viên Phần mềm Quang Trung (Q12) đi vào hoạt động ngày 16/3/2001. Công viên Phần mềm Quang Trung hiện có 65 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đào tạo (32 doanh nghiệp nước ngoài), tổng vốn đăng ký kinh doanh trên 22 triệu USD với hơn 3.300 người đến học tập và làm việc.

Kỷ lục 30/4 này...

Dạ tiệc sinh nhật có nhiều người tham dự nhất: dạ tiệc sinh nhật mang tên “Sài Gòn - ngày tôi 30”, với 5.000 khách mời, trong đó dự kiến có khoảng 1.800 người sinh đúng vào ngày 30/4/1975, đang sống ở trong và ngoài nước. Dạ tiệc sinh nhật tổ chức tại khu du lịch Văn Thánh, bắt đầu từ 17 giờ ngày 30/4/2005.

Sân khấu được chia làm 5 nhánh, mỗi nhánh 100 bàn ăn. Trung tâm sân khấu được thiết kế hình tròn, giữa có một kim tự tháp hình sen, ở mỗi mặt có gắn màn hình lớn để giới thiệu phim và hình ảnh tư liệu về ngày 30/4/1975.

Số lượng đầu bếp đảm trách ẩm thực cho buổi dạ tiệc là 300 người, nhân viên phục vụ 946 người. Thực đơn gồm các món được chế biến từ sen, trang phục của nhân viên phục vụ cũng được cách điệu từ sen - hình ảnh gần gũi với tâm hồn người Việt.

Trong dạ tiệc có chiếc bánh lớn nhất do Cty Kinh Đô sản xuất cao 6 m, đường kính chân 5 m, nặng hơn 5,5 tấn dùng phục vụ cho 5.000 người. Trị giá của chiếc bánh hơn 300 triệu đồng. Tổng Cty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn tài trợ toàn bộ bia trong dạ tiệc.

Lá cờ Tổ quốc lớn nhất Việt Nam: sẽ tung bay trên bầu trời thành phố Hồ Chí Minh ở độ cao từ 50 - 70m bằng 2 quả khinh khí cầu (kích thước 22x18m) nhân dịp lễ 30/4/2005, do Cty TNHH Dịch vụ Chiến Thắng tổ chức thực hiện. Lá cờ Tổ quốc có diện tích 60x30m (1.800 m2) có ý nghĩa: chiều rộng 30 m chào mừng 30 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chiều dài 60 m chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 -  2/9/2005) và tổng diện tích mang ý nghĩa 18 đời vua Hùng đã có công dựng nước.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.