Những người phục sinh trên đảo Bạch Long Vĩ

Những người phục sinh trên đảo Bạch Long Vĩ
Nói đến thanhniên xung phong trên đảo Bạch Long Vĩ, ai cũng nghĩ đến sức trẻ và tinh thần tình nguyện, ít ai biết, nhờ sức mạnh của tình người, có những người một thời lầm lỡ đã tìm lại được chính mình, làm lại cuộc đời...

Họ là 2 công dân “đặc biệt” của đảo Thanh niên đang nỗ lực cùng với những người con ưu tú của đất cảng Hải Phòng quyết tâm bám trụ, ăn đời ở kiếp trên mảnh đất cách đây 20 năm chỉ có gió, bão và cỏ dại sinh sống…

Số phận lại mỉm cười

Trong suốt thời gian 5 tiếng trên chuyến tầu cao tốc Bạch Long từ cảng Hải Phòng ra đến đảo Bạch Long Vĩ, tôi có dịp trò chuyện với “nữ tướng” Đào Thị Vinh- Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Hải Phòng.

Dường như tôi đã khơi đúng nguồn tâm sự của người phụ nữ có tiếng là cứng rắn, quyết đoán nhưng rất đỗi dịu dàng, tình cảm này, chị Vinh tiết lộ: “Đây là bí mật tuyệt đối không tiết lộ với giới báo chí trong suốt 12 năm kể từ ngày đầu tiên (năm 1993) chị đưa thành viên “đặc biệt” đầu tiên ra đảo”.

Đó là chuyện về 2 con người một thời là đệ tử của…ma tuý hiện đang là hội viên của Liên đội TNXP Bạch Long Vĩ, đơn vị trực thuộc Tổng đội TNXP Hải Phòng.

Chị Vinh bộc bạch: “Đối với mình, đó là sự thành công lớn nhất về tình người của lực lượng TNXP khi mang lại cuộc sống đầy ý nghĩa cho những con người đã từng là…đồ bỏ đi. Nhưng không phải ai cũng hiểu và thông cảm cho điều đó”.

3 giờ chiều, tầu vừa cập cảng, tôi hỏi thăm anh Vũ Khánh Định (sinh năm 1976), người phụ nữ chỉ ra âu cảng nói: “Cứ thấy cái gã to cao không mũ, nón gì trên xe công nông là hắn đấy”.

Định đang hăm hở chở hàng theo yêu cầu của khách. Dưới cái nắng cháy da, Định chỉ mặc chiếc áo cộc tay, quần lửng, đi dép lê cứ thế vật lộn với chiếc công nông.

Nhìn nước da đen bóng  không ai có thể ngờ rằng Định xuất thân từ một gia đình khá giả ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), đã tốt nghiệp du học ở Úc và bố từng là giám đốc của một cơ quan làm ăn phát đạt. Từ Úc trở về, với vốn kiến thức và ngoại ngữ thành thạo, ngoại hình khá, Định trở thành hướng dẫn viên du lịch hàng đầu ở Hà Nội từ năm 1995.

Định kể lại quãng đời đen tối: “Dính” ma tuý suốt 7 năm ròng từ năm 1996 đến 2003, đi làm được đồng nào đốt theo làn khói trắng đến đó”. Đã nhiều lần cắt cơn nhưng cứ đi làm là Định lại tái nghiện trong nỗi xót xa của người thân khi hàng ngày phải chứng kiến sự trượt dốc của người con từng là niềm tự hào của cả gia đình. Năm 2003, 2 người phụ nữ đã làm thay đổi số phận Định.

Người yêu anh, phóng viên một tờ báo ở Hà Nội đã tìm mọi cách khuyên anh ra đảo. Và người thứ 2 là chị Đào Thị Vinh, lại một lần nữa “bí mật” nhận Định vào lực lượng của mình khi anh vừa cắt cơn trước đó vài tháng

Xa phố phường nhộn nhịp lại quen được mọi người chiều chuộng, Định buồn bã và trống vắng đến nao lòng, những lúc đó chỉ ước ao có tàu cập bến… Thế nhưng, chưa giây phút nào Định cô đơn bởi quanh anh, có rất nhiều bạn bè sẻ chia. Những khó khăn vì thế mà vơi đi và khi tàu hú còi, Định dẹp được ý định “bỏ chạy”.

“Chưa ở đâu và chưa bao giờ mình được sống trong thứ tình cảm chân chất của bạn bè như ở đây. Ngay cả khi đêm xuống, mình lang thang ngoài bãi cũng có những người bạn thức giấc đi theo lắng nghe những trăn trở rồi tìm cách giúp đỡ mình.

Chính những cánh tay, tấm lòng nhân ái ấy đã giúp mình vượt qua ma tuý. Mình có đủ sức mạnh vượt qua cuộc chia tay sau 6 năm gắn bó với người yêu để gắn bó với đảo” - Định chân thành bộ bạch. Định giờ đây toàn tâm, toàn ý với tổ ấm của riêng mình.

Nhìn anh chăm sóc đứa con gái đầu lòng 9 tháng tuổi trong vòng tay rắn rỏi, thân hình vạm vỡ, săn chắc với sự điềm tĩnh, không ai có thể nhận ra “gã công tử” quen được nuông chiều. Ngoài công việc của Tổng đội, chạy xe công nông mỗi tháng Định thu được 2-3 triệu đồng lo cho gia đình.

Chỉ sau 2 năm xây dựng gia đình, trong căn hộ rộng hơn 100m2 được Liên đội phân cho, vợ chồng Định đã sắm được khá đầy đủ tiện nghi. Gian phòng khách với tivi, tủ lạnh, tủ gỗ. Gian bếp ngăn nắp có bộ đồ nấu bếp gas, khu vệ sinh khép kín với bình nóng lạnh…làm tôi không khỏi ngạc nhiên vì đó là ước ao của nhiều gia đình trẻ trên đất liền.

Định chặn ngang dòng suy nghĩ của tôi và rút ra trong hộc bàn tập tài liệu, vừa để lên bàn vừa nói: “Làm gì cũng phải có bằng chứng hẳn hoi. Đây là xét nghiệm máu, xét nghiệm sinh hoá, nước tiểu. Còn tờ này là kết quả điện tâm đồ.

Tất cả đều chứng minh một điều: tôi đã đoạn tuyệt với ma tuý”. Liếc thấy ngày xét nghiệm 1/7 mới đây, tôi ngạc nhiên hỏi: “Tại sao anh lại phải kỳ công ra Hà Nội để làm việc dường như “không còn ý nghĩa” này nữa?” Định bảo, đó là việc xoá đi nỗi khổ tâm nhất của anh vì chính mẹ đẻ anh vẫn chưa tin có ngày anh đổi đời mặc dù đã đôi, ba lần bà ra đảo. 

Ánh sáng ở cuối con đường

Những người phục sinh trên đảo Bạch Long Vĩ ảnh 1
Anh Lê Đức Tính và vợ con  

Tôi tìm đến nhà Lê Đức Tính- kẻ tự nhận đã gây bao tội lỗi vì nghiện ma tuý, nhưng anh đang đi buông lưới ngoài khơi. Chị Trương Thị Thu, vợ anh bảo phải đến 12 giờ đêm anh mới về. Và câu chuyện với nhân vật “đặc biệt” đầu tiên ra đảo chỉ được bắt đầu vào 5 giờ sáng hôm sau.

Vừa gặp, Tính khoe với tôi, tối qua anh và người bạn gỡ lưới được 20kg cá dìa, bán nhanh cũng được 10.000đ/kg. Sau 8 tiếng trên biển, mỗi người cũng có 100.000 đồng về “nộp” cho vợ. Rồi người đàn ông gần 50 tuổi có nước da đen cháy và ánh mắt đỏ ngàu vì mỗi ngày chỉ ngủ có 4 tiếng đồng hồ bắt đầu kể về cuộc đời mình.

Tính cũng từng có gia đình nhưng suốt 3 năm anh đắm chìm với nàng tiên nâu (từ 1990-1993). Khuyên can thế nào cũng không xong, túng quẫn người vợ ôm đứa con mới 3 tuổi bỏ đi. Gia đình suy kiệt, không thể chịu nổi đau khi đứa con ngày ngày lên cơn vật vã, ông cụ thân sinh của Tính đột ngột qua đời. Trong giây phút tỉnh táo, anh quyết định đổi đời và nộp đơn tình nguyện ra Bạch Long Vĩ. Chỉ một mình chị Vinh biết hoàn cảnh của Tính và chị đã “lo toan mọi bề” để xếp anh trong chuyến đầu tiên TNXP ra đảo năm 1993

Sau 5 năm lao động miệt mài, cần mẫn như chú ong thợ trên khắp các con đường, công trình trên đảo, số phận lại mỉm cười với Tính khi lấy được người vợ xinh đẹp và đảm đang nhất đảo (năm 1998). Chị Thu quê ở Thanh Hoá, một lần tình cờ đến Bạch Long Vĩ bán hàng thay người chị họ đã gặp Tính.

Anh kể: “Chúng tôi yêu nhau trong sự xét nét và phản đối dữ dội của cả 2 gia đình. Ai cũng nghi ngờ liệu tôi có gây thêm đau khổ cho cô ấy nữa không? Và rồi, tình yêu đã chiến thắng tất cả”. Hai đứa con trai đẹp như thiên thần, có nước da trắng trẻo của mẹ, có sự khoẻ khoắn của người cha nô đùa trước sân nhà trong ánh mắt yêu thương của anh chị. Hạnh phúc của 2 người thấm thoắt đã được 8 năm. Anh vẫn nói với bạn bè rằng mình là kẻ trúng số độc đắc trong canh bạc cuộc đời.

Lê Đức Tính được thừa kế lô đất rộng 280m2 ở quận Ngô Quyền (Hải Phòng) trị giá trên 2 tỷ đồng thế nhưng anh vẫn ở lại đảo sinh sống. Anh khẳng định: “Phải biết lao động thì đồng tiền làm ra mới có ý nghĩa. 4 bề nơi đây là biển, trừ ngày bão cấp 5, cấp 6 trở lên đành phải nghỉ. Còn lại cứ lúc nào có gió nam thì chuyển sang mạn bắc buông lưới và ngược lại, ngày nọ bù ngày kia cũng đủ tiền nuôi gia đình”.

Vừa tiếp chuyện tôi, chốc chốc anh Tính lại chạy ra hiên chỉ bảo đám thợ xây. Chiều ngày hôm trước, anh chị quyết định “khởi công” xây dựng thêm một căn nhà mới vì thường xuyên có khách ra thăm. “Mình rất muốn giữ đất cho mỗi đứa 1 mảnh để khi lớn lên, chúng lại gắn bó với đảo. So với ngày đầu ra đảo, 2 người chung 1m² lều tạm bợ thì với mình, đây là giấc mơ có thực khi tìm được ánh sáng ở cuối con đường hầm tăm tối” - anh Tính tự hào nói.

Chiều ngày chúng tôi về đất liền, anh Tính cũng ra tiễn chị và 2 đứa nhỏ lên tầu về ở tạm với bà nội. Anh Tính bảo, nhà bắt đầu xây nên bụi bặm lắm, đành phải để 3 mẹ con “di cư”, khi nào nhà xây xong, cả gia đình kéo ra đảo ăn mừng luôn một thể.

.....

Nếu ai đã đặt chân lên đảo vào những năm 1990 hẳn còn nhớ khi đó ngoài cây đèn biển được xây dựng kiên cố, còn lại đều là lều lán tạm bợ, mỗi khi bão nổi lên, tất cả như sắp bị cuốn tung.

Bây giờ, trên huyện đảo Thanh niên đầu tiên của cả nước, hàng ngàn mét vuông nhà mới xây ngói đỏ au nằm ven trục đường bê tông nối khu TNXP với trung tâm huyện đảo. Cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… mọc lên với thiết kế hiện đại, tiện nghi.

Tôi không thể tin vào mắt mình khi đi giữa công viên có cái tên “Tuổi trẻ Sông Hồng” với hàng chục loại hoa được mang từ đất liền ra đang đua nhau khoe sắc… Để có cơ ngơi này, bao mồ hôi, công sức của tuổi trẻ TNXP đã đổ xuống. Trong đó có anh Tính, anh Định, những con người không chỉ góp phần xây đảo mà còn xây lại chính cuộc đời mình.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".