Những người canh kho vàng trắng

Những người canh kho vàng trắng
TP - Bao nhiêu năm, đảo yến Nha Trang vẫn là một bí mật đối với nhiều người. Nơi đây chỉ có những người canh giữ kho vàng trắng của đất nước và những người khai thác được phép lui tới…
Những người canh kho vàng trắng ảnh 1
Chèo thuyền ra điểm chốt

Ngay cả khi tua du lịch Đảo Yến-Hòn Nội mở ra, du khách cũng chỉ được lên Hòn Nội, và nhón chân ngắm nhìn một hang yến ở Hòn Sam, bắt gặp chênh vênh trên vách núi những chiếc lều. Đó là nơi ở của những người canh đảo yến. 

Hiện  Công ty Yến sào Khánh Hòa đang quản lý và khai  thác  yến trên 8 đảo: Hòn Ngoại, Hòn Nội, Hòn Hố, Hòn Chà Là, Hòn Đụn, Hòn Mun, Hòn Nọc và Hòn Xà cừ. Xa nhất về phía Bắc là Hòn Chà Là, cách cảng Nha Trang 27 hải lý, còn xa nhất về phía Nam là Hòn Ngoại, cũng cách cảng Nha Trang một quãng đường như vậy. 

Số lượng đàn chim yến Khánh Hòa ước tính khoảng 500.000 con. Đó là loài yến Hàng, tên khoa học là yến Hông xám (Collocalia Fuciphaga Germani).

Mỗi năm 2 lần khai thác tổ yến. Lần đầu vào khoảng tháng 4 - 5, sau đó chim yến tiếp tục làm tổ lại, đẻ trứng. Chim con nở ra, phát triển, đủ lông cánh để bay vào khoảng tháng 8. Hiện giá một ký yến sào là 60 triệu đồng. Cho nên ngoài việc kiểm tra chặt chẽ khâu khai thác, việc canh giữ các hòn đảo cả bốn mùa, nhất là vào mùa khai thác cần một đội ngũ bảo vệ lên tới hàng trăm người.

Những cuộc đụng độ với những người lợi dụng đêm tối ăn cắp các tổ yến cũng đã từng xảy ra. Thường thì các tàu ngư dân đậu ở xa, lợi dụng đêm tối áp sát các hang yến trong mùa khai thác để lấy trộm. Nếu không phát hiện kịp thời, thiệt hại là không nhỏ.

Đội ngũ bảo vệ  phải sống luôn trên đảo, là những người yêu nghề, chấp nhận sống xa nhà và có sức khỏe tốt. Tối ngày họ sống với biển trời mênh mông, nhất là ở những hòn đảo nhỏ như Chà Là, Hòn Đụn.

Trên các đảo yến không có nước ngọt nên nước, thức ăn và rau xanh phải tiếp tế từ đất liền. Ngoài các đảo nhỏ và đảo Hòn Nội đã phủ sóng di động, việc liên lạc với đất liền ở các đảo khác phải dùng hệ thống vô tuyến điện.

Mỗi đêm, khi chèo thuyền ra chốt ở các chiếc lều chênh vênh trên các mỏm đá, bảo vệ thường xuyên dùng phương tiện liên lạc này. Nhằm cải thiện đời sống công nhân bảo vệ các đảo yến, Công ty Yến sào đã trang bị hệ thống quạt gió tạo điện, xây nhà ở kiên cố  và cung cấp sách báo, tivi.

Tôi đã từng theo tàu ra các đảo nhỏ. Tại đây, những công nhân bảo vệ sống buồn hơn vì đảo không rộng, ngay cả chỗ cập tàu cũng khó. Tôi cũng đã ở cùng các anh công nhân bảo vệ  trên đảo Hòn Nội vài ngày.

Những người canh kho vàng trắng ảnh 2
Công nhân bảo vệ đảo yến Hòn Ngoại

Hàng ngày, các anh có nghề câu cá. Điểm đặc biệt là khu vực quanh đảo yến rất nhiều cá, chỉ cần nhấp câu là có cá để ăn. Các anh  giải trí bằng việc đọc sách báo, xem tivi và sinh hoạt văn nghệ. Thường thì vào lúc chạng vạng, ca trực bắt đầu. Mỗi lều luôn được chia theo ca, chong mắt quan sát động tĩnh.

Giữa mênh mông biển cả, mỗi lều chỉ còn là một đốm lửa nhỏ  thắp từ ngọn đèn dầu, cho cảm giác nhỏ bé của phận người. Đài là người bạn duy nhất trong đêm với người đang làm nhiệm vụ. Âm thanh của Tiếng nói Việt Nam lẫn trong tiếng sóng vỗ trập trùng. Những đêm biển động, tiếng gầm rú ấy của sóng càng ghê gớm hơn.

Trên đỉnh Du Hạ, đỉnh cao nhất của Hòn Nội mà du khách nào tò mò cũng có thể tham quan, có khi gió thổi rất mạnh khiến cho chiếc lều dù đã được níu chặt  bằng dây thừng, dây cáp vẫn có thể rung lên.  Đêm ngủ, công nhân bảo vệ phải cột chân vào cột nhà, vì chỉ lỡ mê ngủ, bước chân ra lều trong bóng đêm là rơi xuống biển.

Anh Võ Văn Cam, một công nhân bảo vệ kỳ cựu ở đảo yến, nay là đội trưởng cho biết, đa số công nhân canh giữ đảo yến là người ở xã Vĩnh Trường, Cầu Đá. Nghề này trở thành một nghề truyền thống và mang tính tập ấm (cha truyền con nối). Việc tuân thủ kỷ luật, yêu biển cả đã trở thành thói quen của họ.

Nếu có một chuyến ra đảo yến, chỉ cần bắt gặp những chiếc lều chông chênh trên những vách đá, bạn sẽ cảm nhận được phần nào công việc của những người làm nhiệm vụ canh giữ kho vàng trắng của  quê hương.

Khuê Việt Trường
Số 6 Nguyễn Thị Định - Nha Trang

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.