Nỗ lực cứu hộ nạn nhân còn mất tích ở Cửa Đại

Nỗ lực cứu hộ nạn nhân còn mất tích ở Cửa Đại
Lực lượng cứu hộ khoảng 250 người đã thức trắng đêm với hy vọng mong manh có thể tìm được người thân, đồng đội của mình còn sống, thậm chí đã mất trong vụ chìm tàu trên biển vào trưa ngày 25-12.
Lực lượng cứu hộ đưa nạn nhân bị chìm tàu vào bờ cấp cứu chiều 25-12 - Ảnh: Tuổi Trẻ
Lực lượng cứu hộ đưa nạn nhân bị chìm tàu vào bờ cấp cứu chiều 25-12 - Ảnh: Tuổi Trẻ.

Mờ sáng ngày 26-12, có mặt tại cửa biển Cửa Đại, thấy sóng đã thôi những cơn cuộn trào, nhưng biển vẫn động dữ dội. Dọc cửa biển Cửa Đại thấp thoáng những ánh đèn pin và tiếng nói khàn đặc của người chiến sỹ đang làm công tác cứu hộ. Mùi nhang đèn bay khắp một góc trời.

Bên cạnh những gương mặt lo âu của những người làm công tác cứu hộ, cứu nạn là những khuôn mặt thất thần, đau đớn của người thân của các nạn nhân bị mất tích. Họ ngồi xung quanh các nhóm lửa, mắt hướng về phía biển và cầu nguyện. Thỉnh thoảng lại có người khóc nấc lên, kêu gào tên người mất tích. Cũng có người thiếp đi vì mỏi mệt và thương tiếc người thân.

Gục đầu lên người thân của mình, chị Nguyễn Thị Lượng (24 tuổi) vợ của Trung úy Bùi Phước Tâm nghẹn ngào nói: "Hai vợ chồng lấy nhau cũng gần được 5 năm, có một đứa con trai gần 4 tuổi nhưng anh đi làm miết. Trưa qua nghe tin anh đưa quân ra Tam Kỳ huấn luyện nên chạy ra đây đón anh về nhà chơi với con một lát, ai ngờ..."

Bên cạnh chị Lượng là bố mẹ, anh chị em của anh Tâm. Họ cũng đang mong mỏi đếm từng phút giây hy vọng sẽ có tin của anh. Cầm bó nhang gục đầu xuống cát, người mẹ đau đớn khàn giọng gào khóc tên con: “Con ơi, con ở đâu rồi, sao không về hả con? Dưới đó lạnh lắm con ơi, mọi người đang ngồi chờ con ở đây này, mau về đi Tâm ơi là Tâm…”

Theo người nhà, anh Tâm năm nay mới 28 tuổi nhưng đã gia nhập lực lượng quân sự được 11 năm. Nhờ phấn đấu làm việc, anh được đơn vị cử đi học 3 năm Trường Sỹ quan Lục quân 2 (Đồng Nai) và vừa trở lại công tác ở tiểu đoàn D70 đóng tại xã đảo Tân Hiệp. Bố mẹ của Tâm có 3 người con, anh là con trai cả. Cuộc sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên gia đình cũng không khá giả gì, chỉ mình anh có nghề nghiệp ổn định nên anh là hy vọng của cả gia đình. Nhưng nay hy vọng đó của họ đang mong manh quá đỗi.

Ở một khúc bờ biển khác, anh Đặng Ngọc Trinh ở Bình Sa, Thăng Bình cũng đang mòn mỏi chờ đợi tin em trai là Đặng Ngọc Thiện trong vô vọng. Thiện năm nay mới 19 tuổi, em nhập ngũ được 4 tháng và ra đảo Cù Lao Chàm 1 tháng. Đợt này, Thiện cũng được đơn vị cử đi huấn luyện ở Tam Kỳ.

“Nó nhập ngũ từ 4 tháng nay, nhà làm nông nên sợ về bố mẹ lại đi vay tiền cho nó đi nên từ lúc nhập ngũ đến giờ Thiện vẫn chưa chịu về nhà. Chẳng lẽ nó định đi luôn như thế này ư?! Bây giờ gia đình vẫn chưa cho mẹ biết, bà thương nó lắm. Hôm sau 3 tháng ở thao trường, nó gửi nhật ký về cho nhà, bà mẹ đọc xong mà nhớ nó khóc miết. Giờ bà mà nghe tin này, không biết sao nữa. Tội nghiệp,” anh Trinh xúc động kể.

Vụ chìm tàu thảm khốc tại cửa biển Cửa Đại (thành phố Hội An, Quảng Nam) xảy ra vào khoảng 13 giờ ngày 25-12 đã làm 2 người chết và vẫn còn 5 người mất tích. Sau một đêm vẫn chưa tìm thấy thông tin gì của những nạn nhân xấu số và người thân đang mòn mỏi chờ đợi trong vô vọng.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Thảo, Trưởng Ban cứu hộ cứu nạn Quân khu 5, tối 25-12 ở khu vực trên biển hơn 100 cán bộ, chiến sỹ và người dân ở các tàu đã thức trắng đêm với nỗ lực tìm kiếm những người còn mất tích. Còn dọc bãi biển, gần 150 người là lực lượng dân quân ở các địa phương đang men theo dọc bờ biển từ Tam Kỳ ra tới Đà Nẵng với hy vọng sóng lớn sẽ đưa những người bị mất tích dạt vào bờ. Do trời tối, gió lớn và trời rét lạnh nên các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.

Trong đêm, các lực lượng chức năng đã phải lập các lán trại ở ngay dọc biển để túc trực và triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Hiện tại ở trên biển, 1 chiếc tàu của lực lượng Hải quân; 2 tàu của lực lượng biên phòng, 1 tàu của Trung tâm tìm kiếm cứu hộ cứu nạn khu vực 2 cùng gần 10 chiếc tàu nhỏ của ngư dân trong đêm lạnh đã và đang nỗ lực tìm kiếm những người mất tích. Họ đi tìm từ chiều hôm qua và đến nay vẫn chưa trở lại bờ.

Chiều hôm qua, trực thăng cứu hộ của Sư đoàn 372 cũng đã được điều động vào tham gia tiếp ứng cùng các phương tiện tìm kiếm cứu nạn khác. Đến sáng 26-12, cuộc tìm kiếm những người lính mất tích trên biển vẫn chưa có dấu hiệu gì mới.

Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5 đã có mặt tại khu vực bờ biển để chỉ huy lực lượng vũ trang quân khu nỗ lực tìm kiếm các cán bộ, chiến sỹ còn mất tích. Sáng nay, lực lượng cứu hộ, cứu nạn sẽ tập trung các phương tiện tìm kiếm ở khu vực gần bờ, quyết tâm tìm kiếm những người bị nạn, dù cho là hy vọng mong mạnh.

Theo TTXVN/Vietnam+

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.