Nợ công - không chỉ là con số

Nợ công - không chỉ là con số
TP - Tại phiên họp của UBTV Quốc hội gần đây, báo cáo cho thấy nợ Chính phủ đang tăng theo từng năm, bằng 33,8% GDP năm 2007; 36,2% GDP năm 2008; 41,9% GDP năm 2009, và dự báo lên đến 44,6% vào cuối năm 2010. Từ những con số này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cảnh báo mức nợ Chính phủ đã tăng sát mức trần cho phép.

Tuy nhiên, nợ công không chỉ là những con số. Trên thực tế, nợ công không chỉ là nợ Chính phủ, mà còn bao gồm những khoản nợ Chính phủ bảo lãnh (như nợ nước ngoài của Vinashin) và nợ của chính quyền địa phương (như trái phiếu đô thị). Nếu cộng các khoản này, nợ công của VN còn cao hơn con số 41,9% GDP năm 2009, lên tới 44,7 GDP, như công bố của Bộ Tài chính.

Nói cho dễ hiểu hơn, ví dụ như năm nay cả nước làm ra 100 tỷ USD, thì đã nợ gần 50 tỷ USD. Một con số vẫn ở ngưỡng an toàn (dưới 50% GDP), nhưng không nên quá lạc quan như nhiều quan chức đã trấn an, vì việc sử dụng khoản nợ ấy ra sao, hiệu quả thế nào vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng.

Đáng nói hơn, khoản nợ này vẫn tăng đều đặn qua hằng năm và ngày càng nhanh, nhiều hơn. Và rạch ròi hơn thì toàn bộ khoản nợ ấy không phải thuộc về Chính phủ mà tất cả người dân VN phải gánh, năm này chưa trả hết sẽ kéo sang các năm sau, thế hệ này trả không xong sẽ đến thế hệ tiếp theo.

Hầu hết các quốc gia lớn nhỏ đều mang nợ, không ít thì nhiều, nhưng thái độ đối với khoản nợ và cách trả ra sao là điều mà không chỉ chủ nợ mà cả người dân nước đó cần được biết.

Lâu nay chúng ta vẫn vui mừng khi cho rằng uy tín VN cao nên vay được nhiều, năm nay vay cao hơn năm trước, thậm chí hoan hỉ khi phát hành thành công các khoản nợ qua trái phiếu. Nhưng những công trình xây bằng nợ ì ạch, phải vay thêm mới đủ trang trải, doanh nghiệp xài hoang từ nợ... lại thường đem những lý do khách quan, trách nhiệm chung ra để biện hộ.

Hàng loạt tỉnh thành, bộ ngành, doanh nghiệp Nhà nước... chi tiêu khá mạnh tay từ tiền nợ để đầu tư, thành công nhiều nhưng kém hiệu quả cũng không ít. Nhiều người dân cảm thấy xót xa khi nghĩ rằng họ không trả được nợ, doanh nghiệp cùng đường thì Chính phủ phải dùng ngân sách trả thay, mà đó chính là tiền thuế, đóng góp của toàn dân.

Hy Lạp vỡ nợ cũng vì vung tay quá trán vào đầu tư công, và dùng những đồng Euro vay nợ để thỏa mãn cơn khát những công trình hoành tránh. Tại VN, căn bệnh đó lúc bùng phát, lúc âm ỉ, nhưng không hẳn “chưa đáng lo”, “còn kiểm soát tốt” như nhiều ý kiến chủ quan. Nếu quản lý kém, sử dụng không hiệu quả, các khoản nợ công có thể dẫn đất nước đến nợ nần chồng chất và thế hệ con cháu phải gánh trách nhiệm trả nợ. Lúc đó nợ công không còn là những con số, mà đã đụng đến thể diện quốc gia cùng nỗi oán thán của lớp sau phải è lưng gánh nợ.

MỚI - NÓNG