Những ngọn nến tri ân

Những ngọn nến tri ân
TP - 15:30 ngày 1/2, lễ viếng các anh hùng-liệt sĩ được tổ chức trang trọng ở Tượng đài Thành cổ Quảng Trị. 17 giờ 30 lễ viếng tiếp tục được tổ chức ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9.
Những ngọn nến tri ân ảnh 1
Thắp hương, nến cho các anh hùng-liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn

Là địa đầu giới tuyến, sau Hiệp định Giơnevơ Quảng Trị trở thành địa bàn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Từng mảnh đất của Quảng Trị thắm máu đào liệt sĩ.

Đất nước hòa bình, thống nhất, nhân dân Quảng Trị bảo quản, chăm sóc hơn 7 vạn mộ liệt sĩ, quy tập ở 72 nghĩa trang liệt sỹ là con em của mọi tỉnh thành trong cả nước. Trong đó có rất nhiều liệt sĩ vô danh.

Có những nghĩa trang liệt sĩ cấp xã quản lý, quy tập vài ngàn ngôi mộ nhưng liệt sĩ  quê ở Quảng Trị chỉ có khoảng 20 - 30%. 16 năm mở đường Trường Sơn, trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại khoảng 2 vạn chiến sỹ của Đoàn 559 đã hy sinh. Hơn 10 ngàn mộ liệt sĩ đã được quy tụ về Nghĩa trang Trường Sơn, khoảng 1 vạn liệt sĩ vẫn còn ẩn khuất giữa đại ngàn.

Với không gian trang nghiêm và huyền thoại, ẩn hiện giữa đại ngàn Trường Sơn, Nghĩa trang Trường Sơn trở thành một địa chỉ linh thiêng, hàng năm có vài triệu lượt người từ mọi miền đất nước hành hương về đây dâng hương, viếng mộ liệt sĩ.

Nghĩa trang Trường Sơn đã đi vào lòng người và có tính hồi tưởng sâu sắc, giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn về sức mạnh của quá khứ  và đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Rồi không chỉ có riêng Nghĩa trang Trường Sơn, trước thềm Xuân 2008, Tỉnh Đoàn Quảng Trị tổ chức chiến dịch về nguồn với nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện tại các vùng sâu, vùng xa, vùng lũ, nơi đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhằm khơi dậy nhiệt huyết và phát huy tinh thần xung kích tình nguyện, năng động của tuổi trẻ.

Trong những ngày qua, tất cả 72 nghĩa trang liệt sĩ  đều được lực lượng ĐVTN tại chỗ làm vệ sinh, quét vôi và làm lễ dâng hương.  Lần đầu tiên một lễ viếng các anh hùng, liệt sĩ được tổ chức quy mô lớn, diễn ra đồng thời ở 2 nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia và ở Tượng đài Thành cổ Quảng Trị với sự tham gia của hơn 3.000 ĐVTN.

15 giờ 30 ngày 1/2, đúng 5 ngày trước Tết Nguyên đán, lễ viếng các anh hùng-liệt sĩ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, chính thức được tổ chức trang trọng ở Tượng đài Thành cổ. 17 giờ 30 lễ viếng tiếp tục được tổ chức ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9.

Ngay sau cuộc mít tinh và diễu hành tuyên truyền an toàn giao thông, hơn 1.000 ĐVTN theo các đội hình đã ngược xe lên quốc lộ 9 tiếp tục tham gia dọn vệ sinh và tổ chức dâng hương, nến cho 10.025 liệt sỹ đang yên nghỉ trong nghĩa trang Quốc gia.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Tỉnh Đoàn Quảng Trị, lãnh đạo Cienco 5 và báo Tiền phong dâng hương, thắp nến ở tượng đài chính. Thị Đoàn Đông Hà dâng nến, hương, hoa cho 3.500 ngôi mộ; Đoàn Trường CĐSP Quảng Trị dâng nến, hương, hoa 1.000 ngôi mộ;

Đoàn khối Dân Chính Đảng dâng nến, hương, hoa 3.500 ngôi mộ; Đoàn Cty Cao su Quảng Trị dâng nến, hương, hoa 1.000 ngôi mộ; Đoàn Bộ chỉ huy quân sự tỉnh dâng nến, hương, hoa 1.000 ngôi mộ; Đoàn Bộ đội Biên phòng dâng nến, hương, hoa: 1.000 ngôi mộ.

Những ngọn nến tri ân ảnh 2
Thắp nến tại Nghĩa trang Đường 9

Khi 10.025 ngọn nến đã lung linh quyện lẫn với khói hương nghi ngút, phủ khắp Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9 thì tại NTLS  Quốc gia Trường Sơn lễ viếng bắt đầu.

1.000 ĐVTN thuộc các Huyện Đoàn Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, làng TN lập nghiệp Tây Vĩnh Linh, Nhà Thiếu nhi Tỉnh, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị... kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ.

Sau lễ dâng hương tưởng niệm ở tượng đài chính do Tỉnh Đoàn chủ trì, các đội hình tỏa ra dâng hương, hoa, thắp nến trên từng mộ phần mộ liệt sĩ. 10.263 ngọn nến lung linh trên tất cả các ngôi mộ.

Những ngọn nến lung linh tưởng niệm những người anh hùng, những liệt sỹ đang yên nghỉ giữa chốn linh thiêng của đại ngàn Trường Sơn, sưởi ấm lòng liệt sĩ giữa ngàn mây, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Những ngọn nến không chỉ sưởi ấm linh hồn các liệt sĩ an giấc giữa Trường Sơn huyền thoại mà còn làm ấm lòng những người mẹ, người cha, người chị, người anh... ở khắp các tỉnh, thành là thân nhân các liệt sĩ  khi Tết này các anh vẫn chưa trở về với đất mẹ quê hương.  

Để cho cả một đội hình lớn đoàn viên, hội viên thanh niên, học sinh, sinh viên đồng loạt dâng hương, thắp nến tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang Quốc gia và tại Thành cổ Quảng Trị, từ tháng 12/2007, Tỉnh Đoàn Quảng Trị đã đưa ra ý tưởng và tổ chức cuộc vận động lớn.

Riêng Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) và báo Tiền phong hỗ trợ 22.000 ngọn nến, sưởi ấm 22.000 anh linh liệt sĩ ở 2 nghĩa trang Quốc gia và ở Thành cổ Quảng Trị.

Phát biểu tại lễ dâng hương ở Nghĩa trang Liệt sĩ  Đường 9, Tổng Giám đốc Cienco 5 Thân Đức Nam bày tỏ tấm lòng biết ơn các anh hùng - liệt sĩ và sẽ luôn đồng hành với tổ chức Đoàn, với tuổi trẻ trong các hoạt động về nguồn.

Bày tỏ niềm trân trọng trước những người ngày đêm canh giấc ngủ nghìn thu cho các anh hùng liệt sĩ, dịp này, lãnh đạo Cienco 5 đã tặng quà Tết cho cán bộ, nhân viên Ban quản lý khu di tích Thành cổ, BQL NTLS Đường 9 và Trường Sơn.

Tết Mậu Tý này, Cienco 5 thông qua Tỉnh Đoàn Quảng Trị dành tặng 30 ngôi nhà tình nghĩa, mỗi nhà trị giá 15 triệu đồng, cho những đối tượng là cựu thanh niên xung phong, gia đình TBLS, chính sách nghèo trên địa bàn... Lễ khởi công 30 ngôi nhà tình nghĩa sẽ diễn ra vào dịp Tháng Thanh niên 2008.

Ý kiến bạn đọc

Lê Phương; Email: phuonglt68@yahoo.com

Tôi vô cùng xúc động khi đọc bài báo trên và nghĩ nếu chúng ta tổ chức được một ngày, một giờ nào đó để đồng bào cả nước đứng một phút mặc niệm những linh hồn đã hy sinh cho Tổ quốc, nó sẽ giúp cho tất cả luôn luôn nhớ về quá khứ đau thương và hào hùng của dân tộc.

Tôi hy vọng các hoạt động về nguồn này sẽ được nhân rộng lên. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.