Những người lính Điện Biên của tôi

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Đại tá Lưu Anh Tuấn (phải)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Đại tá Lưu Anh Tuấn (phải)
TP - Những câu chuyện rất đời mà nhà văn Bắc Sơn chuyển tải trong ký sự dưới đây giúp chúng ta hiểu một góc khác về cuộc chiến vĩ đại của dân tộc. Cuộc đời và số phận của họ góp phần làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu…

Kỳ 1: Hai ông cháu già nhất và trẻ nhất mặt trận

Lần đầu nghe ba tiếng Điện Biên Phủ (ĐBP) là cuối năm 1953, khi gia đình tôi tản cư ở Tân Phong, Hạ Hòa, Phú Thọ. Cho đến cuối cấp 3, giờ sử mới được học về chiến thắng ĐBP.

Sống ở Hà Nội, nghề viết ngẫu nhiên đưa tôi gặp một đại tá rất trẻ, bởi khi tham gia chiến dịch ĐBP anh mới 16 tuổi. Được đi trước chuẩn bị chiến trường nên anh lính báo vụ vô tuyến điện này đi cùng một tốp nữa được ngồi xe tải ra mặt trận.

Được phân về F312 của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn. Được lên máy trực đúng hai phiên. Gần 60 năm đã trôi qua không thể nhớ được đã nhận, đã đánh đi mấy bức điện hay chỉ trực… chờ, trực suông rồi các báo vụ đàn anh lên trực cả.

Số lần trực dầy lên để rút người ra làm nhiệm vụ trung tâm trên toàn mặt trận là đào hào, đào hầm để vừa tránh bom đạn địch, vừa siết chặt vòng vây đánh lấn, nhưng anh vẫn thích được làm bộ binh đánh nhau. Có điều, lính phối thuộc như anh thì chỉ được giao việc này.

Các anh lớn được vác máy bộ đàm to tổ bố sau lưng, lặc lè chạy đứt hơi theo cán bộ, dùng tiếng lóng truyền đạt mệnh lệnh chiến đấu. Thằng địch rất thích nhè vào các anh nã đạn để làm tê liệt thông tin chỉ huy đối phương. Trong lực lượng thông tin thì lính bộ đàm hy sinh nhiều nhất. Đêm qua còn nằm ghếch chân lên đùi nhau vừa ngủ vừa nói mê, gọi mẹ, sáng nay đã hy sinh rồi.

Con người càng được tôn trọng thì càng tự trọng. Có tự trọng thì mới biết giữ mình, biết xấu hổ, biết làm việc thiện, việc tốt.

Cụ Hoàng Đạo Thúy

Anh không được hưởng niềm vui chiến thắng. Chỉ còn mấy ngày nữa đến 7/5 lại được lệnh về Phú Thọ (hậu cứ F312) nhận nhiệm vụ mới. Đấy chính là đại tá Lưu Anh Tuấn (Bộ Tư lệnh Thông tin), cháu ngoại cụ Hoàng Đạo Thúy.

Đại tá Hoàng Đạo Thúy là vị Hiệu trưởng đầu tiên của trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (trường sĩ quan đầu tiên của quân đội ta - nay là trường Sĩ quan Lục quân 1), và là người được giao trọng trách tổ chức, xây dựng nhiều cơ quan đầu ngành của quân đội như thông tin, công binh, vận tải, bản đồ, mật mã, quân huấn mà thông tin là binh chủng cụ làm việc lâu hơn cả.

Cụ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với tư cách Cục trưởng Cục Thông tin. Vì thông tin là đầu mối vô cùng quan trọng phục vụ công tác chỉ huy, thêm nữa, vì tuổi cao nên tháng 1/1954 đi chiến dịch, được ngồi xe Zeep với Đại tướng.

Một lần, Bác Hồ giới thiệu cụ với một vị cố vấn quân sự Trung Quốc. Nghe nói cụ là trùm Hướng đạo sinh, vị kia tròn xoe mắt hỏi lại: - Sao lại để cho một người như thế giữ trọng trách này. Bác quay lại nói với mấy người mình, bằng tiếng mình: “Cái chú này chả hiểu gì cả”. Mà vị này chả hiểu gì thật!

Những người lính Điện Biên của tôi ảnh 1

Bộ đội ta hành quân vào chiến dịch Điện Biên Phủ Ảnh Tư liệu

Cụ vốn là người sáng lập ra Hội Hướng đạo sinh từ đầu những năm 40, được thực dân Pháp cho hoạt động công khai, nhưng thực chất nó là một hoạt động giáo dục thanh thiếu niên sống phải biết trọng danh dự, giúp đỡ mọi người, là bạn thân của mọi người, kể cả súc vật (điều này đến nay ta mới có ý thức giáo dục trẻ em), phải trong sạch trong cả ý nghĩ, lời nói, việc làm, phải thành thật với lương tâm, và trên hết là trung thành với Tổ quốc và cha mẹ.

Trường võ bị thành lập được ít lâu, Bác Hồ đến thăm, huấn thị và tặng nhà trường sáu chữ: Trung với nước - Hiếu với dân. Sáu chữ này đã được các tướng tá cựu học sinh võ bị Trần Quốc Tuấn khóa I, thêu thành bức trướng kính viếng vị Hiệu trưởng đầu tiên khi cụ nằm xuống, giờ vẫn treo trong nhà thờ cụ.

Hướng đạo sinh có tính tổ chức và kỷ luật rất cao, còn người tử tế hay không tử tế thì biết chứ, họ lại là những thanh thiếu niên có học, đã dám “bỏ đô thành nghi ngút cháy sau lưng”, “người ra đi đầu không ngoảnh lại” đi kháng chiến. Cụ chọn những người khá nhất trong số họ, giao nhiệm vụ. Và thực tế chứng minh, họ đã làm tốt, nghĩa là cụ đã chọn đúng. Ngày đầu kháng chiến, ta đã mời cả một số hàng binh Nhật, cả một số sĩ quan trong đội quân “lính khố đỏ” của chính quyền phong kiến ra làm việc.

Về nghỉ hưu, cụ Hoàng Đạo Thúy viết sách, ngoài những cuốn hồi ký về các ngành cụ đã góp phần xây dựng trong quân đội, cụ viết nhiều về Hà Nội như: Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, Người và cảnh Hà Nội, Phố phường Hà Nội… Nhà Hà Nội học này đã nhận được giải thưởng Thăng Long về những đóng góp này. Cụ mất năm 1994, thọ 95 tuổi.

Cụ là Đảng viên Đảng Cộng sản (từ năm 1947). Thực tế chứng minh là, nếu chỉ căn cứ vào thành phần mà giao việc là không đúng. Khi họp Đại hội quốc dân Tân Trào, Cụ Hồ nói với cụ Thúy: - “Tôi giới thiệu cụ là đại diện cho giới trí thức nhớ”.

Cụ Thúy từ chối: “Cụ cho tôi đại diện cho thanh niên thôi ạ”. “Thế thì đêm nay cụ phải làm “trùm lửa trại” đấy” - “Vâng, xin y lệnh. Nhưng thưa cụ, quyền của “Trùm lửa trại” to lắm đấy ạ”.

Cụ Hồ cười, biết cụ Thúy muốn nói gì rồi. Đến phần vui lửa trại, lấy quyền “Trùm lửa trại”, cụ Thúy mời cụ chủ tịch Lâm thời… hát một bài. Cụ Hồ chấp hành luật chơi của Hướng đạo sinh và thật bất ngờ, Cụ hát chính bài hát truyền thống của Hướng đạo sinh, “Anh hùng xưa, nhớ hồi là hồi niên thiếu, dấy binh lấy lau làm cờ, quên mình là vì đất nước…” (nhạc Lưu Hữu Phước, lời Huỳnh Minh Tiểng, hai trong bộ ba Huỳnh - Mai - Lưu. Mai là Mai Văn Bộ).

Chúng tôi đã đến thăm căn hầm của Ban Thông tin chiến dịch, cố hình dung người lính già nhất mặt trận đã làm việc trong điều kiện khó khăn thiếu thốn thế nào. Lại nhớ tới lời kể của cháu ngoại cụ.

Ngày 23/8/2003, đại tá Lưu Anh Tuấn cùng đoàn cựu binh bộ Tư lệnh 559 đến chúc sức khỏe Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân dịp sinh nhật thứ 93 của ông (25/8/1911).

Đại tá thưa với Đại tướng rằng, ông được ông ngoại mình kể rằng, trong cái đêm chuẩn bị nổ súng đánh Điện Biên, theo như kế hoạch ban đầu, Đại tướng phải đưa ra quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy quân sự của mình, chắc việc Đại tướng thuyết phục vị trưởng đoàn chuyên gia quân sự nước bạn (về việc lùi ngày nổ súng lại, thay đổi hẳn phương châm đánh) cũng không dễ dàng gì, và chắc thái độ của ông cố vấn lúc đầu cũng không mấy dễ chịu, nên Đại tướng có bảo ông ngoại anh, tối nay anh sang kể chuyện cho họ nghe cha ông ta đã đánh thắng quân Nguyên như thế nào. Ông ngoại anh có chút phân vân, thế thì quá bằng chửi họ còn gì. Đại tướng bảo, anh cứ kể cho họ nghe.

Điện Biên Phủ toàn thắng có một phần đóng góp không nhỏ của việc tổ chức hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến, hữu tuyến, thông tin vận động và tín hiệu thông suốt trên toàn mặt trận, giữa mặt trận ĐBP với các mặt trận khác trong toàn quốc, với chiến trường toàn Đông Dương, giữa Bộ Tư lệnh chiến dịch với Bác Hồ và Trung ương. Sau này, chuyển ngành, cụ được điều về làm Hiệu trưởng trường Cán bộ Dân tộc Trung ương, chính là cụ được trở về nghề cũ của mình – nghề dạy học.

Trong cuốn sách Nghề thầy, cụ nói rõ quan niệm của mình về giáo dục: con người phải được tôn trọng, không phải tôn trọng chung chung mà là tôn trọng cụ thể, từng người cụ thể. Con người càng được tôn trọng thì càng tự trọng. Có tự trọng thì mới biết giữ mình, biết xấu hổ, biết làm việc thiện, việc tốt, không làm việc xấu.

(Đón đọc tiếp trên Tiền Phong số 118 ra thứ 2 ngày 28/4

MỚI - NÓNG