Những người không có giao thừa

Những người không có giao thừa
TPO - Trong khi mỗi người chúng ta đang tận hưởng không khí Xuân tươi vui, thì cũng có những con người không có niềm vui ấy. Họ không có Tết, càng chẳng có giao thừa.
Những người không có giao thừa ảnh 1
Thu dọn những cành lộc còn vương vãi sau đêm giao thừa. Ảnh : Đ.H

Qua giao thừa, lượng người trên đường phố vắng hẳn. Cách khu vực bắn pháo hoa ở hồ Ngọc Khánh không xa, nhiều nhân viên Cty Môi trường đô thị đang cần mẫn làm công việc của mình. Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Minh, một người trong số đó. Chị Minh bảo, lần này là lần thứ 5 chị đón giao thừa… ngoài đường. Nghĩ tới biết bao chi phí nuôi hai đứa con ăn học, nên chị cố gắng làm thêm dịp Tết.

2 giờ sáng, chúng tôi vẫn thấy chị cặm cụi  đi nhặt cành cây, túi nilon, vỏ chai vứt tung tóe ngoài  đường. Chị Minh tâm sự: “Biết đây là  công việc của mình, nhưng nhiều khi thấy buồn lắm. Người ta vô tư ném rác ra đường, chẳng có chút ý thức nào, chẳng mong gì họ nghĩ tới những người đêm khuya làm việc như mình!”.  

Còn với trung sĩ cảnh sát giao thông Nguyễn Văn An, đây là năm đầu tiên anh trực chiến đêm 30 Tết. Anh cho biết: “Chấp hành lệnh của cấp trên, năm nay tôi và nhiều đồng đội trực tại khu vực Hồ Gươm để đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân đi chơi Tết Nguyên đán. Tất nhiên ai cũng thích ăn Tết cùng gia đình, người thân, nhưng đã là người lính thì phải chấp hành mệnh lệnh một cách tuyệt đối”. 

Theo đánh giá của anh An, năm nay giao thông đêm giao thừa khá ổn định, phần nhiều do lượng người ở  lại Hà Nội không đông như ngày thường, và  ý thức người dân được nâng cao, cộng thêm lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng khác cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Giao thừa trong bệnh viện

Giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng của một năm. Thế  nhưng, với không ít người, họ phải trải qua thời khắc đó ở nơi mà chẳng ai muốn vào: Bệnh viện. 

Ở Viện Bỏng Quốc gia, chị Lưu Bích Thủy – y tá trưởng cho biết, năm nay Viện có hơn 120 bệnh nhân phải ở lại ăn Tết. Rất nhiều số phận, nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng với chị Thủy, người khiến chị cảm thấy xót xa nhất là cụ Trần Văn Phấn, 71 tuổi, ngụ tại Lào Cai : Gần 10 năm nay cụ lang thang nơi đường phố, tối đến lấy gầm cầu làm chỗ qua đêm. 

Hơn nửa tháng trôi qua, cụ Phấn vẫn nằm lại Viện bỏng với sổ bảo hiểm do chính quyền tỉnh Lào Cai cấp. Ngày ra Viện, cụ sẽ được xe của Viện đưa về Lào Cai, rồi sau đó ra sao, chẳng ai hay biết.

Tại  Khoa điều trị tự nguyện, Viện Nhi Trung ương, trong đêm giao thừa cũng có không dưới 20 bé đang nằm viện cùng bố mẹ. Anh Tô Đức Huy, bố của bệnh nhân Tô Võ Thục An (17 tháng tuổi) cho biết, 20 giờ ngày 29 Tết, bé An bỗng lên cơn sốt nặng khiến hai vợ chồng anh tá hỏa đưa con vào bệnh viện, để lại cô con gái lớn 8 tuổi cho ông bà nội trông. 

Còn nhiều nữa những người không may mắn phải đón thời khắc giao thừa ở những nơi chẳng ai muốn, hoặc trong cảnh chẳng đặng đừng. Chỉ mong rằng, năm Canh Dần sắp tới, nhiều niềm vui và an lành sẽ đến với họ!

MỚI - NÓNG