Những phận đời sau lũ dữ

Những phận đời sau lũ dữ
TP - Cơn lũ đi qua, để lại làng xóm tiêu điều với biết bao đau thương, tang tóc. Hàng ngàn căn nhà đổ nát, bị nước lũ cuốn trôi. Nhiều người không còn chỗ dung thân, sống lay lắt trên mảnh vườn tan tác.

Phóng viên Tiền phong tiếp tục ghi nhận ở vùng rốn lũ hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Nước mắt nơi rốn lũ

Nhà của chị Nguyễn Thị Dung (xóm 8) nằm cạnh bờ sông Tiêm. Căn nhà chị được xây từ năm 2004, hết 5 triệu đồng. Bà con chòm xóm láng giềng thương đôi vợ chồng nghèo khó, người cho tấm phên, kẻ cho vài tấm gỗ, viên gạch. Vì thế trong xóm 8 Phú Phong, họ gọi đó là căn nhà tình thương.

“Chiều 7/8, mưa như trút. Mẹ con tôi ngồi trong nhà, chờ cho trời tạnh để sang nhà ông nội. Nhưng mưa mỗi lúc càng to, nước từ sông tràn vào dữ dội, thoáng chốc đã dâng ngập vườn - Chị Dung kể - Nửa đêm, nước tràn vào nhà, hai mẹ con phải trèo lên xà nhà và cất tiếng kêu cứu”.

Sáng 8/8, trời vẫn mưa không dứt. Nhìn xuống làng, mọi ngõ xóm đã chìm trong màn nước trắng xoá. Căn nhà của chị Dung đã biến mất, nhà của bố mẹ chị cũng đổ sụp. Mấy bao tải chị gói ghém đồ đạc cất trên xà nhà giờ mất sạch. Chị Dung trắng tay.

Thành phố Hà Nội vừa thông báo gửi đến các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đăk Lăk mỗi tỉnh: 400 triệu đồng, tỉnh Lâm Đồng: 300 triệu đồng, tổng số tiền 1,5 tỷ đồng do nhân dân Thủ đô và các cơ quan, tổ chức ở Hà Nội quyên góp, để chuyển đến thân nhân những người bị nạn, góp phần khắc phục hậu quả của cơn lũ và sớm ổn định đời sống. H.H

Gạo thóc trôi theo dòng nước, được mấy gói mỳ tôm cứu trợ chị nhường cho con. Không có cái ăn, cô thợ may đành phải lần ra thị trấn Hương Khê ngửa tay xin ăn. Ai cho gì chị nhận nấy để cầm cự qua cơn khốn khó.

Anh Nguyễn Tăng Thống, Công an viên xã Phú Phong nói: “Thương lắm các anh ạ! Thóc gạo ướt hết rồi, nhiều người đói, mỳ tôm cứu trợ xã phát đến đâu hết đến đấy.

Tôi vào làng đưa mỳ tôm cho trẻ em, chúng bóc ra, nhai sống”. Phú Phong đã cấp cho dân 2 đợt mỳ tôm cứu đói. Toàn bộ 22 xã, thị của Hương Khê chìm trong mưa lũ, sân Ủy ban huyện nước ngập trên 1m và hầu hết giếng nước ăn của dân bị ô nhiễm nặng.

Anh Thống dẫn chúng tôi đến nhà cụ Nguyễn Thị Thành. Vừa đến đầu ngõ đã nghe tiếng khóc ai oán cất lên. Anh Thống bảo: “Cụ Thành mất nhà, mấy hôm nay chẳng thiết ăn uống gì, khóc không còn nước mắt. Cụ ông lăn ra ốm, nằm li bì, không gượng dậy được”.

Cụ Thành khóc: “Vợ chồng tôi có hai chiếc chăn bông, giờ lũ cuốn mất rồi. Bát đĩa xoong nồi cũng mất sạch, gạo trong nhà chẳng còn lấy một hạt”. Cụ lò dò lần ra thị trấn, một người dân cảm thương hoàn cảnh khó khăn, cho cụ mảnh vải bạt. Cụ Thành đem về nhà dặn con: “Khi trời hửng nắng lấy tấm bạt này mà thưng cho bố con nằm kẻo gió lùa lạnh lắm!”.

Cụ Thành bảo cháu trai Nguyễn Văn Nhi: “Bà sức yếu, chẳng thể đi xin ăn được. Cháu đi lên xóm trên, xin nắm cơm bà cháu mình ăn cho đỡ đói”. Thành chạy vòng quanh làng, xin được bơ gạo, cộng với mấy gói mỳ tôm xã phân phát, bà cháu lót dạ.

Nhà anh Nguyễn Phúc Hậu kế bên cũng thảm hại chẳng kém gia đình cụ Thành. Năm ngoái anh Hậu được Ngân hàng cho vay 5 triệu đồng để xóa đói giảm nghèo, vợ chồng anh dốc hết vốn liếng vào nghề mộc. Nước lũ đổ về, bao nhiêu gỗ lạt và đồ dùng bị cuốn trôi khiến anh Hậu thành người trắng tay. Không còn chỗ ở, vợ con anh phải dắt díu nhau về quê ngoại.

Tình người sau lũ

Lúc này nước sông Gianh không còn hung dữ như con quái vật của hai ngày trước, dù nó vẫn đang quạch đỏ, sau khi đã gây ra những nỗi đau thương mất mát phía thượng nguồn.

Sáu chiếc ca nô cứu hộ đưa đoàn kiểm tra của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu nhằm hướng Châu Hoá, Văn Hoá (Tuyên Hoá) rẽ sóng.

Đây là nơi trận đại hồng thủy kinh hoàng vừa tàn phá không thương tiếc cả người và của. Những thân cổ thụ bị lật nhào. Những căn nhà sập nát chổng chơ. Những đứa trẻ như chưa kịp hoàn hồn, áo quần tả tơi, ngơ ngác như chưa kịp hiểu điều gì vừa xảy ra. Đất sạt lở lấn sâu vào làng hàng chục mét nham nhở, ối đỏ thê lương.

Cả Châu Hoá như qua những trận B52 rải thảm. Tiêu điều và đổ nát. Cây cối ngả nghiêng trên những lối đi ngập bùn đọng. 100% số ngôi nhà của gần 1.200 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu, bị ngập trắng xoá. 53 ngôi nhà bị sập và 5 ngôi bị nước lũ nhấn chìm và cuốn trôi.

Vượt qua những thân cây đổ ngổn ngang và lỏng chỏng giường chiếu, lách vào một lối mòn nhỏ đầy bùn đất, chúng tôi đến nhà của anh Ngô Khắc Huynh, nạn nhân xấu số trong cơn đại hồng thủy. Một không khí đau thương tang tóc, ngôi nhà đã bị nước lũ xoá băng.

Giờ trên nền đất, hàng xóm đã dựng tạm một lều bạt nhỏ. Ba bát nhang nghi ngút hương trầm. Tiếng khóc của những người thân thảm thương không dứt.

Hàng xóm kể lại rằng trong cái đêm định mệnh ấy, nước lũ ào tới cuốn sập căn nhà của anh Huynh và cuốn luôn 5 thành viên của cả gia đình gồm vợ chồng anh Huynh và ba đứa con. May thay, 2 cháu bị nước cuốn trôi gần 3 km  được người dân phát hiện và cứu sống.

Còn anh Huynh và vợ là chị Trương Thị Tuyết cùng một cháu bị lũ dữ nhấn chìm. Mãi đến khi nước rút người ta mới tìm được xác của họ. Những đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ không còn đủ nước mắt để khóc người thân.

Chúng trân trối nhìn vào di ảnh của người đã khuất và chỉ đủ sức nấc lên từng tiếng. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng xúc động nắm tay từng đứa trẻ và nói những lời sẻ chia với nỗi đau quá lớn này.

Chúng tôi trở về Văn Hoá. Nơi đây lũ dữ hoành hành cũng không kém gì Châu Hoá. Cũng với cảnh ngổn ngang ngập ngụa bùn đất, một Văn Hoá thơ mộng, trữ tình bên bờ sông Gianh giờ đây biến dạng hoàn toàn.

Cả xã có 37 ha lúa và 9 ha đậu xanh, chỉ qua đúng một đêm đã bị nước dữ cuốn phăng. Chỉ vài chục con trâu trong tổng số 1.300 con sống sót. “Đầu cơ nghiệp” không còn, dân đã khổ giờ sau lũ còn khổ gấp nhiều lần.

Chúng tôi trở lại tìm gặp bà Nguyễn Thị Tới, 73 tuổi, hai ngày trước đây, khi nước còn dâng cao, bà ngồi vậy canh quan tài của chồng là cụ ông Trần Tiến qua đời vừa khi cơn lũ ập đến. Hai vợ chồng bà không có con cái. Tài sản quý nhất của ông bà là con bò.

Thấy lũ về ông dắt bò lên cao lánh nạn, không may ông bị nạn để lại bà cô quạnh tuổi già. Hàng xóm láng giềng đã đưa ông về yên nghỉ. Bà vẫn ngồi trân trân nhìn ra ngõ.

Biết bao thân phận, bao hoàn cảnh thương tâm như thế sau lũ dữ mà chúng tôi chưa đến được. Gần 700 gia đình hiện đang trong cảnh màn trời chiếu đất. Nhà cửa đã bị nhấn chìm và cuốn trôi trong lũ. Họ đang sống ở những thời khắc khó khăn và nghiệt ngã nhất của cuộc đời.

Lũ dữ vừa đi qua, hàng triệu tấm lòng đang hướng về sẻ chia mất mát và đau thương cùng họ. Hàng trăm chuyến hàng cứu trợ đã và đang đến. Cả cộng đồng đang truyền hơi ấm tình người cho người dân 60 xã trong vùng lũ nơi đây. Lũ dữ đã đi qua nhưng tình người vẫn còn đó tình người.

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.