Nín thở qua những cây cầu 'chờ sập'

Nhiều cây cầu sắt xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa an toàn của người dân khi lưu thông.
Nhiều cây cầu sắt xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa an toàn của người dân khi lưu thông.
TP - Không chỉ 4 cây cầu sắt trên đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè, trên địa bàn TPHCM còn đến hơn 200 cây cầu “chờ sập”. Dù người dân đã nhiều năm “kêu cứu” chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa có cầu mới và việc xe tải làm sập cầu Long Kiểng đã được dự báo từ trước.

Nhiều năm “kêu cứu”

Tuyến đường Lê Văn Lương được xem như tuyến huyết mạch phía Nam TPHCM kết nối với tỉnh Long An có chiều dài khoảng 8km nhưng có đến 5 cây cầu. Trong đó, có 1 cầu được xây dựng kiên cố bằng bê tông, còn lại 4 cây cầu sắt đã được xây dựng từ trước năm 1975 đã xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm qua. Người dân ở đây đã nhiều lần “cầu cứu” cơ quan chức năng vì lo lắng đến an toàn mỗi khi qua cầu nhưng đến nay vẫn chưa có cây cầu mới nào được khởi công.

Bốn cây cầu sắt trên đường Lê Văn Lương gồm cầu Rạch Đỉa (nối quận 7 và huyện Nhà Bè); cầu Rạch Tôm (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè); cầu Long Kiểng (xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè) và cầu Rạch Dơi nối huyện Nhà Bè, TPHCM với huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Bốn cây cầu này được xây dựng từ trước năm 1975, sau quá trình sử dụng, đến nay đã xuống cấp nặng. Tải trọng mỗi cây cầu chỉ cho phép xe dưới 3,5 tấn lưu thông, tĩnh không thông thuyền không bảo đảm.
Theo ghi nhận, các cây cầu này đã xuống cấp nặng, mặt cầu được trải bằng các tấm sắt ghép lai với nhau nên khá trơn trượt, đặc biệt vào lúc trời mưa. Nhiều trụ bê tông, trụ sắt xiêu vẹo, nhiều thanh thép, hành lang bảo vệ lưới thép, mặt nền cầu đều đã gỉ sét, gãy… Mặt cầu chỉ có chiều rộng đủ để một chiếc ô tô con chạy nên mỗi khi mỗi khi có xe tải, ô tô chạy qua là người đi xe máy lại phải nép vào thành cầu.

Nín thở qua những cây cầu 'chờ sập' ảnh 1

Cầu Long Kiểng bị xe ben quá tải trọng làm sập vào tối 19/1.

Nhiều người dân sống hai bên đường Lê Văn Lương cho biết, trước tình trạng xuống cấp trầm trọng của các cây cầu này, người dân đã “cầu cứu” chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”. “Bề mặt cầu bằng sắt chỉ đủ cho một chiếc ô tô, mỗi khi có xe tải, ô tô chạy qua là cầu rung lên bần bật, kêu rầm rầm, người đi xe máy phải nép vào thành cầu để nhường đường. Vì vậy thường xuyên kẹt xe tại các cây cầu này vào giờ cao điểm. Người dân ở đây đã phản ánh không biết bao nhiêu lần trong nhiều năm qua nhưng không hiểu tại sao đến nay vẫn chưa thấy xây cầu mới”, ông Lê Văn Thanh (56 tuổi, huyện Nhà Bè) nói.

Cũng như ông Thanh, nhiều người dân ở xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè thường xuyên phải lưu thông qua các cây cầu sắt này bày tỏ bức xúc vì nhiều năm “kêu cứu” nhưng vẫn chưa được xây cầu mới. “Ngày nào cũng phải chở hàng đi chợ qua mấy cây cầu này. Mà mỗi lần qua cầu là “phải nín thở” chứ cầu như “răng rụng” không biết sập khi nào. Đặc biệt là khi ô tô, xe tải chạy qua, người đi xe máy cứ phải nép vào thành cầu, ai yếu tay là rất dễ ngã”, chị Nguyễn Thị Thương (xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè) nói.

Ông Võ Thành Khả, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, do tuyến đường Lê Văn Lương có 4 cây cầu sắt nên mức đầu tư rất lớn. Trong khi ngân sách dành cho ngành giao thông không đủ nên lực lượng chức năng đã tìm nhiều giải pháp. Trong đó cầu Rạch Đỉa và Long Kiểng đã được duyệt ghi vốn, Sở GTVT dã duyệt thiết kế bản vẽ thi công. Ngày 22/1, UBND huyện cùng Sở giao thông và các đơn vị liên quan họp đẩy nhanh công tác bàn giao ranh mốc bồi thường. Sau khi bàn giao ranh mốc xong, huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để sớm khởi công trong năm 2018.

Năm 2020 xóa hết 200 cầu yếu

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM (GTVT) Bùi Xuân Cường cho biết, trên địa bàn TPHCM hiện nay còn trên 200 cầu yếu, hơn 50 cầu trên các tuyến đường không đồng bộ tải trọng. Các đơn vị chức năng đang tìm phương án xử lý, đến hết năm 2020 sẽ xóa hết các cây cầu yếu này.

Nguyên nhân bốn cây cầu sắt trên đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè dù đã có chủ trương và đã duyệt dự án từ năm 2001 đến nay nhưng vẫn chưa khởi công được cây nào, ông Cường cho rằng, đến nay quy mô xây dựng các cây cầu này không còn phù hợp, tình trạng giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Cường, các dự án này được duyệt từ năm 2001 nhưng sau quá trình duyệt và thực hiện thì các cây cầu được duyệt không phù hợp với thực tế hiện nay. Bởi trước đây những cây cầu này chỉ kết nối giữa hai đầu mà không có sự kết nối giữa các khu dân cư hai bên đầu cầu. Phải có đường gom hai đầu cầu, đường chui hai đầu cầu để kết nối dân cư hai bên nên phải điều chỉnh lại. Khi điều chỉnh thì ảnh hưởng đến các hộ dân khác dẫn đến khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng…

Ngoài ra, hiện nay các dự án như cầu Rạch Dơi, Rạch Tôm không cân đối được nguồn vốn. Cơ quan chức năng đưa các công trình này vào kêu gọi đầu tư theo hình thức BT. Tuy nhiên, chưa tìm được phương án hoàn vốn cho nhà đầu tư và phương thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chưa được xác định. Việc triển khai theo hình thức BT sẽ kéo dài hơn sử dụng vốn ngân sách. “Vì vậy, để đảm bảo đồng bộ tiến độ các cây cầu trên đường Lê Văn Lương, các công trình này được chuyển sang đầu tư công và ghi vốn chuẩn bị đầu tư trong năm 2018, do Khu quản lý giao thông đô thị số 4 làm chủ đầu tư. Chậm nhất, trước tháng 9 sẽ hoàn thành thủ tục để khởi công. Còn cầu Long Kiểng và Rạch Đỉa, đến nay đã được duyệt điều chỉnh dự án, duyệt thiết kế và chuẩn bị tổ chức đấu thầu, huyện Nhà Bè đang triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, dự kiến quý II sẽ khởi công”, ông Cường nói.

Ngoài ra, hiện nay, Sở GTVT đang đẩy nhanh tiến độ thi công, xử lý hàng loạt cây cầu yếu trên địa bàn TPHCM để đảm bảo lưu thông đường bộ cũng như khai thông luồng hàng hóa đường thủy. “Như cầu Rạch Dơi, sau khi xây dựng không chỉ xóa được cầu sắt mà còn tăng tải trọng, đảm bảo tĩnh không để lưu thông hàng hóa đường thủy kết nối giữ TPHCM với tỉnh Long An qua sông Rạch Dơi. Đồng thời, còn nhiều cây cầu khác như cầu Thăng Long, cầu Ông Nhiêu… sau khi được xây dựng sẽ nâng được tĩnh không để tàu hàng hóa lưu thông”, ông Cường nói.

Liên quan đến việc xe ben làm sập một nhịp cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè vào tối 19/1, ông Bùi Xuân Cường cho biết, cơ quan chức năng sẽ khắc phục sự cố trong vòng 20 ngày, đảm bảo thông xe trước Tết Nguyên đán. Nguyên nhân là do xe ben quá tải trọng lưu thông qua cầu. Theo hồ sơ kiểm định, khối lượng xe này là 12,57 tấn, khối lượng hàng cho phép trên 17 tấn, tổng trọng lượng trên 30 tấn trong khi tải trọng cầu cho phép chỉ 3,5 tấn. Công an huyện Nhà Bè đang điều tra, nếu có dấu hiệu cố tình vi phạm gây thiệt hại công trình giao thông đường bộ, Sở GTVT sẽ đề nghị khởi tố tài xế, nghiêm trị để tăng tính răn đe, tránh lặp lại trường hợp tương tự về sau.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.