Những tờ truyền đơn “thắp lửa” trong Cách mạng tháng Tám

TPO - Trong những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay, ông Lê Đức Vân, Trưởng ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu như được sống lại thời tuổi trẻ đầy kỷ niệm. Ông đã cùng những đoàn viên thanh niên cứu quốc có mặt trên khắp các ngóc ngách của Hà Nội để tuyên truyền, vận động nhân dân, rải truyền đơn…

Theo yêu cầu của thường vụ Trung ương Đảng, Đoàn Thanh niên cứu quốc phải tăng cường các hoạt động trong lòng địch, tập trung vào việc vận động, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân ủng hộ Việt Minh. Ban Thanh vận được thành lập gồm 5 người đều ở tuổi còn rất trẻ và hầu hết đang là học sinh trường Bưởi.

Những tờ truyền đơn “thắp lửa” trong Cách mạng tháng Tám ảnh 1
Những tờ truyền đơn “thắp lửa” trong Cách mạng tháng Tám ảnh 2

Truyền đơn rải trong lòng địch

Do sự săn lùng hết sức gắt gao của lính Pháp và mật thám nên việc in truyền đơn phải rất bí mật. Theo ông Lê Đức Vân, trung ương chỉ giao chủ trương còn nội dung cụ thể của truyền đơn, mẫu mã do anh em làm trực tiếp tự nghĩ ra bám theo yêu cầu của tình hình. Ví dụ trước khi Nhật đảo chính Pháp thì khẩu hiệu là “Việt Nam độc lập”, “Đánh đuổi Nhật-Pháp”, “Đả đảo bù nhìn”…

Lúc đầu truyền đơn in bằng thạch, bằng đá ẩm nhưng sau đó nhờ sự giúp đỡ của Nhà in “Ký con Đoàn Trần Nghiệp” nằm tại phố Mai Hắc đế bây giờ nên chất lượng khá hơn. Ông chủ nhà in bị chết sớm nên con trai ông là anh Nguyễn Đình Thụ, học sinh trường Bưởi cùng với ông Vân nên đã ra tay hỗ trợ.

Từ đầu năm 1944, mặc dù binh lính địch tăng cường lùng sục nhưng truyền đơn vẫn xuất hiện tại nhiều nơi ngay giữa khu đông người khiến quân địch hết sức bất an. Có 3 tổ rải truyền đơn, mỗi tổ từ 3-4 người hoạt động bí mật, các tổ viên nhiều khi không biết tên nhau. Chỉ nhận lệnh và truyền đơn rồi lặng lẽ lên đường làm nhiệm vụ.

Ông Lê Đức Vân cho hay, để tăng sức ảnh hưởng, truyền đơn tập trung rải ở nơi đông người như chợ, trường học, rạp hát, trên tàu điện. Việc rải truyền đơn được tổ chức khá chặt chẽ. Trước khi rải phải có đội viên đi nắm tình hình, có người canh phòng từ xa, ngay khi kết thúc phần kêu gọi người dân ủng hộ Việt Minh, lập tức truyền đơn được tung ra. Sau đó nhóm rải truyền đơn rút ngay trước khi mật thám xuất hiện.

Những tờ truyền đơn “thắp lửa” trong Cách mạng tháng Tám ảnh 3

ông Lê Đức Vân

Để tránh sự phát hiện của mật thám, truyền đơn còn được bí mật cài vào ngăn bàn học sinh trong trường học. Rải trên tàu điện thì thường phải có 2-3 người, vừa khống chế không cho tàu điện mở cửa, không dừng đỗ đón khách, vừa tuyên truyền. “Đã có rất nhiều sự cố xảy ra khi rải truyền đơn, thậm chí đụng độ với cả lính Nhật, mật thám. Lúc đó an hem đều mặc áo in hai màu để khi bị phát hiện có thể thay màu áo từ trong ra ngoài đánh lạc hướng địch”, ông Vân nói.

Ông Vân kể: Có một chuyện mà tôi nhớ tới bây giờ đó là khi rải truyền đơn và dán áp phích tuyên truyền tại một số khu vực  thì hầu hết bị bóc gỡ ngay, mất nhiều thời gian và công sức của anh em. Cả nhóm họp bàn và quyết định phải trừng trị tên mật thám đã bóc gỡ các tấm áp phích đó. “Ngay tại nhà riêng của tên mật thám ở Làng Cót, chúng tôi đã dí súng và quát lên “anh có tội với Việt Minh” và yêu cầu phải dán lại toàn bộ áp phích của Việt Minh nếu không sẽ bị trừng trị. Kể từ đó, tên mật thám không dám bóc gỡ áp phích tuyên truyền”, ông Vân kể.

Bà Phan Thị Phúc, phu nhân cố Bộ Trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cho biết, bà tham gia cách mạng từ khi 15 tuổi và sống với người chú là ông Phan Tư Nghĩa ở số nhà 75 phố Hàng Gai. Khi đó năm 1944, ông Phan Tư nghĩa thường liên lạc với đồng chí Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt và bà có nhiệm vụ đưa tin và canh gác cho các đồng chí họp. Năm 1945, bà Nguyễn Thị Phúc tham gia Mặt trận Việt Minh do chị Trang Anh giới thiệu, làm tổ trưởng rồi chấp hành liên tổ. Bà Phúc thường được tổ chức giao cho truyền đơn đi dán ở các phố.

“Tôi nhớ mãi một lần nhận được truyền đơn để trong túi xách, tôi đi từ phía Cửa Nam về đến Hàng Bông thì thấy đầu Hàng Bông gần phía Hàng Gai, lính Nhật đã chăng dây để khám xét những người đi qua xem có mang truyền đơn và vũ khí không.

Quay lại, phía sau gần Cửa Nam, lính Nhật cũng đã vây kín, không biết làm thế nào, sau chợt nghĩ ra tôi vào luôn một cửa hàng trên phố Hàng Bông nhét tập truyền đơn vào khe tủ rồi đi ra qua chỗ lính Nhật khám…Sự xuất hiện của truyền đơn tại nhiều địa điểm đông người, trong trường học cũng là cách thể hiện hoạt động mạnh mẽ của Việt Minh và khiến quân địch nhiều phen khiếp sợ.

Với những đoàn viên thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, những ngày như con thoi hoạt động trong lòng địch thực sự là những kỷ niệm không thể nào quên. Hàng nghìn hàng vạn những tờ truyền đơn, áp phích mang tinh thần đấu tranh cách mạng sục sôi được những người đoàn viên trẻ tuổi truyền đi thực sự là những ngọn lửa góp phần thắp nên thành công vang dội của Cách mạng tháng Tám.

182 bản gốc truyền đơn cách mạng thời kỳ trước tháng 9-1945, được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia như tái hiện một giai đoạn cách mạng, thời kỳ tiền khởi nghĩa. Các ấn phẩm truyền đơn được in bằng chữ quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp, theo lối thủ công như in thạch, in li-tô trên nền giấy nến. Qua nhiều thập kỷ, có bản đã sờn rách, chữ phai nét nhưng phần lớn vẫn giữ được nguyên vẹn nội dung. 

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.