Những thủ tục “ngáng chân” TPHCM

Kẹt xe tại TPHCM ngày càng trầm trọng nhưng nhiều dự án hạ tầng bị kéo dài do thủ tục.
Kẹt xe tại TPHCM ngày càng trầm trọng nhưng nhiều dự án hạ tầng bị kéo dài do thủ tục.
TPO - Đó là lưu ý của giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường tại hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM diễn ra vào ngày 28/6.

Theo ông Cường, tình hình giao thông tại TPHCM những năm qua có nhiều cải thiện nhưng do số phương tiện tăng nhanh đang tạo áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông. Trong khi đó, các dự án phát triển hạ tầng giao thông triển khai ì ạch vì thủ tục đền bù giải tỏa hết sức nan giải, đặc biệt là ở khâu xác định giá đền bù theo thị trường.

“Theo Luật Đầu tư công, các dự án có số vốn hơn 10.000 tỷ đồng đều phải thông qua Chính phủ để đưa ra Quốc hội cho ý kiến. Nhiều dự án phát triển giao thông lập dự án cách nay mấy năm khi chưa có luật này và giá trị dưới 10.000 tỷ đồng. Do thủ tục đầu tư, rồi cách tính giá đền bù giải tỏa quá chậm và qua nhiều khâu, nhiều thủ tục đã kéo dài bốn, năm năm, giờ tính toán lại đã lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Ở mức đầu tư này phải qua Chính phủ và Quốc hội phê duyệt, nhanh cũng phải mất vài năm nữa mới triển khai thực hiện được. Sự chậm trễ này làm mất cơ hội của TPHCM, tăng vốn đầu tư và gây bức xúc cho người dân về chậm trễ đền bù”, ông Cường cho biết.

Tư lệnh ngành giao thông TPHCM cho biết đầu tư xây dựng hai tuyến đường vành đai hiện cũng gặp nhiều khó khăn về thủ tục đầu tư, nguồn vốn nên nhiều năm qua chưa thực hiện xong, trong đó đường vành đai 2 còn gần 10 km với nguồn vốn lớn để giải phóng mặt bằng, tiếp tục thi công. Còn vành đai 3 thì chưa triển khai được mét nào.

Ông Cường đề nghị TPHCM có giải pháp mạnh hơn nữa về thủ tục đầu tư, kiến nghị với Trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn để đẩy nhanh tiến độ mới bảo đảm yêu cầu phát triển giao thông những năm tới.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng nguồn ngân sách chỉ bảo đảm được hơn 30%, phần lớn còn lại phải huy động từ xã hội hóa và thu hút đầu tư nước ngoài. Để thực hiện 7 chương trình đột phá, TPHCM cần hơn 320 ngàn tỷ đồng nhưng nguồn vốn chỉ có khả năng đáp ứng được hơn một nửa, phần còn lại chưa biết huy động từ đâu.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM cho rằng tình trạng thiếu vốn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Trước mắt, TPHCM cần có kiến nghị Quốc hội điều chỉnh các luật hiện hành theo hướng mở cho một đô thị đặc biệt như TPHCM bởi hiện nay TPHCM bị chi phối bởi Luật Đầu tư công. Dự án nào trên 10.000 tỷ đồng là phải thông qua Quốc hội với trình tự các bước đầu tư mất rất nhiều thời gian.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, nguồn vốn cho đầu tư phát triển hiện nay đang rất bức bách. UBND TPHCM cần tổ chức hội nghị chuyên đề về vốn đầu tư cho TPHCM để có những nhận định rõ hơn nhu cầu và cơ cấu vốn cho từng ngành và từng lĩnh vực cũng như các phương thức huy động vốn, trong đó phải đặc biệt chú trọng đến huy động nguồn vốn từ hợp tác công-tư (TPP).

MỚI - NÓNG