Sài Gòn sau ngày 30/4 trong mắt phóng viên nước ngoài:

Những ngày kỳ lạ nhất trong đời

Những ngày kỳ lạ nhất trong đời
"Những giờ đầu tiên sau khi quân miền Bắc làm chủ Sài Gòn, tôi cảm thấy phấn chấn đến kỳ lạ..." Julian Manyon, phóng viên Đài Independent Radio News viết trong cuốn “The Fall of Saigon” (Sài Gòn sụp đổ)

Không phải ngẫu nhiên mà Julian Manyon lại dùng tiếng Việt để đặt tiêu đề cho chương cuối trong cuốn sách này là “Hoà Bình”.

Dưới đây là hình ảnh Sài Gòn những giờ phút sau ngày giải phóng qua con mắt của Julian.

"... Không còn nỗi sợ hãi và căng thẳng khi những người Cộng sản chứng tỏ họ luôn tuân theo kỷ luật và còn rất thân thiện. Tuy nhiên, buổi tối (30/4) khi tôi về khách sạn một chuyện bất ngờ đã xảy ra khiến tôi phải suy nghĩ.

Cô bé 18 tuổi, con của một người bạn Việt Nam, tự sát vì không thể bay sang nước Mỹ. Đó là chuyện buồn của một gia đình, nhưng những người khác đều nói với tôi họ rất hạnh phúc.

Lễ tân khách sạn tâm sự, anh ta đã chờ đợi giờ phút này từ lâu. Để chứng minh anh ta moi ra từ trong người những mẩu truyền đơn của Việt cộng được cất giữ trong nhiều năm.

Tôi hỏi, anh ta có quen biết một quan chức Cộng sản nào không và nhận được câu trả lời rằng chính người cung cấp bánh mì cho khách sạn nhiều năm qua là một nhân vật Cộng sản quan trọng. Nhìn anh chàng lễ tân khách sạn cười toe toét khi kể câu chuyện ly kỳ này tôi đã phần nào lý giải được chiến thắng của những người Cộng sản.

Một nhân vật khác để lại cho tôi nhiều ấn tượng là anh lính trẻ thuộc Quân đội Sài Gòn thường đứng gác trên các đường phố vào buổi tối trong bộ quân phục đen và mang súng tự động của Mỹ.

Tôi kết bạn với anh lính này vài tuần trước khi quân giải phóng vào Sài Gòn. Những ngày Sài Gòn sụp đổ anh lính biến mất. Hai ngày sau anh ta xuất hiện, vẫn quân phục đen nhưng tay cầm khẩu súng của Cộng sản thay cho súng của Mỹ.

Anh cười và giải thích những người Cộng sản mời anh ta gia nhập vào lực lượng địa phương và cấp súng cùng ruy băng đỏ mà anh đã đính lên vai áo. Anh lính vẫn mặc bộ quân phục cũ vì dường như nó không ảnh hưởng tới công việc mới.

Tuy nhiên, không ít người khác vẫn ở lỳ trong nhà, khoá cửa hiệu và chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Một số người sợ đổ máu, thậm chí vài ngày sau khi Sài Gòn sụp đổ vẫn có người trốn vào bệnh viện và Đại sứ quán của Pháp, nơi Hội chữ thập Đỏ đang cố gắng biến thành khu vực trung lập.

Những ngày kỳ lạ nhất trong đời ảnh 1
Cảnh di tản ngày 30/4/1975

Những người Cộng sản không ngăn cản người dân đang cố trèo tường vào bên trong các khu vực trên. Khi vào được bên trong khuôn viên bệnh viện Pháp, tôi thấy có nhiều người, hầu hết là cựu quan chức chính quyền cũ cùng gia đình. Họ van xin tôi và các đồng nghiệp khác cứu họ.

 Một người đàn ông nói “Nếu chúng tôi ra ngoài bệnh viện, những người Cộng sản sẽ giết chúng tôi”. Chúng tôi cố giải thích với anh ta không hề có chuyện đó, nhưng anh ta không tin.

Đối với các phóng viên ở lại Sài Gòn những ngày sau giải phóng là khoảng thời gian kỳ lạ nhất trong đời. Những người lính Giải phóng đối xử với chúng tôi rất lịch sự trong khi các quan chức dường như không quan tâm lắm đến sự hiện diện của những người nước ngoài như chúng tôi.

 Chúng tôi tự do đi lại khắp thành phố trừ một số khu quân sự, thoải mái pha trò với bất kỳ người lính nào muốn nói chuyện và đi xem các cửa hiệu, chợ búa bắt đầu mở cửa trở lại.Thậm chí chúng tôi còn ra ngoài thành phố, nhưng chỉ ít thôi vì giá xăng dầu chợ đen tăng vọt. Khi ra ngoài thành phố, những người lính Giải phóng vẫy tay chào chúng tôi qua vọng gác. Hàng ngàn người dân bắt đầu trở về nhà. Một vùng đất thật thanh bình.

Tự do đến mức không còn biết phải làm gì, chúng tôi bắt đầu tìm cách tiếp xúc với các quan chức Cộng sản. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi diễn ra tình cờ. Một đoàn quay phim của Bắc Việt cũng ở khách sạn Caravelle, vì gặp sự cố họ đến muộn và không kịp quay phim ngày chiến thắng.

Thứ Bảy (giải phóng Sài Gòn vào thứ Tư-ND), giữa phóng viên hãng thông tấn CBS (Mỹ) có văn phòng đặt tại khách sạn và nhóm làm phim Bắc Việt xảy ra cãi vã. Phóng viên Martin Woolacott (tờ Guardian, Anh) đưa tôi đi tìm một vị “Đại tá” quân đội mà anh “nghe đồn” đang ở gần khu vực Đại sứ quán Mỹ trước đây để nhờ phân giải.

Vị quan chức quân đội này đúng là Đại tá và làm việc cho Uỷ ban Quân quản, nhưng ông không nói tên. Thật bất ngờ khi ông đồng ý đến khách sạn bằng xe Jeep để phân giải cho chúng tôi. Không khí dịu xuống ngay khi vị Đại tá xuất hiện. Ông ngồi nhẫn nại nghe hai bên giải thích và luôn mỉm cười...

Sau sự kiện này, những người Cộng sản có thể đã bắt đầu để ý đến các phóng viên nước ngoài hơn, nhưng chúng tôi vẫn tự do, thoải mái như trước. Giới phóng viên nước ngoài chẳng có gì phàn nàn ngoài chuyện các hệ thống đảm bảo cho sinh hoạt và làm việc hàng ngày hơi thiếu thốn.

Thành phố cũng không xảy ra tình trạng lộn xộn, mặc dù nạn ăn cắp vặt bắt đầu xuất hiện. Những tuần sau đó chúng tôi đi xem cảnh quan chức, binh lính chính quyền cũ tự nguyện ra sắp hàng trình diện những người Cộng sản...

MỚI - NÓNG