Nợ công và ngưỡng an toàn: Cần lập ủy ban giám sát đặc biệt?

Chuyên gia tài chính kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành
Chuyên gia tài chính kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành
TP - Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành, cần phải lập ủy ban giám sát đặc biệt thuộc Quốc hội để rà soát lại khả năng trả nợ và tiến độ trả nợ nước ngoài của Việt Nam cũng như hiệu quả các dự án đầu tư bằng vốn vay nước ngoài.
Chuyên gia tài chính kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành
Chuyên gia tài chính kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành.

Thiệt kép

Theo ông Thành, Việt Nam có đặc thù là đi vay nước ngoài rồi chuyển vốn cho các tập đoàn kinh tế sử dụng. Như trường hợp Vinashin được vay 750 triệu USD từ nguồn phát hành trái phiếu của Chính phủ. Đến nay Vinashin không có khả năng hoàn trả khoản tiền này.

Ngoài Vinashin, còn nhiều tập đoàn kinh tế khác đi vay vốn nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Khi các tập đoàn không có khả năng thanh toán thì Chính phủ phải đứng ra trả thay.

Theo ông Thành, nói nợ công hơn 50% có an toàn hay không thì phải xét. Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu chỉ dùng được 50% số tiền vay để đầu tư. Mà số tiền này không tạo ra giá trị cũng như khả năng trả nợ thì rất nguy hiểm.

Đồng tiền của Việt Nam mất giá khá nhiều so với tiền của những nước chúng ta vay vốn nhiều như Nhật Bản, EU... Việc này sẽ làm tăng thêm gánh nặng nợ công trong những năm tới?

Nợ công và ngưỡng an toàn: Cần lập ủy ban giám sát đặc biệt? ảnh 2
Chính phủ đang xây dựng chiến lược nợ mới với tầm nhìn dài hạn 30 năm. Cơ cấu nợ của mình hiện nay nhìn ở giai đoạn trước mắt là an toàn, nhưng về lâu dài phải thận trọng

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh

Bộ Tài chính phải tính toán vấn đề này. Trong trả nợ công đúng là phải tính tới sự mất giá của đồng tiền Việt Nam nữa. Hiện đồng Việt Nam chưa mạnh do bị ảnh hưởng nhập siêu khiến dự trữ ngoại tệ không tăng lên được. Trong khi đó đồng yen Nhật Bản đang lên giá mạnh mấy chục phần trăm so với đồng USD. Nếu so với tỷ giá USD, tiền VND đang mất giá. Điều này cũng có nghĩa ta đang bị mất giá kép so với đồng yen.

Theo bảng đồng hồ nợ toàn cầu do tạp chí The Economist thiết lập, trong 10 năm qua nợ công trên mỗi người dân Việt Nam gia tăng mạnh. Đến nay nợ công tính đầu người đã lên tới trên 500 USD. Ông bình luận về con số này thế nào?

Nói riêng nợ công tính đầu người ở mức 500 – 600 USD thì không ăn thua gì. Nhưng nếu mổ xẻ kỹ khi so với thu nhập bình quân đầu người ở mức 1.200 USD của Việt Nam hiện nay, đây là một gánh nặng rất lớn. Các nước khác, nợ công của họ có thể lên tới hơn 100% GDP nhưng thu nhập bình quân đầu người/năm của họ lên tới hơn 30.000 USD.

Mổ xẻ sâu thêm vấn đề nợ công của Việt Nam, phải tách bạch các khoản vay về để làm gì, tiền được sử dụng ra sao. Một quốc gia vay tiền về để tạo ra công ăn việc làm, tạo ra sản xuất, tăng cường xuất khẩu thì đó là chuyện rất tốt.

Việt Nam vay tiền về nhưng chưa thực sự tạo ra sản phẩm mạnh nào cho nền kinh tế. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng là việc đương nhiên phải làm nhưng phải tính. Các nước có điều kiện tương tự Việt Nam, sau khi vay tiền cũng đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhưng họ quản lý rất tốt và chỉ làm những công trình mà tư nhân không thể đầu tư được.

Phải đo hiệu quả

Chính phủ cho rằng nợ công của Việt Nam vẫn ở ngưỡng an toàn, còn theo ông?

Có thể nói là ở mức nguy hiểm nếu không quản lý tốt và nếu vẫn tiếp tục đổ vốn vào các tập đoàn, công trình không có khả năng trả nợ như Vinashin vừa qua. Còn nếu mình sử dụng tốt vốn vay và kinh tế vẫn phát triển thì không có vấn đề gì cả.

Ở các nước có chuyện chính phủ vay vốn nước ngoài rồi cho các tập đoàn kinh tế vay lại không?

Nợ công và ngưỡng an toàn: Cần lập ủy ban giám sát đặc biệt? ảnh 3

Nợ công tăng nhanh và ở mức 56,7% thì không thể nói an tâm được  -

Đại biểu Trần Du Lịch

Chính phủ Mỹ không bao giờ đứng ra bảo lãnh cho tập đoàn vay cả. Việt Nam có cái đặc biệt là xuất phát từ kinh tế tập trung nên mới có chuyện Chính phủ đứng ra bảo lãnh và bao cấp cho một số tập đoàn kinh tế.

Theo ông vấn đề nợ công của Việt Nam sẽ phải làm như thế nào trong thời gian tới?

Để nói nợ công chiếm hơn 50% GDP có an toàn hay không thì trước hết phải làm phép tính với số tiền nợ hiện tại, trong các năm tới ta sẽ phải trả nợ gốc và lãi bao nhiêu, thời hạn trả nợ thế nào, nguồn tiền để trả nợ ở đâu.

Cùng với đó phải có kế hoạch phát triển kinh tế mỗi năm bao nhiêu, mức độ tăng trưởng xuất khẩu mỗi năm thế nào, tích lũy dự trữ ngoại hối trong vòng ba, năm và 10 năm tới ra sao. Phải vạch ra được thời gian trả nợ dựa trên những thông số phát triển cụ thể của nền kinh tế thì mới có thể nói mức nợ công như vậy là an toàn hay không.

Theo tôi, cần phải lập một ủy ban giám sát đặc biệt thuộc Quốc hội để rà soát lại khả năng trả nợ và tiến độ trả nợ nước ngoài của Việt Nam.

Theo bản tin nợ nước ngoài do Bộ Tài chính công bố hồi tháng 6-2010, dư nợ nước ngoài cuối kỳ của Chính phủ tính đến 31-12-2009 là 23,94 tỷ USD. Chênh lệch tỷ giá hối đoái do trượt giá là 1,82 tỷ USD. Trong đó chênh lệch tỷ giá của đồng VND so với đồng yen Nhật Bản chiếm tới 1,33 tỷ USD. Dự kiến năm 2010, Việt Nam phải trả nợ gốc nước ngoài 725 triệu USD. Tiền lãi và phí phải trả là 376,5 triệu USD. 

Phạm Tuyên
Thực hiện

MỚI - NÓNG