Niềm vui sau 20 năm đu cáp qua sông

Người dân xã Ea Phê đu cáp qua sông.
Người dân xã Ea Phê đu cáp qua sông.
TP - Vào mùa mưa lũ, nhiều nơi trên Tây Nguyên người dân ngày ngày vẫn vượt sông qua rẫy. Nơi đu cáp bay qua sông, nơi liều mình lái công nông vượt dòng suối dữ, cũng chỉ vì nhu cầu mưu sinh. Đề xuất xây cầu chỉ được đáp ứng rất ít, tuy nhiên niềm vui đã đến với buôn làng Cuê, xã Băng Adrênh (huyện Krông Ana) khi 2 cây cầu mới nơi đây vừa được khánh thành.

20 năm đu cáp qua sông

Xế trưa trời nắng như đổ lửa, chiếc cáp treo tự chế bắc ngang qua con suối Nước Đục đung đưa trên mặt nước. Nhìn người đàn ông đầm đìa mồ hôi trong bộ quần áo bảo hộ lao động đu mình trên chiếc cáp treo được thiết kế khá đơn giản, chỉ với vài sợi dây cáp, ròng rọc, một tấm gỗ được móc 4 đầu bởi dây da và được tời đi trên đoạn dây dài hơn 30 m, hai đầu cáp treo được cố định bởi 2 thân cây keo trồng bên bờ sông, mà chúng tôi không khỏi rùng mình.

Lao qua sông trên cáp treo tự chế vừa tiếp đất, ông Phạm Công Năm, người dân thôn Phước Thọ 2, xã Ea Phê, huyện Krông Pắk quệt vội mồ hôi. Chờ ông đỡ mệt rồi chúng tôi mới lân la hỏi chuyện. Ông Năm chia sẻ”: Lúc đầu đu cáp sợ lắm, giờ quen rồi. Một số hộ dân tại xã Ea Phê (huyện Krông Pắk) sử dụng cáp treo tự chế bắc ngang qua suối Nước Đục để sang khu đất canh tác bên xã Krông Búk (cùng huyện), dù 2 xã chỉ cách nhau con suối chưa đầy 25m. Trước đây, để vượt suối, người dân tại đây cũng sử dụng thuyền bè, nhưng quãng đường đi dài thêm 10km, cầu tạm thì đến mùa mưa cũng ngập vì thế nên các hộ dân đã bàn nhau đóng góp tiền làm 3 cáp treo dọc suối để tiện đi lại. Từ khi có cáp treo, mỗi lần qua suối chỉ mất vài phút. Hơn 20 năm nay, người dân nơi đây vẫn sử dụng cáp treo. Chưa ai đi cáp treo này mà chết nên chúng tôi vẫn  liều thôi. Bà con mong muốn cơ quan chức năng sớm xem xét, đầu tư cho người dân một cây cầu kiên cố để có thể yên tâm sinh sống”.

Bà Võ Thị Thu Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Phê cho biết, do kinh phí xây dựng cầu khá cao, xã không làm được. Để bảo đảm an toàn cho người dân vào mùa mưa lũ, chính quyền thông báo tới người dân thông qua đài phát thanh, thông báo đến trưởng thôn để báo cho từng hộ dân nhằm khuyến cáo họ hạn chế qua sông bằng cáp treo. Trước mong muốn của nhân dân tại thôn Phước Thọ 2, UBND xã Ea Phê vừa qua đã đề xuất UBND huyện Krông Pắk tiến hành khảo sát, tìm nguồn kinh phí xây dựng một cây cầu kiên cố tạo điều kiện đi lại cho người dân.

Ở xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, có dòng suối Ðắk Rí rộng hơn 7m, dài khoảng 15 m, trải dài qua nhiều thôn trên địa bàn. Những ngày nắng, nước sâu khoảng 1m, dòng chảy yếu nên có thể đi qua được. Nhưng mỗi khi mưa lớn, nước đầu nguồn đổ về ngập cả đầu người và chảy xiết, nên việc qua suối của người dân trở nên đầy nguy hiểm.

Anh Y Quyết Buôn Yá, ở bon R’Cập, xã Nâm Nung chia sẻ: Bên kia suối là khu vực canh tác của hơn 70 hộ dân. Khu vực này không có cầu, sau khi thu hoạch nông sản, suối là con đường duy nhất để vận chuyển về nhà. Gia đình có 2 ha đất rẫy trồng cà phê, hồ tiêu bên kia bờ suối. Vì miếng cơm manh áo nên hằng ngày chúng tôi vẫn phải đánh liều để qua suối làm rẫy.

Ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Nâm Nung cho biết: Vì thiếu đất sản xuất, tranh thủ thời vụ nên vào mùa mưa lũ nhiều người dân vẫn bất chấp tính mạng để vượt qua con suối này. Vùng đất canh tác của người dân giáp ranh với đất rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung. Nếu xây dựng cầu, đường đi thuận lợi có thể nhiều người dân sẽ đến xâm canh, lấn chiếm đất rừng. Do đó, địa phương cũng gặp khó khăn trong việc giải quyết. Địa phương đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở người dân không nên tự ý vượt suối để làm rẫy khi mùa mưa lũ đến.

Nhiều năm nay, hơn 700 hộ dân buôn Cuôr, Cuôr Tắk và Dơng Yang, xã Yang Tao, huyện Lắk bị con suối Đắk Pok dài 7km chia cắt người dân xã Yang Tao với hàng trăm héc ta đất sản xuất nông nghiệp. Ông Ma Táo (SN 1969, buôn Cuôr Tắk) cho biết: Đã nhiều lần người dân Yang Tao chặt những thân cây to làm cầu tạm để qua suối nhưng cũng chẳng được lâu, cứ nước đầu nguồn về là cầu lại bị cuốn đi mất. Bà con buôn Cuôr, Cuôr Tắk và Dơng Yang đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri, mong có một cây cầu để việc đi lại, sản xuất và giao lưu hàng hóa thuận tiện hơn.

Niềm vui sau 20 năm đu cáp qua sông ảnh 1

Người dân buôn làng trên cây cầu mới.

Cầu về với buôn

Về buôn Cuê, xã Băng Adrênh (huyện Krông Ana) hôm nay ai cũng cảm nhận được niềm vui mừng của nông dân nơi đây, khi đã có cầu mới để đi qua rẫy.

Anh Hoàng Phúc Bảo, Phó Trưởng Ban Thanh niên Nông thôn, Công nhân và Đô thị Tỉnh Đoàn cho biết: 2 cầy cầu ở buôn Cuê, xã Băng Adrênh là 2 trong 13 cây cầu mới nhất được Tỉnh Đoàn thực hiện theo Dự án Xây dựng cầu nông thôn của Trung ương Đoàn với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Tháng 7/2017, 2 cây cầu bắc qua suối Xâm Mlơng ở buôn Cuê đều có chiều dài 6 m, rộng 3,5 m, tải trọng 2,5 tấn với tổng kinh phí hơn 776 triệu đồng đã được bàn giao. Sau khi cầu hoàn thành, Tỉnh Đoàn đã giao cho Huyện Đoàn, chỉ đạo cho Đoàn xã thực hiện các phần việc thanh niên trên mỗi điểm cầu, giữ vệ sinh cầu sạch đẹp, chủ động tôn tạo, tu sửa giúp cây cầu luôn bền vững.

Đứng trên cầu, ông Y Ben Byă, Trưởng buôn Cuê vui mừng chia sẻ: Bên kia cầu là 35 ha diện tích lúa và 15 ha diện tích cà phê của hơn 220 hộ dân buôn Cuê. Ngoài ra, còn có hơn 300 ha diện tích cà phê của người dân huyện Cư Kuin. Trước đây, để đi qua suối người dân phải làm 2 cây cầu bằng gỗ tạm bợ. Vào mùa mưa, nước dâng cao ngập hết cầu, đi lại rất nguy hiểm. Mùa thu hoạch đến, người dân phải vác từng bao nông sản qua cầu. Việc tiêu thụ cũng thường bị thương lái ép giá. Từ khi có cầu mới, người dân ai cũng phấn khởi, yên tâm đi lại.

Thực hiện Dự án xây dựng cầu nông thôn từ nguồn vốn của Trung ương Đoàn, tháng 7/2017 Tỉnh Đoàn Đắk Lắk đã bàn giao đưa vào sử dụng 8 cây cầu ở các xã: Hòa Thắng (thành phố Buôn Ma Thuột), Cư Êwi (Cư Kuin), Quảng Tiến (cư Mgar), Tân Hòa Buôn Đôn). Dự kiến tháng 11/2017 dự án xây dựng 4 cây cầu ở các xã Ea Ô (huyện ea Kar), Ea Bar (Buôn Đôn), Ea Hiao (huyện Ea H’Leo).

MỚI - NÓNG