Những 'người lậu' giữa rừng Phong Nha: Vẫn thế

Những 'người lậu' giữa rừng Phong Nha: Vẫn thế
TP - Bài viết thứ hai về những con người này, chúng tôi muốn gửi đi một thông điệp cảnh báo về việc có một bản biệt lập gồm 13 hộ với 64 nhân khẩu đang tồn tại lậu 15 năm trong vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới (TNTG) Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB).

Cuối năm 2005, Tiền Phong đăng tải ghi chép “Những người lậu giữa rừng già Phong Nha”.

Ngày đó, chúng tôi gọi họ là những người lậu vì gần 15 năm họ không chịu bất cứ một sự quản lý nào của các cấp chính quyền. Không khai sinh, không hộ khẩu, không chế độ, nghĩa vụ, quyền lợi. Và quyền thiêng liêng của công dân là bầu cử, họ cũng chưa từng hay biết...

Những 'người lậu' giữa rừng Phong Nha: Vẫn thế ảnh 1

Những 'người lậu' giữa rừng Phong Nha: Vẫn thế ảnh 2

Những cư dân bản Đòong

Bỗng dưng thành bản

Nhớ cái lần đầu tiên (1999), muốn vào bản Đòong (nằm ở thung lũng Rào Thương, Hang Én thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn QG PN-KB), chúng tôi phải lội bộ ròng rã 8 giờ đồng hồ giữa rừng đại ngàn với những mái dốc thăm thẳm.

Thông điệp mà chúng tôi đưa ra thời điểm đó là bệnh tật, nạn thất học, tệ hôn nhân cận huyết của tám hộ với 49 cư dân của bản. Lần thứ hai (2005), khi có đường Hồ Chí Minh, nhánh tây Trường Sơn kéo dân bản Đòong gần lại.

Từ km 35+500 cắt rừng già chừng năm km nữa là đến bản. Đường rừng sau mưa lũ trơn tuột và sên vắt nhiều như lá rụng. Những mái dốc vẫn thế, dựng đứng đến hụt hơi. Hai tiếng từ lối rẽ, chúng tôi đặt chân đến được ngôi nhà đầu tiên của bản…

Bản Đòong lần này chẳng mấy thay đổi so với lần đầu. Có khác chăng, là những nhà sàn hoai mục và thêm năm ngôi nhà nằm chênh vênh chân núi, và cư dân tăng thêm 15 người…

Ông Nguyễn Sỹ Trắc được coi như là người khai khẩn và mặc nhiên trở thành trưởng bản. Ông nói về lai lịch của bản Đòong “năm 1991 mất mùa. Đói lắm! Bọn tau cứ cắt rừng mà đi. Khi đi chỉ có bốn hộ ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) thôi”.

Những 'người lậu' giữa rừng Phong Nha: Vẫn thế ảnh 3
Ông Nguyễn Sỹ Trắc

Già làng Hồ Văn Bình bổ sung: “Cứ đi, đến mô có khe, có suối, có đất tốt là mình ở. Đi mãi, đến được đây!”. Năm 1992, một trận lũ quét lịch sử, Trường Sơn phải cứu trợ bằng trực thăng. Chẳng còn gì để ăn, người Vân Kiều lại lục tục du canh tìm đến vùng đất này. Cứ thế cho đến giờ, với 13 hộ, tổng cộng 64 khẩu… Lịch sử của bản Đòong chỉ thế.

Nhìn thung lũng bản Đòong ngày đó, chúng tôi không khỏi thán phục già Bình là người có đẳng cấp trong nghiệp du canh du cư. Thung lũng không rộng, bề ngang chỉ khoảng một km, nhưng hội đủ các yếu tố cần thiết cho cuộc mưu sinh.

Đất đai bằng phẳng, màu mỡ, lại gần suối lớn, lọt thỏm giữa đại ngàn nguyên sinh. Cá và thịt thú rừng chưa bao giờ thiếu. Gần 15 năm định cư ở đây chưa năm nào dân bản Đòong đứt bữa.

Di sản bị đe dọa

Khi rừng nguyên sinh cạn kiệt dân bản biệt lập đối mặt với bệnh tật và thiếu đói. Họ lại nghĩ đến việc du canh, du cư. Nội bộ bản Đòong bắt đầu có sự phân hóa. Nhiều hộ chạy về xin tá túc ở bản Khe Ngát. Các hộ khác về bản Rào Con. Mấy hộ còn lại tìm đường về quê hương ở Trường Sơn.

Việc tan đàn xẻ nghé ở bản Đòong khiến cho vùng lõi của Di sản TNTG rơi vào tình trạng nguy hiểm, tạo tiền lệ xấu cho những tộc người vốn đang định cư yên ổn lâu dài nơi đây. Và hậu quả nhãn tiền đã xảy ra.

Những ngày cuối tháng 2/2009, ông Nguyễn Sỹ Trắc (người khai khẩn bản Đòong) dẫn các con trai là Nguyễn Văn Chốc, Nguyễn Văn Chán, Nguyễn Văn Chàn cùng với ba chủ hộ khác rời bản, ra ngay km 14, đường 20, vùng Tràng Ang, là vùng lõi, bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt của di sản. Họ chặt cây phá rừng cúng thổ thần đất đai và dựng nhà tạm.

Những 'người lậu' giữa rừng Phong Nha: Vẫn thế ảnh 4
Hiện trường định lập bản mới ở km 14, đường 20 bị lực lượng kiểm lâm giải tỏa

Theo ông Nguyễn Tấn Hiệp, Giám đốc Vườn QG PN-KB, việc dân bản Đòong ra ngay đường 20 lập bản là do bây giờ đang là mùa giáp hạt, nền kinh tế tự cung tự cấp không còn dồi dào như trước. Thêm nữa, sự hỗ trợ gạo và tiền cho các hộ nghèo trong bản trước tết không đến được với dân.

Cũng theo ông Hiệp, trước mắt, dân bản tạm chấp nhận trở lại bản Đòong. Nhưng ông Nguyễn Sỹ Trắc, người khai khẩn bản Đòong vẫn nuôi dự định và toan tính lập bản mới giữa vùng lõi.

Ông Hiệp cho rằng, việc bảo vệ di sản là việc lớn và quan trọng. Song, việc ổn định đời sống cho bà con dân tộc ở đây là việc cấp bách và lâu dài cần nhiều giải pháp đồng bộ, có tính chiến lược, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Vườn.

* Chiều 4/3 ông Nguyễn Hồng Thanh, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch, nói rằng, để xảy ra tình trạng bất ổn của cư dân bản Đòong, lỗi trước hết thuộc về các cấp chính quyền và tổ chức đảng ở cơ sở.

Gần 20 năm nay họ không thuộc một đơn vị hành chính nào quản lý, chưa có một cuộc khảo sát cụ thể nào để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ để từ đó tính chuyện định cư lâu dài cho họ và bảo vệ bền vững di sản.

Ông Thanh quả quyết, ngày 9/3, ông sẽ cùng một đoàn cán bộ huyện vào bản Đòong, để xử lý dứt điểm tồn tại và vướng mắc ở đây.

* Ngay từ năm 1999, khi phát hiện ra cụm cư dân ở bản Đoòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình có công văn yêu cầu các ban ngành liên quan tổ chức khảo sát và đề xuất phương án giải quyết.

Trong công văn số 05/UB (31/3/1999), huyện Bố Trạch đề xuất vận động đồng bào di chuyển khỏi bản Đoòng, trở về bản cũ hoặc về bản Nà Lâm (Trường Xuân, huyện Quảng Ninh).

Trước mắt, ghép cư dân bản Đòong vào xã Tân Trạch (Bố Trạch ) để phục vụ cho điều tra dân số và nhà ở. Không hiểu sao từ đó đến nay huyện xin nhưng tỉnh vẫn chưa cho.

Đến ngày 11/10/2005, Ban Dân tộc của tỉnh lại đề xuất: Nguyện vọng của dân muốn định cư ở đây. Nếu thực hiện định cư gắn với sản xuất thâm canh, không xâm hại rừng thì nên theo nguyện vọng của đồng bào.

Cho thành lập bản Đòong là một bản độc lập, trực thuộc đơn vị hành chính là xã Sơn Trạch (Bố Trạch) để quản lý hành chính. Cho cư dân bản Đòong được hưởng chương trình 134 và các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn khác để họ ổn định và phát triển...

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.