Những trò chơi theo dấu lưu dân

Cướp heo (Lễ hội Đổ giàn An Thái - Bình Định). Ảnh: Đào Tiến Đạt
Cướp heo (Lễ hội Đổ giàn An Thái - Bình Định). Ảnh: Đào Tiến Đạt
TP - Kể từ những bước chân lưu dân đầu tiên theo hành trình Nam tiến mở mang bờ cõi của dân tộc, đến nay đã ngót 700 năm. Hành trang ly hương của họ, ngoài gồng gánh, cày cuốc, trâu bò, những lề thói sinh hoạt, lời ăn tiếng nói…, còn có những trò chơi.

Những trò chơi dân gian Bắc bộ cũng Nam tiến theo những đoàn binh chinh phạt. Như trò cướp cù ở Quảng Bình, theo “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn: “Trong một đợt hành chinh vào phía Nam, vua Lý Thánh Tông đã dừng chân ở tổng An Lai (xã Xuân Thủy, Lệ Thủy ngày nay - NV), nhà vua cho dựng chùa Phật ngồi… Trong quá trình tập luyện, binh lính đã thường xuyên chơi môn cướp cù”. Chắc hẳn dân chúng nơi này đã học được trò chơi này và lưu truyền cho đến nay, hiện được coi là lễ hội đặc sắc nhất ở Quảng Bình. 

Đất nước liên miên trận mạc, có lẽ vậy nên mới có trò nấu cơm thi. Cuộc hành binh thần tốc chỉ trong vòng mấy ngày của đại binh Tây Sơn ra Bắc đại phá quân Thanh khiến địch trở tay không kịp, câu chuyện cơm nước, hậu cần cho binh lính luôn là điều bí ẩn lý thú. Nhiều người luận rằng, quân Tây Sơn vừa hành quân vừa ăn bánh tráng cuốn nhúng nước thay cơm! Tiện, không phải nấu nướng gì. 

Cũng bởi bánh tráng vốn là món lừng danh ở Bình Định với nhiều kiểu cách ăn khác nhau. Giai thoại còn cho rằng từ “bánh Đa” (tên gọi của bánh tráng ở miền Bắc) ra đời từ sau trận quân Tây Sơn đại thắng ở gò Đống Đa? Cũng có tài liệu cho rằng quân của Quang Trung sử dụng một loại nồi đặc biệt có thể vừa đi vừa nấu cơm do thợ phường Đúc (Huế) làm ra. 

Dù thế nào, trò thi nấu cơm vẫn còn phổ biến trong các lễ hội dân gian ở Bình Định và nhiều tỉnh miền Trung. Và chắc chắn trò chơi, cũng là một chiến thuật quân sự này được “du nhập” vào từ miền Bắc. Sách dạy về quân sự (Binh thư yếu lược) nổi tiếng của Trần Hưng Đạo dạy rất cụ thể cho kỵ binh cách nấu cơm trên lưng ngựa. Theo đó, lính kỵ tay cầm ống tre đựng gạo nước, vừa cưỡi ngựa vừa đun cơm bằng đuốc. Tương truyền, từ đời Hùng Vương thứ 18, tướng quân Phan Tây Nhạc đã rèn luyện quân sĩ cách vừa nấu cơm vừa hành quân, trong những điều kiện khó khăn. 

Trò chơi đấu võ, đấu vật, đổ giàn... hòng thi triển sức mạnh được ưa chuộng trên đất võ Tây Sơn và nhiều nơi miền Trung. Làng võ An Thái (An Nhơn, Bình Định) vốn là nơi ba anh em Nguyễn Huệ tầm sư học võ, giờ còn độc bản với trò chơi đổ giàn (đấu võ tranh heo). Người chủ trò và một vài võ sĩ đứng trên chiếc giàn bằng tre cao tới 4-5 mét, cùng với một con heo còn sống và gạo muối, bánh trái. 

Còn người chơi bên dưới đều là những võ sĩ từ các lò võ khét tiếng trong vùng. Sau ba hồi chiêng trống, chủ trò dùng rựa chặt đứt dây neo giàn và xô đổ giàn để con heo và các lễ vật rơi xuống. Lập tức người chơi xông tới giành giật ôm lấy con heo chạy về đích. Nhưng để giữ và đưa được chiến lợi phẩm về đích là cả một cuộc chiến cam go. Các võ sĩ, dưới sự chỉ đạo của các võ sư lẫn trong đám đông phải trổ hết võ nghệ cao cường. 

Những màn tỷ thí nảy lửa diễn ra, khiến không khí cuộc chơi dậy cả góc trời… Có thể hơi giống trò cướp phết phía Bắc, nhưng với đổ giàn, chất mạnh mẽ có phần “hoang dã” của những con người ở vùng đất mới đem lại cảm xúc riêng biệt.

Những trò chơi thanh thoát hơn, như thả diều vốn đơn giản từ vùng châu thổ Bắc bộ, theo những đoàn lưu dân vượt đèo Ngang vào đến Huế được phát triển thành một thú nghệ thuật cầu kỳ, dù mục đích cuối cùng cũng chỉ để chơi. Người Huế chọn chơi diều cũng là điều phù hợp với tính cách nhẹ nhàng của mình.

 Những con diều đa dạng từ kiểu dáng, màu sắc, vật liệu - thứ cầu kỳ đài các của người chốn Kinh thành. Lại có hẳn thứ diều Cung đình làm thú vui tiêu khiển dành cho vua quan, quý tộc. Ai có dịp chứng kiến cuộc đọ tài giữa những cánh diều đến từ Bắc, Trung, Nam, như trình diễn diều tại Festival Huế, hay thi thả diều trên bãi biển Cửa Đại (Hội An), sẽ nhận rõ điều này. Những ngọn gió phóng khoáng thổi từ biển khiến cánh diều Huế và duyên hải miền Trung luôn căng tràn. Tiếng sáo diều cũng có cảm giác khác hẳn… 

Một thú chơi đậm chất miền Trung, đó là hô bài chòi. Bài chòi giờ đây vẫn là trò chơi–nghệ thuật trải dài suốt dải duyên hải, từ chân đèo Ngang Quảng Bình đến vùng đồng bằng sông Cà Ty (Bình Thuận). Theo bước lưu dân, qua mỗi vùng đất, loại hình này dung nạp thêm những điệu lý, điệu hò bản địa, mang đầy chất ngẫu hứng.“Rủ nhau đi đánh bài chòi/Để cho con khóc đến lòi rún ra”. Cho đến giờ, chị em phụ nữ Quảng Nam vẫn còn mê chơi bài chòi đến vậy.

Lại có những trò chơi mang chất trí tuệ như trò Cổ Nhơn hiện vẫn xôm tụ vào ba ngày Tết ở đất Hoài Nhơn (Bình Định). Gần giống trò thả thơ ngoài Bắc. Người quản trò (cầm tịch) ra treo trên lá cờ hội 4 câu “thai”, dạng thơ lục bát, thất ngôn tứ tuyệt vịnh về một trong số 36 con trong bảng tịch, chia làm 9 nhóm. 

Người chơi sẽ đọc kỹ để luận ra “thai” nói về con gì. Người thắng sẽ được thưởng tiền. Đề tài của những câu thai mênh mông bể sở, đòi hỏi người chơi phải thông kim bác cổ. Vậy mà từ người già đến con trẻ đều xúm xít đua chen. Không ai khẳng định được đích xác trò chơi này xuất xứ từ đâu. Nhưng hai chữ “Cổ Nhơn” gợi lên nỗi hoài niệm, hẳn gắn với quê cha đất tổ từ thời chưa mở cõi.  

Ngược lên dãy Trường Sơn và các vùng cao nguyên, đến giờ vẫn dễ dàng bắt gặp những trò chơi dân dã, hồn nhiên của đồng bào. Nhà Tây Nguyên học người Pháp Dambo-Jacques Dournes, trong cuốn “Miền đất huyền ảo” (NXB Hội Nhà văn, 2003, Nguyên Ngọc dịch), từ ngót 70 năm trước, đã kết luận: Người Tây Nguyên không biết đến các trò chơi may rủi.  Vì họ không thấy thích thú gì trong việc ấy. Dambo mô tả:      

“Trong phương ngữ Srê, “nhol” nói chung là vui đùa, trò chơi, thú vui… Người Tây Nguyên chơi đùa như trẻ con. Thi ai lặn được dưới nước lâu hơn, ai ném xa hơn một cây lao bằng tre, ai tung được một hòn đá lên trời cao hơn. Người ta thi xem ai làm được con quay gỗ kêu to hơn; ai ăn được nhiều ớt hơn”. Vậy thôi. Họ chơi, thi chỉ vì thích thú, vô tư, hoặc vì danh dự, không hề nghĩ đến kiếm lợi.

             *

Tôi nhớ sau 1975, những đứa trẻ từ miền Bắc theo ba mẹ vào Nam như chúng tôi mang theo những trò chơi ô ăn quan, chắt chuyền, đánh quay (cù), đánh khăng, đánh bi đánh đáo… Thực ra nhiều trò này đã có ở miền Trung, miền Nam từ trước. Có điều, lũ chúng tôi, những “lưu dân” đời mới vẫn mang theo nỗi hoài niệm tuổi thơ.

Như trò bắn bi. Trong hộp bi của tôi, ngoài những viên bi tự nặn bằng đất sét, sơn đủ màu xanh đỏ ở miền Bắc, thì bắt đầu xuất hiện những viên bi ve bằng thủy tinh có chứa những sắc màu lung linh bên trong chỉ có ở miền Nam. Thế là nghiễm nhiên viên bi ve trở thành “tướng quân” trong đàn bi đất nhiều tên còn méo vẹo.

Nhưng rồi sau thế hệ chúng tôi và vài lớp kế cận, thì những trò chơi này dường không còn nữa. Có thể do sự du nhập của nhiều thứ game điện tử tân kỳ, nên những trò này dần phai nhạt.

Những cuộc thi trò chơi lớn trong các hội trại, vừa hành quân vừa giải mật thư và nấu cơm thi của tuổi học trò tôi ngày ấy, nay còn không? N

Trò chơi đấu võ, đấu vật, đổ giàn... hòng thi triển sức mạnh được ưa chuộng trên đất võ Tây Sơn và nhiều nơi miền Trung. Làng võ An Thái (An Nhơn, Bình Định) vốn là nơi ba anh em Nguyễn Huệ tầm sư học võ, giờ còn độc bản với trò chơi đổ giàn (đấu võ tranh heo).

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.