Nợ nần chồng chất vì trót tin lời cán bộ xã

Bà Tống Thị Hạnh bị tàn tật từ nhỏ và sống một mình, từ khi sửa lại được căn nhà, bà không còn nằm trong danh sách hộ nghèo nữa
Bà Tống Thị Hạnh bị tàn tật từ nhỏ và sống một mình, từ khi sửa lại được căn nhà, bà không còn nằm trong danh sách hộ nghèo nữa
Rất nhiều hộ nghèo được chính quyền vận động sửa nhà để được nhận hỗ trợ từ Nhà nước, nhưng khi người dân làm nhà xong không thấy xã cấp tiền hỗ trợ, khiến họ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất…

Đó là câu chuyện bi hài của nhiều hộ nghèo ở xã Đức An, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Mang nợ vì làm nhà

Bà Tống Thị Hạnh (SN 1942, trú thôn Hạ Tiến) bị tàn tật từ nhỏ, không có chồng, chỉ có một cô con gái nay cũng đã có gia đình riêng. Hiện bà Hạnh sống một mình, là một trong những hoàn cảnh nghèo nhất xã, cuộc sống của bà dựa vào mấy con gà và tiền trợ cấp chế độ 02.

Bà Hạnh kể, vào tháng 10/2012 có cán bộ xã về tận nhà khảo sát và thông báo có chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho các gia đình hộ nghèo theo Quyết định 167 của Chính phủ về hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo. Nếu gia đình làm được thì sẽ nhận được sự hỗ trợ tiền.

Sau khi được cán bộ xã thông báo, bà Hạnh mừng rỡ và quyết tâm vay mượn anh em, ngân hàng một khoản tiền để sửa sang lại ngôi nhà vì nó đã quá xập xệ, xuống cấp.

Bà Hạnh cho biết: “Lúc đó tôi mới đi mổ sỏi thận về. Trong nhà cũng không có một đồng bạc nào nhưng căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, nay thấy có chương trình hỗ trợ của nhà nước nên quyết tâm vay mượn để sửa lại cái nhà. Các cán bộ còn hối thúc là phải xây xong trước tháng 12/2012 để kịp với chương trình”, bà Hạnh cho biết thêm.

Để hoàn thành đúng thời hạn, bà Hạnh đã nhờ tất cả anh em, bà con xóm giềng đến cùng chung tay sửa lại ngôi nhà và chỉ sau 2 tuần ngôi nhà đã được sửa sang lại kiên cố. “Tôi đã mượn gần 20 triệu đồng của anh em và cả ngân hàng để sửa lại ngôi nhà này”, bà Hạnh cho biết.

Tuy nhiên, trớ trêu thay, khi bà Hạnh xây xong nhà thì chính quyền xã không đả động gì đến chương trình hỗ trợ của Nhà nước như đã thông báo trước đó. Mấy năm qua bà Hạnh đã tìm đến các cơ quan chức năng để đòi quyền lợi nhưng đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

“Tôi đã vay gần 20 triệu nhưng đến giờ vẫn chưa trả hết, còn nợ 10 triệu nữa. Tôi thì bị tàn tật, không làm được việc nặng, chắc đến lúc chết tôi cũng không thể trả xong số tiền này”, bà Hạnh lo lắng.

Cùng cảnh với bà Hạnh là bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1965) cũng ở thôn Hạ Tiến. Bà Hạnh không có chồng, không có con, bố mẹ mất sớm, bà sống một mình. Bà cũng được chính quyền thông báo về chương trình hỗ trợ làm nhà.

Nợ nần chồng chất vì trót tin lời cán bộ xã ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Hạnh kể lại câu chuyện với PV.

Nợ nần chồng chất vì trót tin lời cán bộ xã ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Hạnh sống một mình, không chồng, không con nhưng từ khi sửa được ngôi nhà như thế này bà Hạnh đã không được công nhận là hộ nghèo nữa.

“Khi được xã thông báo, tôi quyết định sửa lại nhà. Tôi vay mượn anh em, xóm làng được hơn 15 triệu và sau hơn 1 tuần thì làm xong. Thế nhưng khi làm xong thì xã bảo là không được nhận tiền hỗ trợ”, bà Hạnh ấm ức.

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều hoàn cảnh tương tự rơi vào cảnh dở khóc, dở cười như thế này. Một điều khiến dư luận bức xúc là sau khi nhà cửa được sửa sang lại, những hộ này không được xếp vào diện hộ nghèo nữa. Xã có thêm thành tích về xóa đói, giảm nghèo.

“Lỗi tại dân”

Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, chúng tôi tìm đến UBND xã Đức An. Trao đổi với Chủ tịch UBND xã qua điện thoại, vị này nói đang đi họp và hướng dẫn chúng tôi gặp phía Mặt trận xã. Tại buổi làm việc, ông Bùi Đình Hưởng, Chủ tịch Mặt trận xã Đức An cho biết, chủ trương hỗ trợ làm nhà cho đối tượng là hộ nghèo là có và xã đã triển khai.

“Khi có chủ trương hỗ trợ nhà ở, chúng tôi đã lập thành 3 đoàn để xuống các hộ dân khảo sát và thông báo chủ trương này cho các đối tượng. Đối tượng nào làm được thì báo cáo lên chính quyền để chốt danh sách và gửi lên trên sẽ có hỗ trợ”, ông Hưởng nói.

Nợ nần chồng chất vì trót tin lời cán bộ xã ảnh 3

Ông Bùi Đình Hưởng, Chủ tịch Mặt trận xã Đức An cho biết người dân làm nhà mà không được hỗ trợ là do lỗi của họ

Khi được hỏi tại sao các đối tượng đã làm xong nhà nhưng không được nhận tiền hỗ trợ, vị Chủ tịch Mặt trận xã nói, đó là lỗi tại dân (?!). “Các hộ dân khi nghe thông báo thì họ tự làm chứ không làm báo cáo gửi lên nên chúng tôi không biết”, ông Hưởng nói.

Tuy vậy, không như lời biện hộ của cán bộ xã Đức An, ông Phạm Văn Đường, Chủ tịch Mặt trận huyện Đức Thọ, lại bức xúc nhận định: "Cán bộ thôn, xã phải có trách nhiệm rà soát, thống kê và lập danh sách các đối tượng để xem xét hỗ trợ làm nhà. Ai lại để dân sửa nhà rồi, giờ lại không được hỗ trợ".

Ông Đường khẳng định việc này là sự thiếu trách nhiệm của cán bộ xã Đức An. “Chúng tôi sẽ rà soát lại và làm việc với xã để làm rõ vấn đề này”, ông Đường khẳng định.

Quyết định 167 của Chính phủ về hỗ trợ làm nhà cho các đối tượng hộ nghèo là một chủ trương hết sức nhân đạo, thiết thực song chính cách làm tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ xã Đức An đã làm "méo mó" chủ trương, đẩy người dân vào cảnh khó khăn, khiến dân mất lòng tin.

Theo Xuân Sinh - Văn Dũng
Theo Dân trí
MỚI - NÓNG