Những ngọn nến trên thảm cỏ xanh Thành cổ

Những ngọn nến trên thảm cỏ xanh Thành cổ
Mỗi ngày của cuộc hành quân “Vang mãi khúc quân hành” là một ngày với những sự kiện, nhiều câu chuyện kể lại ấn tượng khó phai cho người trong cuộc và người chứng kiến.

Nhưng cuộc giao lưu giữa đoàn cựu chiến binh với tuổi trẻ và nhân dân Quảng Trị đêm 24/4 tại Thành cổ Quảng Trị lại đặc biệt ý nghĩa. Hàng ngàn ngọn nến được các bạn trẻ Quảng Trị thắp lên khắp nơi trong Thành cổ để tưởng nhớ, mời gọi các anh hùng liệt sỹ về gặp mặt với đồng đội trong cuộc giao lưu hôm nay.

Lê Ngọc Chinh, người có mặt trong bức ảnh nổi tiếng “Nụ cười Thành cổ” do nhà báo quân đội Đoàn Công Tính chụp tại trận địa Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Anh Chinh là người duy nhất trong 6 người của tấm ảnh trở về sau chiến tranh. Anh kể: “Những ngày đó, anh em quanh tôi hy sinh nhiều lắm, chẳng biết tại sao tôi còn sống trở về.

Cậu Lương quê Thanh Hoá lúc trước còn cười đùa, lát sau kêu lên: “Chinh ơi tao mất tay rồi. Tôi nhìn sang, Lương vẫn tỉnh veo nhưng cánh tay đứt rời, đang phun máu…”. Chỗ khác, tôi gặp AHLLVT Nguyễn Thiện Tỉnh quê ở Hà Nam, trinh sát đặc công Trung đoàn 9, Sư 304.

Cuối tháng 5/1972, anh Tỉnh nhận lệnh phối hợp với trung đội đặc công của Mai Quốc Ca chiến đấu trong trận giữ chốt đầu cầu sông Thạch Hãn. Địch chết rất nhiều. Chúng điều thêm một tiểu đoàn vây chặt tứ phía. Nhiều chiến sĩ của ta bị thương và hy sinh. Khi quầng sáng vụt lóa trước mặt anh Tỉnh, mọi thứ vụt tắt. Cả trung đội của Mai Quốc Ca hy sinh. Anh Tỉnh bị thương nhẹ nhưng máu me đầy mặt đầy đầu. Địch chỉ đá anh mấy cái rồi bỏ đi.

Sau trận đánh, người cơ sở của ta ở địa phương đi tìm, lật xác từng người, thấy anh còn sống nên đem về cứu chữa. Anh kể tiếp: “Địch lôi xác các anh ở trung đội Mai Quốc Ca đem phơi trên đường ray xe lửa. Bà con nhân dân đấu tranh liên tục ba ngày, chúng mới cho đem chôn. Riêng tôi may mắn, chỉ bị thương nhẹ nên hồi phục nhanh. Vài hôm sau, tôi quay về đơn vị tiếp tục chiến đấu”...     

Hôm đoàn hành quân đến Ninh Bình. Một chị lớn tuổi ôm bọc quà đứng chờ ngoài sảnh hội trường UBND tỉnh. Chị tên là Nguyễn Thị Vân, quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Chị Vân đi bộ đội năm 1962, khi tròn 15 tuổi và là một nữ chiến sỹ trinh sát dũng cảm.

Nghe đoàn hành quân về chiến trường xưa, chị tìm đến, biếu ba hộp trà sâm: “Để các anh bồi dưỡng dọc đường hành quân”- chị nói. Chị chiến dấu rất dũng cảm. Dũng cảm đến mức, năm 1969, trung đoàn buộc chị phải chuyển sang quân y. Chị cười: “Còn ở đơn vị trực tiếp chiến đấu, tôi đã hy sinh là cái chắc”. 

Ở quân y trung đoàn, chị và anh chủ nhiệm quân y ưng nhau, thành vợ chồng trong tiếng vỗ tay và tiệc bánh kẹo, trà uống đơn sơ mà ấm áp tình đồng đội. Anh quê ở Ninh Bình nên sau hòa bình chị theo lái. Anh chị có năm người con. Các con chị, ai cũng giỏi và phương trưởng. Chị khoe: “Thằng út nhà tôi đang học Đại học Kiến trúc Hà Nội”. Tôi nói: “Nếu không sang quân y, mà hy sinh, nhưng vẫn biết tương lai có thể sẽ thế này, chị có tiếc không?”-Tôi hỏi. Chị nói ngay không cần suy nghĩ: “Tiếc chớ. Nhưng đâu phải tiếc mà bỏ đơn vị chiến đấu”. Phải chuyển sang quân y, chị nằm trên võng khóc ròng mấy ngày. Đơn vị cho người đeo giúp bồng, dẫn lên trung đoàn như áp giải…

Trong thành cổ Quảng Trị, cuộc giao lưu vẫn tiếp tục.  Ngàn ánh nến vẫn lung linh, giờ về đêm càng lung linh và đem đến cho lòng người nỗi niềm khó tả trước tinh thần chiến đấu, hy sinh của những người con đã cống hiến cả tuổi xuân và cuộc đời mình vì độc lập, tự do của đất nước hôm nay. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.