Những người ăn trộm bất đắc dĩ

Những người ăn trộm bất đắc dĩ
TP - Ở bãi bồi cửa sông Bảy Háp, Cái Lớn, thuộc 3 huyện Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển (Cà Mau) đang có hàng nghìn hộ dân sinh sống bằng nghề “trộm tôm cá”…
Những người ăn trộm bất đắc dĩ ảnh 1
Ông Hai Trà Vinh với đống lưới rách sống lay lắt trên bãi bồi

Dù trước đó, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở khu vực này, từ năm 1998 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định nghiêm cấm khai thác thủy sản ở bãi bồi.

Dân xóm liều

Xóm liều Tập đoàn ở ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái (Phú Tân). Dân tứ phương đến đây làm mướn khai thác rừng cho các lâm ngư trường, hết việc làm mướn đành bơi ra bãi bồi kiếm sống. Anh Nguyễn Văn Vẽ, Phó công an xã Nguyễn Việt Khái, phân trần: “Bà con đến tạm trú kiếm sống, chẳng lẽ đuổi đi. Đi đâu?

Bắt bà con phải về miền Trung, ra ngoài Bắc xin giấy tờ tạm trú thì chẳng khác nào hành hạ, làm cho bà con nghèo lại nghèo thêm. Thôi thì dân ở đâu cũng dân mình, bà con sống được cứ ở”.

Anh chị Đặng Bá Côi, Dương Thị Nga ngoài 40 tuổi, có 5 con. 2 con đã có gia đình, có con rồi nhưng vẫn ở chung với anh chị. Chị Dương Thị Nga mở đầu câu chuyện thật buồn: “Cả nhà chỉ có 2 người biết đọc biết viết, còn lại một chữ bẻ đôi cũng không biết”.

Vợ chồng chị ở An Biên, Kiên Giang xuống đây đã 10 năm rồi mà vẫn không ngóc đầu nổi. Lúc đầu vào Lâm ngư trường Sào Lưới làm thuê khai thác rừng, xin gốc, rễ đước hầm than kiếm thêm.

Rừng đóng cửa, vợ chồng chị mua xuồng máy cũ ra bãi bồi đánh bắt cá tôm. Trong vòng 5 ngày bị phạt 4,2 triệu đồng phải bỏ biển lên rừng. Túp lều lá rách nát với gần chục con người không có việc làm sẽ sống sao đây?

Đi bắt dân xóm liều

Ở bãi bồi ban ngày thấy ít xuồng câu, ghe lưới nhưng ban đêm thì vô số kể, như hội trộm cá tôm. Tôi tháp tùng Công an, đội dân phòng xã Nguyễn Việt Khái tuần tra, bảo vệ khu vực bãi bồi.

Chiếc vỏ lãi mũi cao, xé nước lao về phía biển. Vừa ra khỏi cửa sông Bảy Háp, gặp ngay từng tốp xuồng máy, vỏ lãi neo đậu, bồng bềnh trên mặt nước.

Trời tối đen, người dân giăng lưới, đặt lú, đóng đáy mò mẫm. Anh Võ Văn Minh, Trưởng công an xã ghé vào tai tôi: “Bắt dân khai thác trái phép vùng bãi bồi không khó, nhưng làm sao để họ đừng tái phạm thì rất khó, chính quyền bó tay. Hàng ngàn gia đình cư ngụ các kinh rạch, ven biển đều nghèo, không đất đai, không nghề nghiệp thì họ sống sao đây?”.

Người dân ở đây thuộc lòng từng con nước lớn ròng, luồng tôm cá. Nước lớn, nhất là ban đêm, người dân từ các cửa sông, rạch họ âm thầm đưa lưới, câu xuống xuồng máy, chạy ra bãi bồi.

Không phải ai cũng có xuồng máy nên vài gia đình chung  một xuồng máy, đến nơi mỗi người ôm vài chục chiếc lý, vài miệng đáy, vài chục thước lưới ba màn… ùm xuống biển.

Họ trầm mình dưới nước biển, lạnh cóng, đặt lưới, cắm đáy, thả lưới xong lại lên xuồng máy chờ…

Anh Quách Văn Ruộng, 30 tuổi, ở Phú Tân, ngồi co ro trên xuồng, quấn điếu thuốc gò: “Nhà nghèo quá mấy anh ơi. Bảy anh em mà cha mẹ chỉ có mấy công ruộng sống sao được. Tôi có vợ rồi, được một con. Cũng vì nghèo mới xuống đây đi lưới cá. Khó khăn, cực khổ quá, vợ thì ôm con bỏ đi mất rồi”.

Chiếc vỏ lãi tuần tra chưa đầy một giờ đã bắt được 8 xuồng lưới trộm tôm cá bãi bồi.

Ai giúp dân “xóm liều”?

Từ ngày 14/7/2003, bãi bồi được giao cho Vườn quốc gia Mũi Cà Mau quản lý. Anh Huỳnh Văn U - bắt trộm tôm cá ở bãi bồi cho biết: “Họ bảo vệ bãi bồi ít, bán bãi bồi thì nhiều. Ông T, ông K, ông M làm vựa thu mua có quen biết, ai nộp tiền thì khai thác không bị bắt phạt. Còn người nghèo như chúng tôi bị phạt một đêm, phải ăn trộm bảy đêm để bù vô”.

Ông Hai Trà Vinh bị bắt, con rể bị cá đâm sưng chân bằng bắp chuối bị bắt 3 ngày. Trong lúc Trạm Kiểm ngư thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau ăn nhậu mà không giải quyết cho ông về. Ông tự thắt cổ, tự tử. Rất may, con cái của ông la lên, ông được cứu sống mới được thả về.

Còn chị Nguyễn Thị Hai, bị phạt 2 triệu đồng, phải hỏi vay nóng lãi suất 30%/tháng để trả. Nhưng rồi bị phạt phải hỏi vay tiếp với lãi suất cắt cổ 40%/tháng. Nợ nần chồng chất, chủ nợ kéo đến đòi dỡ nhà, lấy xuồng, hốt lưới, chị tự tử bằng cách thắt cổ. Chị được cứu sống nhưng cũng phải bán nhà trả nợ và thuê lại chính ngôi nhà của mình vừa bán.

Chủ tịch xã Nguyễn Việt Khái tâm sự: “Đã có hàng ngàn người bị giải tỏa, trục xuất khỏi bãi bồi, không ổn định được cuộc sống. Không biết bao lần chúng tôi kiến nghị và được hứa nhưng mãi mãi là lời hứa. Chúng tôi không có đất, không có rừng để tổ chức sản xuất, ổn định đời sống cho người dân”.

MỚI - NÓNG