Những lỗ hổng giá nghìn đô

Học sinh lớp 1 trường THCS Quang Trung - Quận Hoàn Kiếm - TP Hà Nội, ngày khai giảng. Ảnh: Phạm Yên
Học sinh lớp 1 trường THCS Quang Trung - Quận Hoàn Kiếm - TP Hà Nội, ngày khai giảng. Ảnh: Phạm Yên
TP - Xin học trái tuyến cho con là thực tế và là nhu cầu chính đáng của nhiều phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, do cầu cao hơn cung khiến nhiều phụ huynh buộc phải tìm mọi cách 'chạy' trường. Nếu không quen biết những người có quyền thì chỉ còn cách...
Học sinh lớp 1 trường THCS Quang Trung - Quận Hoàn Kiếm - TP Hà Nội, ngày khai giảng. Ảnh: Phạm Yên
Học sinh lớp 1 trường THCS Quang Trung - Quận Hoàn Kiếm - TP Hà Nội, ngày khai giảng. Ảnh: Phạm Yên.


Mua suất

Chị P. (phố Đặng Dung, Hà Nội) có cô con gái năm học tới sẽ vào lớp 1. Mục tiêu của chị là xin cho con vào một trường nào đó gần cơ quan chị ở đường Nguyễn Du, để tiện việc đưa đón con. Hộ khẩu nhà chị ở phố Tô Hiến Thành, nếu đúng tuyến, con chị sẽ học trường Tiểu học Bà Triệu – nơi không xa cơ quan chị lắm. Tuy nhiên, ngay trong ý nghĩ, chị cũng chưa bao giờ định cho con học trường này, bởi nó được báo chí nhắc tên nhiều với “thành tích” chật hẹp nhất thành phố.

Trường không hề có sân chơi, tiết thể dục học sinh hoặc phải học ngay trong lớp, hoặc phải học trên vỉa hè. Đã vậy phòng học không tập trung một chỗ, mà nằm rải rác ở 3 địa điểm khác nhau. Có những phòng học chật đến mức chỉ bố trí được lớp học hơn chục học sinh.

Cách đây một năm, chị P. bắt đầu tìm manh mối để chạy trường, nhưng đến nay vẫn chưa mua được “suất” nào. Xung quanh cơ quan chị đều là những trường thuộc diện “đắt giá” của các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. Theo những phụ huynh có kinh nghiệm, giá vào các trường đó phụ thuộc vào thời điểm mua được “suất”, song mức tối thiểu không dưới 1.000 USD.

Gần đây, chị P. làm quen với một người nghe nói là người nhà của giáo viên một trường tiểu học. Người này mới liên hệ được một “suất” rẻ, khoảng 800 USD. Chị P. rất mừng dù chưa thực sự yên tâm, vì còn gần hai tháng nữa mới đến thời điểm tuyển sinh trái tuyến của các trường công lập.

Việc mua suất học cho con không phải là khái niệm xa lạ với hầu hết bạn đồng nghiệp trong cơ quan chị P. Phòng chị có khoảng chục người, nhưng hầu như ai cũng có lý do chính đáng buộc phải cho con học trái tuyến, dù phải chi khoản tiền khá lớn so với thu nhập của cán bộ công chức nhà nước.

Anh H. nhà ở ngay sát trường Tiểu học CV (quận Đống Đa) nhưng không dám cho con học ở trường này bởi anh sợ con mình sẽ nhiễm thói xấu chửi bậy, nói tục như một số trẻ con hàng xóm. Một số người muốn tìm trường cho con gần cơ quan mình để tiện đưa đón...

“Không ai muốn con mình học ở một nơi quá tồi tàn. Có thể không nhiều người có khả năng chi 30 - 40 triệu đồng/năm để con họ được học trường tư, nhưng bỏ 1.000 USD để mua một suất học trong 5 năm, thì nhiều người cố gắng được”, chị P. chia sẻ.

Không “con” thì “cháu”

Từ nhiều năm nay, việc chỉ đạo các trường tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 hằng năm được phân cấp cho UBND và Phòng GD&ĐT các quận, huyện. Căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và số trẻ trong độ tuổi trên địa bàn của từng trường, Phòng GD&ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh cho từng trường. Đến hết ngày 15-7, số học sinh đúng tuyến làm thủ tục nhập học chưa đủ chỉ tiêu thì trường được tuyển học sinh trái tuyến.

Ở các trường “nóng”, danh sách học sinh trái tuyến phải được Phòng GD&ĐT duyệt. Thậm chí có nơi, Phòng GD&ĐT phải xem xét từng trường hợp trái tuyến cụ thể.

Cho dù tuyển sinh trái tuyến là một thực tế, nhưng tiêu chí nào được tuyển trái tuyến lại chưa bao giờ được bàn bạc một cách chính thức. “Đặt ra tiêu chí cụ thể là rất khó. Có thể có một số thuộc đối tượng mình có thể xem xét ưu tiên. Chẳng hạn con cán bộ, viên chức, nhân viên trực tiếp làm việc tại các cơ quan quận là ưu tiên số 1. Tiếp theo là con ruột của các cán bộ làm ở các ngành, bộ trung ương... Các tiêu chí mang tính chất tương đối và cũng chỉ được trao đổi miệng với nhau trong quá trình ngồi xét học sinh trái tuyến của ban tuyển sinh”- bà Đinh Thị Lan Duyên, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết.

Với lãnh đạo Phòng GD&ĐT các quận khác, câu trả lời là tương tự. Song thực tế hầu hết các trường hợp tuyển sinh trái tuyến không phải là con ruột, mà là “cháu”. Thậm chí nhiều trường còn sử dụng các suất trái tuyến như một phần thưởng cho những giáo viên có thành tích trong năm học. “Khi đứng đơn xin học, người có suất khai là xin cho “cháu”, nhưng cháu kiểu gì thì chẳng có hội đồng tuyển sinh nào nhọc công đi điều tra!”, một cán bộ làm trong ngành GD&ĐT cho biết.

Do thiếu tiêu chí rõ ràng nên nhiều quận rất chật vật trong việc hạn chế dòng chảy trái tuyến tràn vào một số trường, khiến quy mô một số trường tiểu học, THCS phình to gấp 5 - 7 lần các trường bình thường. Đặc biệt, nhiều trường gần như mất kiểm soát về sĩ số học sinh trong một lớp.

Chẳng hạn, năm học 2009 - 2010, lớp 1 của nhiều trường nổi tiếng thuộc quận Đống Đa (Kim Liên, Nam Thành Công, Thành Công A...) đều có sĩ số trên dưới 60 HS/ lớp trong khi quy định của Bộ GD&ĐT sĩ số của cấp tiểu học là 35 HS/ lớp. Áp lực về sĩ số chính là cái cớ khiến nhiều giáo viên tiểu học (kể cả lớp 1) phải sử dụng micro để giảng bài.

Còn nữa

MỚI - NÓNG