THƯ TỪ BỈ

Những ngày cấm túc

Nhà một người Bỉ gốc Việt treo cờ cảm ơn ngành y tế
Nhà một người Bỉ gốc Việt treo cờ cảm ơn ngành y tế
TP - Đồng nghiệp cũ báo Tiền Phong thân mến. Tình hình ở nhà thế nào rồi? Bỉ đang đỉnh dịch. Tôi vẫn ổn. Nhưng chắc không lâu nữa đâu. Tôi nhớ nghề báo của chúng ta rất quan trọng chuyện dùng từ. Nên tôi thích từ “bão” một y tá ở Bỉ sử dụng hơn là “toang”. “Bão” còn hi vọng sẽ qua và hồi phục, chứ “toang” rồi lành lặn trở lại thế nào?

Khẩu hiệu của  các nhân viên y tế trong bệnh viện lúc này là “Cố không ốm” và “Đừng để bị như Ý”.

Dân số Bỉ hơn 11 triệu, đã hơn ba nghìn người nhiễm. Ghê chứ. Chủ nhật vừa rồi, Trang ở vùng Lombardy của Ý gọi cho tôi: “Bỉ có thể sẽ như Ý. Tớ gọi để cậu chuẩn bị tinh thần. Không phải chỉ khi Corona xuất hiện mà nhiều năm rồi, trước khi vào mùa cảm cúm cả nhà tớ lại phải uống vitamin bổ sung, tăng cường sức đề kháng”.

CHẲNG AI ĐƠN ĐỘC

Thứ tư tuần qua, tôi đi làm buổi cuối trước khi thư viện đóng cửa cho tới 5/4. Ông thủ thư hỏi: “Cả nhà ổn chứ?”. Tôi gật đầu. Thực ra không ổn lắm. Con gái vừa vào viện. Đắn đo mãi mới quyết định vào viện lúc này. Ổ dịch ở đấy. Trái hình dung, Bệnh viện Heilig Hart ở Leuven vắng khác thường. Y bác sĩ đeo kính, khẩu trang kín mặt. Họ xét nghiệm máu và dịch mũi cho con gái tôi. Rồi kê kháng sinh bảo về nhà điều trị. Tôi hỏi: “Có nên test Corona không”, bác sĩ lắc đầu: “Con bé cảm lạnh, viêm phổi thôi.” Chồng tôi hỏi: “Chắc lúc này các anh bận lắm”. Anh y tá cao lớn hình như đang mỉm cười: “Giờ thì chưa đâu. Nhưng chúng tôi chuẩn bị tinh thần đón bão. Cố gắng không để bị như Ý.”

Các đài phát thanh toàn châu Âu đúng 8h45 sáng thứ Sáu 20/3 đồng loạt phát bài You’ll Never Walk Alone của Gerry & the Pacemakers (bản thu năm 1963) để động viên nhau vượt qua bão Corona. Chẳng ai đơn độc lúc này.

Vậy mà vẫn có lúc cô đơn kinh khủng. Đó là khi tôi mặc áo khoác, mở cửa bước ra ngoài và vỗ tay lúc 20 giờ để cảm ơn và động viên những người trong ngành y tế đang ngày đêm căng sức chiến đấu. Ở phố còn nghe râm ran, trong rừng tiếng vỗ tay của tôi rơi tọt vào bóng đêm tĩnh lặng. Quay vào nhà viết một dòng trạng thái Facebook (FB) còn có người đọc, chứ vỗ tay thế này ích gì? Nhưng ở cõi mạng xanh đèn thâu đêm suốt sáng ấy chỉ thấy “Mộng buồn tênh, tăm tối khắp nơi” (thơ Puskin).

VIỆT KIỀU LÀ VIỆT KIỀU NÀO?

Trong dòng thơ trào phúng mùa dịch phong cách thi hào, chúng tôi bảo nhau thơ Nguyễn Bính buồn cười nhất: Bữa ấy Cô Vy phơi phới bay/Khẩu trang mấy lớp mặt hơi dày/Hội Việt Kiều về ho ngang ngõ/Mẹ bảo: toi rồi, khéo lại lây.

Giễu nhại mình đây. Mức độ này còn cười được. Xa hơn một tẹo, quá đi một tí, chắc giận rồi. Ấy là nói về cuộc chiến Covid-19 trên mạng xã hội. Ngay từ đầu tôi có ý định đóng vai người quan sát. Nhưng, như cô bạn trước cũng làm báo ở Việt Nam với tôi, giờ định cư tại Hà Lan bảo đã gắng nhịn, rồi nhịn không nổi.

Bài viết trên FB của cô mấy ngày nay được nhiều lượt chia sẻ “Thời đại thông tin tràn lan, thay vì chỉ cần nói rõ: Một phụ nữ Việt từ Ba Lan đi Việt Nam gây náo loạn tại sân bay Nội Bài và có lời lẽ thiếu văn hóa vì không được thu xếp đi cách ly như ý muốn, họ đã chuyển tít clip thành: Từ châu Âu về Việt Nam tránh dịch, gây náo loạn ở sân bay! Từ châu Âu là từ đâu? Và làm sao biết bà ta đi Việt Nam lúc này mục đích là tránh dịch? Bà ta mua vé máy bay khẩn cấp trong mấy ngày này để về tránh dịch? Hãng nào đang bán vé?”.

Hai tháng trước, bạn tôi phải mua vé gấp từ Bỉ về Đài Loan. Vũ Hán chuẩn bị phong thành. Đang yên ổn ở châu Âu, lao về vùng dịch làm gì? Mẹ chị đang thập tử nhất sinh. 15/3, một cô em tôi quen cũng từ Ý về Sài Gòn. Lẽ ra chạy gấp vào viện để gặp ba đang hôn mê sâu, em phải lên xe về trại cách li. “Em về chuyến cuối cùng ở Roma. Cũng tính nếu ba tỉnh thì em không về. Nhưng hôm đó là chuyến cuối cùng, phải sau một tháng mới có chuyến mới. Em ở trại được 5 ngày rồi. Nếu không có gì Chủ nhật tuần sau xuất trại, mới được gặp ba. Em cũng ổn. Chỉ hôm nay có một bé bên Anh về được chuyển đi, nếu em đó có vấn đề thì sẽ lo, vì chung phòng từ khi mới vào. Chưa biết em đó có bị nhiễm không vì ở đây họ chẳng thông báo gì hết. Chỉ khi nào đăng lên báo mới biết thôi”.

Những ngày cấm túc ảnh 1 Tác giả tại quê hương thứ hai- thị trấn Rotselaar, Bỉ
Khi sang Bỉ định cư, bằng đại học chuyên ngành Báo chí của tôi chẳng ý nghĩa mấy. Muốn tìm việc, tôi phải học lại. Gần đây, tôi chọn ngành thư viện, cũng là nghề cung cấp thông tin. Nhiều người khuyên nên học cái gì dễ xin việc, chứ nghề thư viện khó lắm. Chỉ dân bản xứ thông thạo, am hiểu ngôn ngữ mới làm nổi. Không sai. Từ việc đánh tên nước Bỉ- Belgie chuẩn chỉ hai dấu chấm trên tôi còn hay quên; nhưng vẫn tâm đắc vì được giảng viên môn Đón tiếp và chỉ dẫn thông tin trong thư viện, nhắc rằng: “Chúng ta có đến hai cái tai để nghe, chỉ một cái mồm để nói. Hãy nghe nhiều hơn trước khi nói”.

CHÚA KHÔNG NÉM ĐÁ

Còn nhớ giai đoạn thực tập tại thư viện một trường cao đẳng, người ta giao cho tôi làm mã mới và nhập lại nội dung bộ giáo trình TOV của nhà xuất bản Pelckmans- tìm hiểu Thiên Chúa giáo qua tranh vẽ cho cấp phổ thông cơ sở. Tôi đã dừng lại rất lâu trước bức tranh có tên Jezus gooit geen stenen- Chúa không ném đá. Jezus cúi mình trước đám đông đang đứng, tay Chúa trỏ xuống mặt đường. Tranh tái hiện câu chuyện Người đàn bà ngoại tình (Tân ước): đám đông muốn ném đá một người đàn bà vì tội ngoại tình. Jezus bèn hỏi Ai trong các ông sạch tội cứ việc lấy đá mà ném trước đi. Nghe vậy, đám đông bỏ đi hết.

Thay vì ca cẩm trách móc, người Bỉ rủ nhau ngồi nhà may khẩu trang tặng ngành y tế. Thay vì chửi bới trên mạng, người ta chạy những status cảm ơn nhân viên siêu thị đã nỗ lực xếp hàng kịp thời lên kệ và dành giờ mở cửa đầu tiên cho người trên 65 tuổi vào mua trước. Nhà trẻ vẫn chăm sóc con cái những người làm việc trong các ngành thiết yếu lúc này, giúp cha mẹ yên tâm trực chiến. Thị trưởng, người đại diện các vùng lên truyền hình cảm ơn dân chúng đã tuân thủ lệnh.

Một trong những Việt kiều “không chạy về nước tránh dịch” mà lao vào vùng dịch là chị Lê Thị Trúc Loan, điều dưỡng viên tại Aarschot (Bỉ). Ngày nào chị cũng có chuyện kể: “Hôm qua vào phòng bà cụ 94 tuổi, thấy cái túi giấy bên ngoài ghi: Mẹ ơi, mọi thứ có ổn không? Chúng con nhớ mẹ nhiều lắm. Ôm mẹ thật chặt và gửi mẹ nhiều nụ hôn”. Hai tuần nay thực thi lệnh gia đình không được vào thăm để bảo vệ người già trong trung tâm dưỡng lão. Chị Loan làm thay phận sự những người con “cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn vì gia đình họ tin tưởng, gửi họ vào nơi này cho mình”. Vitamin đấy chứ đâu.

Đầu tháng này, tôi nhận hợp đồng làm việc tạm thời trong thư viện. Mới được một tuần đã mất việc vì Corona. Rồi lại thấy may mắn chứng kiến những bước chân vội vã dạo khắp các giá sách lo tích trữ nguồn đọc. Ở đây không có cảnh tranh cướp mua giấy vệ sinh. Trước giờ lock down (đóng cửa ngôi nhà) người ta cố gắng vác những chồng sách báo cao vượt mặt. Có cơ hội sống chậm rồi, tranh thủ làm những gì trước đây vì vội mà gác lại. Ngồi nhà cũng bao việc. Ông thủ thư cùng chúng tôi cố chất lên xe nhiều nhất có thể những thùng tài liệu mang về chỉnh sửa. Trước khi đóng cửa thư viện đúng 12 giờ trưa 18/3, ông lật đật chạy vào một lần nữa. Từ khung cửa bên ngoài, tôi thấy ông cầm chiếc bình nhựa màu xanh tưới thêm một vòng cho những chậu cây trong ba tầng thư viện.

Công bằng mà nói, nhờ Covid - 19, chúng ta có cơ hội định nghĩa lại nhiều giá trị. Một Việt kiều Bỉ nhắn tin “Chị ơi, bên Tiền Phong còn in báo giấy không? Nếu có, liệu em có thể đặt báo chuyển về tận nhà cho bố mẹ ở Hà Nội không? Bố mẹ cao tuổi rồi, cô đơn, không thạo công nghệ. Em nghĩ nếu có báo cho các cụ đọc thường xuyên cũng đỡ buồn”. Lũ trẻ nhà tôi thường ngày hay chí chóe. Giờ đoàn kết hơn, cùng làm, cùng chơi. Không chơi với nhau thì chơi với ai? Trường học đóng cửa, bạn thân đều phải ở yên trong nhà theo lời kêu gọi “in uw kot blijven” của bà Bộ trưởng Y tế Maggie De Block.

MỚI - NÓNG