Những nỗi đau lặng lẽ

Những nỗi đau lặng lẽ
TP - Những câu chuyện có hệ lụy từ ma túy sẽ được Tiền Phong phản ánh, là chuyện về người đàn ông bị chính hai đứa con mình cướp và ngồi khóc bên đường ray; một con nghiện khi không còn tiền chích hút tháo cả bàn thờ mẹ mình, lấy sắt đem bán...

Những người thực hiện loạt bài viết này mong muốn mọi người, nhất là những bạn trẻ chưa từng dính vào ma túy, đừng bao giờ thử, dù chỉ một lần, vì rất có thể sau lần đó bạn sẽ trở thành một - người - khác.

Bài 1: Cướp tiền cứu đói của bố

“Cướp, cướp! Ối giời ơi, cướp!” - Tiếng hô hoán như một sự tuyệt vọng. Rồi mọi người xô đến vây quanh. Một trong số những người ấy nhận ra ông và những đứa con. Người ấy nói, “con ông ấy chứ ai đâu mà cướp”. Trong giây lát, tất cả lặng đi, rồi vòng người giãn ra…

Những nỗi đau lặng lẽ ảnh 1
Một nạn nhân của ma túy bị sốc thuốc trên đường phố ở Bắc Giang

Hình ảnh một ông già ngồi khóc bên đường ray cạnh bến tàu cứ ám ảnh, cứa vào lòng tôi bao điều day dứt. Ông già ấy vừa bị hai thằng con của mình, thằng anh ôm lấy bố, thằng em lục túi bố để lấy đi những đồng tiền vừa được tổ dân phố cứu đói,  mang đi mua ma túy!

Đó không phải là lần duy nhất ông Hòa bị hai thằng con trấn lột. Trong căn nhà nhỏ tồi tàn mà gia đình bốn người của ông cùng sống, chẳng còn thứ gì đáng giá. Căn nhà ấy có tới hai người nghiện và hai người già đau ốm liên miên. Sự đau ốm của hai người già không phải chỉ do trái nắng trở trời thường thấy mà có một nỗi đau khác lặng lẽ thấm vào tâm can họ, sự hư hỏng của những đứa con.

Thằng An năm nay ngoài ba mươi và thằng Bình, hai mươi bảy tuổi, từng là niềm hy vọng của ông bà Hòa. Ông bà Hòa không kỳ vọng con mình giỏi giang, đỗ đạt mà chỉ mong chúng khỏe mạnh, biết làm biết ăn, khi lớn lấy vợ vun vén gia đình chăm sóc con cái. Vậy mà chúng lại mắc nghiện, từ bao giờ. Do đâu, ông bà Hòa không biết.

Những nỗi đau lặng lẽ ảnh 2

Lúc đầu là thằng anh, sau đó đến thằng em. Đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Ban đầu hai thằng con ông thay nhau mang trộm đi bán, sau chúng lấy công khai.

Có lần, hai đứa hè nhau ôm chiếc ti vi cũ mang bán lấy tiền hút chích,  ông Hòa giận điên người lao vào giữ lấy chiếc ti vi thì thằng An ôm chặt lấy bố còn Bình thì ôm ti vi phóng vù ra cửa, bà Hòa bị hất văng ra đất khóc lóc thảm thiết.

Hai ngày sau, thằng Bình mò về nhà nhưng không dám vào. Nó đứng ngoài hiên nhà ngó vào trong. Dưới ánh sáng mờ đục của bóng đèn hai nhăm oát, nó thấy bố mẹ nó, mỗi người một bên giường cứ ngồi yên lặng. Họ không nhìn nhau, cũng chẳng nói với nhau câu nào. Nó cũng lặng im, mắt rân rấn nước.

Những lúc không đói thuốc, cả An và Bình đôi khi cũng biết dằn vặt bản thân, xót thương bố mẹ, nhưng đó chỉ là khoảnh khắc thoáng qua.

Cách đây mấy năm, cán bộ phường và tổ dân phố xuống thăm hỏi gia đình và đưa tiền cứu đói giáp hạt. Họ vừa về, An và Bình lao vào bố lấy cho bằng hết hai trăm nghìn mang đi mua heroin chia nhau.

Hôm sau, ông Hòa đến nhà tổ trưởng dân phố giọng run run: “Lần sau nếu các bác thương chúng tôi thì cho chúng tôi bằng gạo, chứ cho tiền thì chúng nó lấy sạch”. Ông tổ trưởng tổ dân phố hiểu ngay sự việc, mấy hôm sau lại cử người mang hai chục cân gạo đến cứu đói. Người mang gạo vừa về, hai thằng con thiếu tiền hút chích lại ôm bao gạo đi, chỉ bớt lại cho ông bà hai bát, đủ để nấu bữa tối.

Những chuyện đó, ông Hòa nín lặng, cắn răng không nói. Nhưng không hiểu sao, hàng xóm của ông Hòa lại biết và nói với ông tổ trưởng tổ dân phố: “Lần cứu đói sau thì các bác đừng đi đông người, đừng đến nhà ông Hòa mà hai thằng con nó biết. Hãy cử một người thôi, giả vờ sang nhà tôi chơi, tôi sẽ gọi ông Hòa sang”.

Những nỗi đau lặng lẽ ảnh 3
Các bị cáo trong phiên tòa xét xử đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy

Lần cứu đói năm sau, đích thân ông tổ trưởng dân phố mang tiền đến nhà hàng xóm của ông Hòa như kế hoạch. Ông Hòa được gọi sang và trong lúc uống nước, ông tổ trưởng kịp giúi vào túi ông Hòa chiếc phong bì hai trăm nghìn đồng.

Ông Hòa vừa nói vừa khóc, đại ý rằng ông chẳng bao giờ quên sự cưu mang đùm bọc của bà con trong phố, rằng ông sẽ mang ngay số tiền này gửi bà bán gạo, mỗi bữa sẽ ra lấy một ít về nấu. Ông tổ trưởng dân phố ra về. Ông Hòa cũng về nhà mình.

Hai thằng con ông không có nhà. Ông Hòa khấp khởi mừng thầm đi dọc theo đường ray, hướng về phía chợ. Ông đang dự tính sẽ đến hàng bà bán gạo, sẽ nói với bà hoàn cảnh của ông, rằng ông sẽ gửi bà số tiền này, mỗi bữa sẽ bảo bà Hòa ra lấy một ít gạo.

Toan tính khốn khổ ấy chưa kịp hoàn thiện trong ý nghĩ thì ông Hòa bỗng thấy có ai đó ôm chặt lấy mình. Ngoảnh lại là thằng Bình. Theo phản xạ, ông rờ vào túi, nơi có hai trăm nghìn đồng. Ngay sau đó, thằng An cũng đã thò tay vào, bẻ tay ông ra để tước lấy số tiền trong túi.

Hai thằng con ông đã làm được điều chúng muốn, cướp tiền đong gạo của bố rồi lao tọt vào con ngõ tối. Ông Hòa gào lên: “Sao chúng mày không chết đi cho tao nhờ. Giết tao đi, giết cả mẹ chúng mày, cho chúng tao đỡ khổ”.

Sau những tiếng gào thét ấy, như một người vừa bị lấy đi toàn bộ sức lực, ông sụp xuống bên thanh tà vẹt. Đường tàu với hai thanh ray chạy song song, ông ngồi phệt giữa hai đường song song ấy mà khóc.

Nghe câu chuyện của ông Hòa, một người trong xóm an ủi bằng một chuyện buồn khác, chuyện về một gia đình có ba người nghiện.

Một trong ba người nghiện ấy, khi không còn gì để bán từng lấy hết chấn song cửa sổ, bán hết rồi lại dỡ cả bàn thờ mẹ để lấy hai thanh sắt chữ V làm theo kiểu chân quỳ dạ cá mang đi bán sắt vụn. Bàn thờ mẹ đặt dưới đất, kê bằng hai hòn gạch. Trước khi rời nhà để bán hai thanh sắt chữ V lấy tiền mua thuốc, kẻ nghiện ấy đã nghẹn ngào: “Con xin mẹ, mẹ hãy tha cho con. Kiếp sau con không làm người nghiện nữa”.

Những nỗi đau lặng lẽ ảnh 4

Không chỉ gieo rắc cái chết trắng, ma túy còn mang lại nhiều hệ lụy đau lòng.
Ảnh: Đỗ Sơn

Ba đời buôn ma túy, ba đời tang tóc

Ở Phố Tràng, huyện Lục Nam (Bắc Giang) nhiều người biết câu chuyện về gia đình ông Thân. Cả ba thế hệ trong gia đình ấy đều dính ma túy.

Bố ông Thân là người giàu có từ thời Pháp thuộc nhờ buôn bán thuốc phiện và cũng là một con nghiện nàng tiên nâu. Mẹ ông, trước đây là một người con gái có nhan sắc nhưng con nhà nghèo. Khi còn trẻ, bà làm nghề chở đò thường đưa khách đi chợ, từ Cẩm Giàng lên Tràng Giáo để buôn bán.

Tính đến tháng 6/2009, toàn tỉnh Bắc Giang có 1.299 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chức năng, con số này còn thấp hơn rất nhiều so với thực tế.

Tỉnh Bắc Giang cũng có 498 người phạm tội và nghi vấn phạm tội về ma túy, trong đó chủ yếu là đối tượng có hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy. 

Trong những lần đi chợ ấy, bà thường neo đò trước cửa nhà bố ông. Rồi hai người lấy nhau. Vào một gia đình giàu có, những tưởng cuộc đời bà sẽ có những ngày an nhàn hạnh phúc. Ai ngờ nỗi khổ đau lại gấp hàng trăm lần những vất vả khi còn là cô gái chở đò.

Công việc của bà là hàng ngày giặt giũ, cơm nước. Thời gian còn lại là túc trực bên chồng phục vụ cho việc hút xách thuốc phiện. Không chỉ sống trong cảnh con sen, người ở, bà còn hứng chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết khi con nghiện thiếu thuốc. Không chịu nổi cảnh đó, mẹ ông bỏ trốn vào một đêm đông giá lạnh.

Rồi trong một lần lên Sơn La lấy hàng, bố ông bị bọn cướp thổ dân đánh cho một trận nhừ tử và cướp hết tiền bạc. Bố ông Thân trở về nhà và sống vật vờ được mấy tháng thì chết, để lại cho ông nghề buôn thuốc phiện! 

Từ khi mẹ bỏ đi, bố chết, không tiền bạc, ông Thân rời nhà ra đi lang thang. Trong những ngày đi bụi, ông gặp một phụ nữ chuyên đi chợ buôn bán hàng tạp hóa từ Bắc Giang lên Tràng Giáo. Người phụ nữ này đã có một đời chồng và ba con riêng. Về sống với ông Thân, bà sinh thêm bốn người con nữa, hai trai, hai gái.

Khi trở về khu phố cũ, ông Thân không trực tiếp đi mua bán ma túy mà thuê người lấy hàng, giao hàng. Không ít những người làm thuê của ông bị công an bắt quả tang trên đường vận chuyển.  Bọn chúng được ông truyền nghề và đều trở thành con nghiện.

Tung hoành ngang dọc, gieo rắc cái chết trắng trong nhiều năm, ông Thân cũng phải gánh hậu quả. Đứa con lớn của ông chết vì sốc thuốc, con trai thứ bị nhiễm HIV giai đoạn cuối. Trong nhà lúc nào cũng bao phủ một bầu không khí chết chóc. Vào một đêm dông gió, ông Thân đột quỵ. Căn nhà ấy càng thêm tan hoang, lạnh lẽo.

Câu chuyện vẫn không dừng ở đó, năm 2006, Linh - con gái ông Thân cũng bước tiếp vào con đường tội lỗi của bố và các anh, kéo theo cả chồng vào con đường buôn bán ma túy và bị công an bắt vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Nhằm cứu con trai, con dâu, bố chồng của Linh đứng ra nhận hết tội lỗi về mình. Năm 2007, toà án tuyên phạt ông mức án tù chung thân, còn Linh lĩnh mức án tử hình, trong khi chồng Linh vẫn đang bỏ trốn.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

-----------------------------

Còn nữa.

MỚI - NÓNG