Những thiên thần bị bỏ rơi: Tên con là… Vô Danh

Em bé Vô Danh bị bỏ rơi trong lavabo nay đã có tên mới: Nguyễn Thành Nhân
Em bé Vô Danh bị bỏ rơi trong lavabo nay đã có tên mới: Nguyễn Thành Nhân
TP - Trong hồ sơ bệnh án ở các bệnh viện, không ít các bệnh nhân nhí được ghi là “Vô Danh” vì bị cha mẹ bỏ rơi lúc vừa mới chào đời. 

Chuyện của bé “Vô Danh”

Vừa thay tã, vừa tranh thủ nựng đôi má phinh phính của Vô Danh (một em bé bị bỏ rơi), cô điều dưỡng trẻ Nguyễn Thị Kim Tiền (25 tuổi), Khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố nhớ như in ngày đầu tiên tiếp nhận bé Vô Danh.

“Hôm đó là ngày 9/5/2020, người dân ở xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh, TPHCM) đưa đến bệnh viện một trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn, dây rốn vẫn chưa cắt. Lúc tiếp nhận bé, tôi nghe người dân kể con bị bỏ rơi tại bồn rửa mặt của một khách sạn, mẹ là ai chẳng biết. Từ đó, con được gia nhập luôn hội bé yêu “Vô Danh” của các ba mẹ là y bác sĩ khoa Sơ sinh BV Nhi đồng Thành phố” - chị Kim Tiền tâm sự.

Trên chiếc giường nhỏ có miếng tấm giấy dán với dòng chữ ghi tên bé: “Vô Danh”. Các điều dưỡng cho biết, bé Vô Danh thường thiêm thiếp ngủ, thi thoảng nhoẻn cười khi có người đến gần.

Cách Vô Danh một chiếc giường, một “thiên thần” khác cũng bị bỏ rơi gần 2 năm nay, đang nằm nhìn ra phía cửa sổ có bầu trời xanh thẳm. Tên con là Nguyễn Đặng Thanh Tâm. Thanh Tâm được mẹ đưa đến khám rồi… gọi mãi không thấy. Từ đó Thanh Tâm trở thành “con” của các y, bác sĩ tại bệnh viện này.

Chị Nguyễn Thu Thảo - điều dưỡng chuyên hồi sức sơ sinh cho biết, Thanh Tâm sinh non, lúc nhập viện đã bị viêm phối dẫn đến xuất huyết, hở hàm ếch, bất thường nhiễm sắc thể hiếm gặp 1/25.000 trường hợp. Bình thường trẻ thường chết trong bụng mẹ hoặc sinh ra ít ngày nhưng… vẫn sống. Dù mẹ bỏ rơi nhưng chúng tôi vẫn tích cực điều trị, vá môi hở cho bé. Hiện bé Tâm vẫn phải thở thường qua khai khí quản.

Những thiên thần bị bỏ rơi: Tên con là… Vô Danh ảnh 1 Những em bé bị bỏ rơi được yêu thương, chăm sóc trong vòng tay các điều dưỡng

“Dù chậm phát triển nhưng Thanh Tâm vẫn nhận ra các cô chú mỗi ngày đều đến chăm sóc, cho ăn, nựng nịu… Con đã mọc được mấy chiếc răng cửa be bé, mỗi lần cười rất đáng yêu. Do sức khỏe của con nên bệnh viện không thể chuyển con đến các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, mà tiếp tục chăm sóc ở bệnh viện. Đến nay con đã ở “ngôi nhà” này được 16 tháng, cân nặng hơn 12 kg” - điều dưỡng Thu Thảo kể.

Điều dưỡng Đinh Anh Dũng (khoa Cấp cứu BV Nhi đồng Thành phố) kể về một trường hợp mới xảy ra gần đây, đứa trẻ bị bỏ rơi ven đường ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (TPHCM). “Hôm đó đầu tháng 6/2020, khi có người báo tin, chúng tôi lập tức đến hiện trường. Trong suốt hơn 3 năm làm nghề, em chưa gặp một ca nào như thế này. Tua trực hôm ấy cũng chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng rất thương tâm như vậy. Người mẹ sinh con xong bỏ ngoài đường còn ướt sũng nước mưa, rốn còn chưa cắt đang có dấu hiệu nhiễm trùng, hoại tử; chưa kể kiến còn bu cắn. Đứa trẻ không có bất cứ đồ dùng cá nhân hay thông tin liên lạc nào được để lại” - điều dưỡng Dũng cho hay.

Lại thêm một đứa trẻ “vô danh” gia nhập ngôi nhà BV Nhi đồng thành phố như thế. Sau gần một tuần điều trị tại khoa Sơ sinh, tình trạng nhiễm trùng rốn và toàn thân của bé đã cải thiện, bé được sưởi ấm, tập bú sữa tốt, lanh lợi và ổn định sức khỏe dần. BV và chính quyền địa phương đã và đang cử người theo dõi tình hình và tìm người thân của bé, nhưng… vô vọng!

Bệnh viện không bỏ

14 năm trong nghề điều dưỡng, chứng kiến nhiều trường hợp trẻ bị bỏ rơi trong bệnh viện, chị Thu Thảo tâm sự: “Cha mẹ có thể bỏ con nhưng bệnh viện không bỏ, chúng tôi luôn tận tình chăm sóc đến khi các con khỏe mạnh, rồi sẽ chuyển đến trung tâm nuôi dưỡng. Hy vọng nơi đó, các con sẽ tìm được gia đình mới cho mình”. Chị Thảo cũng cho biết thêm, mặc dù bệnh viện đã rất cẩn thận trong việc lưu giữ hồ sơ sản phụ nhưng thực tế một số sản phụ khi vào sinh nở đã cố tình khai sai địa chỉ nên rất khó để liên hệ với người thân khi trẻ bị bỏ rơi.

Chưa lập gia đình nhưng Kim Tiền rất có kỹ năng chăm trẻ nhỏ, một phần vì công việc, một phần xuất phát từ tấm lòng thương cảm cho những số phận kém may mắn của các con. “ Vì không có nhiều thời gian nên những bé ở đây mình chỉ bế những lúc khóc thôi, còn phải tự nằm là chính, cho nên các bé phải thích nghi dần dần chứ không nhõng nhẽo như những đứa trẻ khác” - Tiền bộc bạch.

Theo các điều dưỡng viên, mỗi em nhỏ bị bỏ rơi, khi vào đây đều được đặt một cái tên với hai chữ “Vô Danh”, nghe kỳ quá. Đến cây cỏ còn được gọi tên, sao trẻ con lại là vô danh? Thế là những cái tên Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Bình An, Đặng Thanh Tâm, Nguyễn Thiên Phú… lần lượt được đặt cho các em. Mỗi em đều có cái tên nhiều ý nghĩa, với hy vọng sau này cuộc đời sẽ được như tên.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện được chăm sóc cẩn thận, sau 30 ngày không ai đến nhận mà trẻ có sức khỏe bình thường, đạt cân nặng từ 2,5 kg trở lên sẽ được chuyển danh sách sang Sở LĐTB-XH TPHCM. Sở sẽ căn cứ vào tình trạng các trẻ, lập danh sách đưa các cháu vào các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi do Sở quản lý.

Chị Nguyễn Thị Lệ Huyền - Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức Sơ sinh BV Nhi đồng thành phố trải lòng: “Mình chỉ muốn nhắn nhủ đến các bậc làm mẹ, nếu không muốn có con ngoài ý muốn thì phải biết cách ngừa thai, chứ đẻ xong rồi bỏ con như thế này tội nghiệp lắm. Dù mình cũng thông cảm có nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhưng là cha, là mẹ, đừng để những đứa con bé bỏng vừa chào đời đã là trẻ mồ côi”.

Thương những đứa trẻ không cha không mẹ, bị bỏ rơi nơi đây, chị Huyền cùng các đồng nghiệp tại Khoa Hồi sức Sơ sinh hết lòng yêu thương, chăm sóc. Với từng trường hợp, mọi người đều nhớ tên, nhớ từng đặc điểm của các bé, nhiều biệt danh thân thương cũng được các cô đặt cho.

“Lúc chia tay các con để đưa vào nơi nuôi trẻ mồ côi, cô nào cũng bịn rịn, quyến luyến cả. Có cô sau này còn thường xuyên lui tới trung tâm nuôi trẻ để thăm lại các bé, mình chỉ mong bố mẹ sau này có suy nghĩ lại mà đến đón chúng về” - chị Huyền nghèn nghẹn nói.           

“Những đứa trẻ bị bỏ rơi đều bị mắc bệnh. Các bé được bố mẹ hoặc người thân đem đến bệnh viện và được làm hồ sơ nhập viện, nhưng chỉ vài giờ sau khi làm hồ sơ thì thân nhân không còn nữa. Chúng tôi phát loa gọi không thấy họ đâu. Chúng tôi vẫn lưu lại đó địa chỉ và số điện thoại của gia đình các cháu. Nhưng khi liên lạc chúng tôi nhận được câu trả lời ngắn ngủi "tôi bỏ" rồi cúp máy, sau đó gọi lại không được. Quả thực đau lòng” - BS điều trị Lê Anh Thi cho biết.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".