Những mô hình làng bè

Quang cảnh làng cá bè ở Thổ Chu
Quang cảnh làng cá bè ở Thổ Chu
TP - Quần đảo Thổ Chu (Phú Quốc, Kiên Giang) là ngư trường rộng lớn nhưng giờ nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt. Ðể tồn tại ngư dân ở đây hình thành làng nghề nuôi cá bè giữa biển khơi để thêm yêu và bám biển.

Khoảng chục năm nay, người dân trên đảo Thổ Chu đã bắt đầu nuôi cá bóp trên biển, dần dần trở thành làng bè nổi tiếng. Ông Trần Văn Tân, 51 tuổi là một trong những người đầu tiên nuôi cá lồng bè trên đảo. Hiện tại, ông đang nuôi 3 bè với 1.500 con cá bóp. Ông cho biết, ở đây có lợi thế là môi trường sạch, nuôi cá bè mau lớn, đặc biệt là cá giống tự nhiên, mua từ các ghe cào đánh bắt ở ngoài khơi đem về nuôi nên giá bán ra lúc nào cũng cao hơn ở đất liền hay trong đảo Phú Quốc.

Vụ cá năm ngoái, ông bán với giá 180.000 - 190.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi trên nửa tỷ đồng. Theo ông Tân, vùng biển này có đặc thù là chỉ nuôi cá tự nhiên phát triển tốt còn các loại cá gây giống nhân tạo đem ra đây đều thất bại. “Tôi thử cũng nhiều lần, mua cá bóp ép, thậm chí nhiều loại cá khác đem ra đây nuôi được thời gian rồi cũng bị hao hụt, chết lần hồi hết, thua lỗ nhưng chỉ có duy nhất là cá bóp tự nhiên đem về đây nuôi thì phát triển”, ông Tân nói.

Vùng biển quanh đảo phù hợp với cá bóp, lớn nhanh, ít dịch bệnh. Từ đây, nhiều người dân ở đảo Thổ Chu đã bắt đầu chuyển sang nuôi cá bè này. Đặc biệt, một số người còn bỏ cả nghề đi biển để tập trung nuôi cá bóp. Ông Nguyễn Minh Tuấn, cán bộ nông lâm ngư nghiệp xã Thổ Châu cho biết, dăm năm trước chỉ có vài hộ nuôi nhưng nay đã phát triển lên 46 hộ với 52 lồng bè. Mỗi vụ nuôi khoảng 6 - 7 tháng, cá đạt trung bình 5-8kg/con thì xuất bán, nếu giá trung bình từ 150.000 đồng/kg thì mỗi hộ lãi hàng trăm triệu đồng/vụ.

Những mô hình làng bè ảnh 1 Ông Trần Văn Tân bê con cá bóp

 Một trong những điển hình chuyển sang nuôi cá bóp có cuộc sống ổn định là ông Nguyễn Văn Thắng. Ông quê ở huyện An Biên (Kiên Giang) ra đây lập nghiệp bằng nghề đi biển gần 20 năm. Khoảng 5 năm nay trước phong trào nuôi cá bè bắt đầu hình thành nên ông vừa đi biển vừa nuôi thêm cá bè. Hằng ngày đi biển lấy cá hoặc bán mua thức ăn cho cá bè. Thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Nuôi cá bè thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ mỗi năm nhưng để có thành quả ấy người nuôi cá cực khổ trăm bề. Ông Thắng bộc bạch: “Sóng yên thì khỏe chứ sóng to cực lắm, các bè cá bị giật phải kiểm tra kỹ càng, chưa kể phải lặn kiểm tra thường xuyên xem đáy có bị thủng hay vấn đề gì không”. 

Ông Ðỗ Văn Dừng, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu cho biết, toàn xã có 76 chiếc tàu từ 8 đến 24 CV, chủ yếu khai thác đánh bắt xung quanh hòn đảo như câu cá thu, mực, rạn... với tổng sản lượng khai thác ước đạt 150 tấn. Còn nghề nuôi trồng thủy, hải sản có 52 lồng bè. Bên cạnh đó, toàn xã hiện nay có trên 2.000 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản và hậu cần nghề cá.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.