Ninh Thuận: Tiếp tục cứu đói cho dân bằng gạo... mốc!

Ninh Thuận: Tiếp tục cứu đói cho dân bằng gạo... mốc!
Sáng 16/4, TP lại phát hiện bà con thôn Đá Trắng, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận vẫn bị nhận gạo mốc!
Ninh Thuận: Tiếp tục cứu đói cho dân bằng gạo... mốc! ảnh 1
Các con chị Sanh ăn cơm gạo mốc

Đợt này, thôn Đá Trắng (xã Phước Thái – Ninh Phước) có 30 hộ với 139 khẩu được cứu đói 10 kg gạo/khẩu. Sáng 16/4, chúng tôi đến khi bà con vừa thồ gạo nhận từ trụ sở xã về đến nhà. Ngồi trước hiên, bà Tào Thị Nhi 73 tuổi, hai mắt mờ đục không nhìn thấy gạo tốt xấu thế nào, bốc gạo lên ngửi, than vãn: “Gạo hôi quá! Hạt ngọc của trời không dám chê nhưng tôi già yếu, mong được ăn gạo tốt cho khỏi đau bệnh”. Chúng tôi thấy gạo bà Nhi nhận có màu vàng, nát…

Bà Nguyễn Thị Ri nhận 90 kg gạo cũng bị vàng úa, hôi, mốc. Thấy các nhà báo, nhiều bà con khẩn khoản mời về nhà để xem… gạo: hộ Võ Xê Em 9 khẩu nhận gạo mọt, bốc mùi chua; hộ Nguyễn Văn Hùng 6 khẩu nhận gạo vàng ánh màu xanh…

Hộ chị Nguyễn Thị Sanh 7 khẩu, được nhận 70 kg gạo. Chúng tôi xem chị vo 2 bơ gạo trong cái xoong nhỏ: vừa dạo qua, nước vo gạo có màu đen và mọt nổi lều bều. Chị Sanh phải vo 5 lần nước mới có màu bình thường, chỉ chừng ấy gạo nhưng dễ chừng có đến cả trăm con mọt lặn hụp mà chúng tôi cho đổ vào cái thau nhỏ để kiểm tra.

Khi cơm chín, cánh PV và mấy người hàng xóm, có cả bác Nguyễn Bông, tổ trưởng tổ dân cư 4 Đá Trắng, cùng ăn thử cơm và có chung nhận xét: cơm có mùi hôi và vị đắng. Ba đứa con của chị Sanh: Phiếm (14 tuổi), Vũ (6 tuổi), Bình (5 tuổi) ăn cơm gạo mốc với muối vì mẹ chúng không còn tiền mua nước mắm. Chị Sanh cam chịu: “Cho gì ăn nấy, đâu dám đòi hỏi…”.

Gạo không chỉ mốc mà còn thiếu?

Ninh Thuận: Tiếp tục cứu đói cho dân bằng gạo... mốc! ảnh 2
Phó Chủ tịch xã Hán Tấn Duy kiểm tra kho gạo

Trưởng thôn Đá Trắng  Nguyễn Ngọc Sa đưa chúng tôi đi tìm chủ tịch xã Phước Thái Lộ Văn Kiểm để báo cáo tình hình. Anh Kiểm và anh Hán Tấn Duy – Phó chủ tịch xã gọi nhân viên mở kho gạo để các anh cùng các PV kiểm tra.

Chúng tôi đã lấy gạo trong nhiều bao để đối chứng: có bao thì gạo hơi trắng nhưng số bao gạo mốc, nát, vàng, xanh chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Ngay tức khắc, anh Kiểm ra lệnh đình chỉ việc cấp phát gạo cho dân (theo lịch sẽ phát gạo cho thôn Thái Giao chiều 16/4 và ngày 17/4 sẽ phát cho 2 thôn Hoài Trung và Như Bình).

Theo anh Hán Tấn Duy, XNLTNT chở gạo đến xã vào 2 ngày 8 và 12/4. Anh Duy đã cho cân một số bao gạo nguyên trên 3 bàn cân khác nhau thì chỉ có 49 kg/bao chứ không đúng quy định cân tịnh 50kg/bao nên ghi vào biên bản. Ngày 15/4, XNLTNT đã phải bù thêm cho xã Phước Thái 577 kg gạo thiếu. Đợt cứu đói này, xã Phước Thái nhận tổng cộng 282.800 kg gạo.

Chúng tôi trở lại các xã đã được cấp gạo thuộc huyện Ninh Hải, ở đây nhận gạo tính theo bao trọng lượng 50kg nhưng vì gạo tồn kho đã lâu nên nhiều người cho biết có bao chỉ còn 48 – 49 kg gạo!

XNLTNT cố tình “tống khứ” gạo mốc?

Ở huyện Ninh Hải, nhiều xã lập biên bản trả gạo cho XNLTNT trong ngày 6/4. Đến ngày 8 và 12/4, xã Phước Thái vẫn “bị” nhận gạo mốc. Ngày 14/4, Tổng Cty lương thực miền Nam và XNLTNT cùng UB huyện Ninh Hải đi kiểm tra thực tế việc cấp phát gạo ở các xã theo báo chí phản ánh.

Theo ông Trần Công Sơn – Trưởng phòng Tổ chức – Xã hội huyện thì các bên thống nhất phải thu hồi toàn bộ số gạo đã cấp và đổi lại gạo mới cho dân; riêng bà con thôn Suối Le (xã Phước Kháng) sẽ được cấp lần 2 (không thu hồi gạo vì đường sá xa xôi) 1.100 kg gạo mới. Thế nhưng sáng 16/4 bà con thôn Đá Trắng vẫn bị nhận gạo mốc!?

Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận buộc XNLTNT thu hồi ngay toàn bộ số gạo đã xuất mà theo báo cáo của cơ quan này là trong số 500 tấn gạo tồn kho từ đầu năm 2005, và cấp phát cho dân bằng số gạo mà Thủ tướng Chính phủ đã duyệt chi khắc phục hậu quả hạn hán ở Ninh Thuận là 3.000 tấn vào trung tuần tháng 3/2005.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.